Ukraine tìm ra lối đánh mới để vượt qua bãi mìn chết chóc của Nga

Ukraine tìm ra lối đánh mới để vượt qua bãi mìn chết chóc của Nga

Chuyển sang đi bộ, bò và gỡ mìn thủ công

Các khu vực phía trước các công sự kiên cố của Nga ở miền Nam và Đông Ukraine đã được gài mìn dày đặc.

Đà phản công của Ukraine (bắt đầu vào ngày 4/6/2023) hiện đang rất chậm chạp. Các nhóm công binh của Ukraine trên tuyến đầu đang phải bò trên các bãi mìn, đôi khi ép sát bụng xuống mặt đất, để có thể gỡ mìn, tạo lối đi an toàn cho binh sĩ Ukraine.

Quá trình Ukraine chuẩn bị cho cuộc phản công cũng đã đem lại cho Nga nhiều thời gian để chuẩn bị. Các khu vực sâu từ 5-10km phía trước các cứ điểm chính của Nga đã bị chôn dày đặc các quả mìn chống tăng và mìn chống người, cũng như các dây kích nổ hoặc báo động. Hệ thống phòng ngự đồ sộ như vậy đã cản bước quân đội Ukraine trong hơn 1 tháng phản công vừa qua.

Trước tình cảnh này, quân đội Ukraine quyết định thay đổi chiến thuật. Thay vì đột phá bằng xe tăng và xe chiến đấu bộ binh mà phương Tây cung cấp, hiện nay các đơn vị Ukraine chuyển sang di chuyển bằng chân một cách từ từ.

Tướng Valery Zaluzhny - Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, trả lời gần đây trong một cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post: "Giờ chúng tôi không thể tiến lên bằng xe tăng, bằng thiết giáp được nữa. Bởi vì bãi mìn quá sâu và sớm muộn gì xe tăng cũng sẽ phải khựng lại do trúng mìn, rồi sau đó sẽ bị hỏa lực tập trung của đối phương tiêu diệt".

Thế chật vật của Ukraine trên các bãi mìn đã phơi bày điểm yếu của các xe tăng và xe thiết giáp chở quân, đặc biệt là xe tăng Leopard (do Đức sản xuất) và xe chiến đấu bộ binh Bradley (do Mỹ cung cấp). Các binh sĩ Ukraine vẫn dành lời ngợi khen cho các cỗ xe này vì sau khi xe vấp phải mìn, hầu hết người ngồi trong xe vẫn sống sót và chỉ bị thương nhẹ. Tuy nhiên, các cỗ xe đó không thể tự một mình chọc thủng được phòng tuyến kiên cố của Nga.

Tìm kiếm thêm thiết bị công binh

Tướng Zaluzhny cho biết, các máy bay chiến đấu hiện đại như F-16 do Mỹ sản xuất cùng các hệ thống khí tài khác là cần thiết để cung cấp sự yểm trợ tốt hơn cho hoạt động tác chiến trên bộ.

Theo tướng Zaluzhny, Ukraine cần đến "thiết bị đặc biệt" - đó là thiết bị rà phá bom mìn điều khiển từ xa.

Phát biểu vào cuối ngày 14/7, Tổng thống Ukraine Zelensky thừa nhận khó khăn trong việc tiến quân. Ông nhấn mạnh, phía Nga đã đầu tư mọi thứ có thể vào việc ngăn chặn binh sĩ của Ukraine ở khu vực phía Nam và phía Đông.

Một quan chức cấp cao Ukraine giấu tên cho biết, Kiev nhận được chưa tới 15% số lượng thiết bị công binh và rà phá bom mìn, bao gồm cả "thiết bị nổ theo tuyến để phá mìn" (MICLIC) mà Ukraine đã yêu cầu đối tác phương Tây cung cấp trước cuộc phản công.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cũng cho biết, họ đã hối thúc phương Tây cung cấp thêm các hệ thống phá mìn, như là thiết bị nổ Bangalore dành cho công binh.

Trông cậy vào đạn chùm để tạo đột biến

Giới chức Ukraine cho biết, quyết định của Mỹ cung cấp cho họ các loại đạn chùm sẽ lần đầu tiên mang đến cho Ukraine ưu thế hỏa lực trong xung đột với Nga. Đạn chùm được kỳ vọng sẽ giúp Ukraine có thêm thời gian và không gian để sử dụng các thiết bị công binh họ đang sở hữu.

Binh sĩ Ukraine trên thực địa cũng bày tỏ ngần ngại khi phải sử dụng các thiết bị to hơn và hiện đại hơn để rà phá mìn, bởi lẽ số lượng các thiết bị này ít nên quân Nga sẽ ưu tiên tấn công tiêu diệt trước.

Các bãi mìn của Nga đặc biệt sâu và dày ở tiền tuyến Zaporizhzhia (nằm ở phía Nam), nơi người Nga dự kiến Ukraine sẽ tập trung tấn công để cắt đứt hành lang đất nối Crimea với đất liền Nga.

Địa hình khu vực này gồm chủ yếu các cánh đồng rộng trống tải, ít có chỗ để binh sĩ Ukraine ngụy trang các thiết bị và xe quân sự cồng kềnh của họ. Trong khi đó, quân Nga đã lựa chọn các điểm cao để bố trí công sự.

Một chỉ huy công binh thuộc Lữ đoàn cơ giới 47 của Ukraine cho biết đơn vị của ông nhận được xe phá mìn Wisent do Đức cung cấp. Xe này đã dọn được một số đoạn đường để đơn vị của Lữ đoàn tiến bước.

Oskar (hô hiệu của viên chỉ huy này theo quy định của Ukraine) cho biết, việc sử dụng thiết bị trên hiện nay là kém hiệu quả do nó to lớn, nhiều tiếng ồn, dễ thấy và dễ bị tấn công.

Một viên sĩ quan khác của Lữ đoàn cơ giới 47 cho hay, vào ngày đầu tiên của cuộc phản công, một số đơn vị của lữ đoàn này sử dụng xe thiết giáp Bradley và xe tăng Leopard đã đi nhầm đường, lao đầu vào 1 bãi mìn thay vì đi theo con đường an toàn mà các công binh Ukraine đã chuẩn bị trước. Các xe phá mìn đi đầu đoàn xe nhưng khi các xe phía sau vấp phải mìn và khựng lại, nhóm tiến công đã buộc phải dừng lại. Tình trạng hỗn loạn đã khiến cả một cụm xe tập trung tại một chỗ. Đúng lúc này, trực thăng Nga xuất hiện và phóng tên lửa chống tăng vào đoàn xe Ukraine, phá hủy hoặc gây hư hại cho một số xe tăng và xe thiết giáp chở quân của Ukraine.

Viên sĩ quan nói tiếp: "Khi đối phương nhìn thấy một xe tăng Leopard ở phía trước và thiết bị công binh đặc biệt, họ sẽ tập trung phá hủy thiết bị công binh trước, vì nếu thiếu thiết bị đó, các xe khác và lực lượng khác sẽ không tiến lên được. Trong vài ngày đầu cuộc phản công, các xe công binh như vậy đã bị phá hủy cùng kíp xe ở bên trong".

Lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng để hành động

Nga có nhiều UAV bay trên bầu trời để phát hiện các hệ thống rà phá mìn rồi cung cấp tọa độ cho pháo binh và tên lửa đánh diệt. Do vậy để bảo tồn số lượng xe rà phá mìn ít ỏi, quân Ukraine đã quyết định sẽ phá mìn theo lối thủ công. Các nhóm công binh Ukraine thường đợi đến lúc trời chạng vạng mới tiến hành rà mìn dọn đường, bởi vì trong ánh sáng ban ngày họ sẽ bị lộ rõ, còn ban đêm các hệ thống nhìn đêm sẽ phát hiện ra họ.

Lính công binh Ukraine cũng cho biết, vừa đi bộ vừa cầm mày dò kim loại cũng là điều không thực tế vì quá lộ. Do vậy, họ phải bò, dựa vào thị giác để phát hiện mìn.

Trung tá Mykola Moroz, chỉ huy tiểu đoàn công binh thuộc Lữ đoàn tấn công sơn cước 128 của Ukraine, cho biết: "Công việc của công binh đòi hỏi thời gian và sự tĩnh lặng. Do vậy, đà tiến công chậm lại".

Tuy nhiên, lực lượng Nga cũng có thể dùng UAV để thả thêm mìn lên những khu vực mà Ukraine đã rà phá mìn xong. Ngay cả khi lính Ukraine tới được một tuyến chiến hào nào đó, nơi đó cũng có thể đã được gài mìn. Và khi đi bộ như vậy, việc bổ sung đạn được và tải thương cũng sẽ khó khăn hơn.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói: "Trong lúc chúng tôi chuẩn bị thì người Nga cũng đang chuẩn bị. Họ hiểu rằng thiết bị công binh vào lúc này đóng vai trò then chốt, có thể thay đổi cục diện, nên họ muốn tập trung phá hủy các thiết bị đó đầu tiên. Tôi đã gửi thêm một lá thư yêu cầu các đối tác của chúng tôi chú ý đến vấn đề này ngay bây giờ".

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận