Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng để bảo vệ Ukraine khỏi các cuộc tấn công tên lửa của Nga, Kiev cần có 25 hệ thống Patriot, mỗi hệ thống gồm 6-8 khẩu đội tên lửa.
Hệ thống phòng không Patriot được quảng cáo là một trong những hệ thống tốt nhất hiện có, dựa trên hiệu suất thử nghiệm từ rất lâu trước khi nó được đưa vào sử dụng.
Những khẩu đội đầu tiên được lực lượng Mỹ triển khai vào giữa những năm 1980 và trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, chúng đã phát huy hiệu quả trước mối đe dọa từ tên lửa Scud của Iraq. Kể từ đó, hệ thống Patriot đã phát triển, được hiện đại hóa và nâng cấp khi mối đe dọa ngày càng trở nên tiên tiến hơn về mặt công nghệ.
Ukraine hiện có ít nhất 3 khẩu đội Patriot được nhận vào năm 2023. Hệ thống này Patriot đã được sử dụng thành công trong phòng thủ, chống lại mọi kiểu tấn công trên không bao gồm tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và thậm chí cả tên lửa siêu thanh.
Điểm mấu chốt là Ukraine không có đủ bệ phóng cũng như tên lửa phòng không để tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công tên lửa của Nga với cường độ hiện tại.
Những nước nào có Patriot?
Theo bảng danh sách được Kyiv Post đăng tải, trong số những nước hiện có hệ thống Patriot có Mỹ, Đức, Hy Lạp, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Kuwait, Qatar, Saudi Arabia, UAE, Nhật Bản…
Thuyết phục bất kỳ quốc gia nào đồng ý cung cấp Patriot cho Ukraine cũng sẽ là một thách thức.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng, ông và nhóm của ông đã xác định được 100 hệ thống Patriot đang được cất giữ trên toàn thế giới. Ông cũng xác nhận, “các cuộc đàm phán tích cực” đang được tiến hành với các đồng minh về việc mua hai hệ thống phòng không Patriot và một hệ thống SAMP/T.
Mặc dù ông Kuleba không nêu tên những đồng minh đó, nhưng các quan chức am hiểu về các cuộc thảo luận đã nói với Financial Times rằng Ukraine đang đàm phán với Ba Lan và Tây Ban Nha về một khẩu đội Patriot từ mỗi nước và với Romania về hệ thống SAMP/T (do Pháp-Italy sản xuất).
“Nếu các quốc gia đang triển khai Patriot sẵn sàng chuyển cho chúng tôi, chỉ mất một tuần chúng tôi sẽ nhận được chúng”, ông Kuleba nói.
Raytheon, nhà thiết kế và chế tạo hệ thống Patriot, cho biết họ đã chuyển hơn 240 đơn vị hỏa lực của hệ thống này tới 19 quốc gia. Một số hệ thống Patriot sản xuất trong năm 2024 được dành để thay thế những hệ thống mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine. Chúng cũng có thể là một lựa chọn cho bất kỳ quốc gia nào sẵn sàng chuyển giao các hệ thống Patriot sẵn có trong kho của mình cho Kiev. Điểm hấp dẫn sẽ là “đổi cũ lấy lới”, vốn là cơ sở cho nhiều khoản quyên góp thiết bị trước đây cho Ukraine trong suốt 2 năm kể từ khi xung đột với Nga bùng phát.
Châu Âu “nhắm mắt làm ngơ”?
Các nước châu Âu cho biết họ không có kế hoạch gửi thêm hệ thống phòng không tới Ukraine với lý do cần duy trì năng lực phòng thủ.
Đức đã cung cấp 2 hệ thống Patriot cho Ukraine nhưng mới đây tuyên bố sẽ không cung cấp thêm.
Điều này khiến một số người trong Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo đối lập tức giận. Nghị sĩ Norbert Rottgen thuộc CDU và là thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Đức nói rằng nước này có thể cung cấp cho Ukraine 2 hệ thống Patriot, nhất là do Ba Lan và Slovakia đã trả lại những hệ thống Berlin đã cho mượn.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuần trước nói rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra với các đối tác khác ở châu Âu và trên toàn thế giới để tìm các hệ thống Patriot dự phòng.
“Có nhiều nước trên thế giới có hệ thống Patriot. Họ không muốn cung cấp chúng trực tiếp [cho Ukraine] mà thông qua bên thứ ba. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để đạt được điều đó nhanh nhất có thể”, bà Baerbock nói.
Bà giải thích rằng các quốc gia NATO ở Đông Âu vẫn có yêu cầu phòng thủ. Do đó, Đức không thể thông báo một cách đơn giản rằng Berlin sẽ điều chuyển các hệ thống phòng không mà không tham khảo ý kiến với chính phủ các nước đó.
Ba Lan cho biết không thể cung cấp cho Ukraine các hệ thống Patriot vào thời điểm nước này đang chờ nhận sau khi Washington hồi tháng 6/2023 thông qua đơn hàng 15 tỉ USD mua hệ thống này và các thiết bị liên quan.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm 11/4 cũng loại trừ khả năng cung cấp hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraine. Thay vào đó, ông cho biết có khả năng sẽ chuyển thêm các tên lửa thời Liên Xô cũ cho Kyiv, nhưng không nói rõ tên lửa nào hay số lượng.
“Ở Ba Lan, chúng tôi mới bắt đầu xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa Patriot. Hệ thống này ở Ba Lan vẫn chưa sẵn sàng nên chúng tôi không có gì để viện trợ, cho dù chúng tôi muốn làm như vậy”, ông Duda nhấn mạnh.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 12/4 cho rằng các đồng minh phương Tây đã “nhắm mắt làm ngơ” sau khi nhà máy điện lớn nhất vùng Kiev bị phá hủy trong cuộc tập kích của Nga.
Ông nói rằng Ukraine đã rơi vào một “thông lệ”, khi hứng chịu các cuộc không kích của Nga và sau đó kêu gọi hỗ trợ về phòng không từ các đối tác phương Tây. Họ đã cung cấp nhưng không thực hiện.
“Tên lửa đang tấn công mỗi ngày và mỗi ngày chúng tôi đều nghe tin Ukraine sẽ nhận được các hệ thống phòng không mới. Thực tế sau cùng phải đi đôi với lời nói”, ông Zelensky nhấn mạnh.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vov.vn
Tham gia bình luận