Đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ không chỉ khó chế tạo về mặt kỹ thuật, chỉ có các siêu cường mới có thể sở hữu, mà còn tạo ra mối nguy cơ mới cho an ninh toàn cầu. Xu hướng thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân đang được nhiều quốc gia theo đuổi.
Công nghệ của các siêu cường
Từ quả bom nguyên tử "Little Boy" (15 kiloton) thả xuống Hiroshima năm 1945 đến các đầu đạn nhiệt hạch có sức công phá hàng chục Megaton (tương đương hàng triệu tấn thuốc nổ TNT) trong Chiến tranh Lạnh, kích thước và sức mạnh của vũ khí hạt nhân luôn song hành với công nghệ.
Thập niên 1970 đánh dấu bước ngoặt khi Mỹ và Liên Xô phát triển đầu đạn MIRV (Multiple Independently Targetable Reentry Vehicle), cho phép một tên lửa mang nhiều đầu đạn nhắm vào các mục tiêu độc lập. Đây là tiền đề cho việc thu nhỏ đầu đạn, tối ưu hóa khả năng tấn công.
Về bản chất, các đầu đạn hạt nhân thu nhỏ vẫn sử dụng nguyên tắc truyền thống là hợp nhất các khối vật liệu hạt nhân có tỷ lệ tinh khiết cao để đạt điểm tới hạn cho phản ứng phân hạch. Điều này cũng tương tự với các đầu đạn nhiệt hạch khi sử dụng đầu đạn phân hạch làm “ngòi nổ” để kích hoạt phản ứng hạch tâm như trong lõi Mặt trời.
![]() |
Vũ khí hạt nhân đang ngày càng được thu nhỏ về kích thước và tăng độ chính xác. Ảnh: Topwar |
Theo Tạp chí quân sự Topwar, việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân cần những công nghệ rất phức tạp và nền tảng thực nghiệm vật liệu hạt nhân tiên tiến. Cụ thể, những đầu đạn hạt nhân càng nhỏ cần các hợp kim chịu nhiệt và áp suất cực cao làm vỏ, như tungsten hay composite, giúp bọc lõi plutonium trong môi trường kín và đậm đặc. Điều này giúp phản ứng phân hạch diễn ra kể cả khi khối lượng vật chất hạt nhân có trọng lượng nhỏ.
Vấn đề tiếp theo chính là thiết kế tối ưu về kích thước và khối lượng đầu đạn với sự tính toán của máy tính để tối ưu phản ứng phân hạch và nhiệt hạch, giảm kích thước đầu đạn, nhưng tăng hiệu suất. Tiếp đó là hệ thống kích nổ thông minh với cảm biến và chip vi xử lý siêu nhỏ điều chỉnh thời điểm kích hoạt, đảm bảo điểm nổ đúng thời điểm để tối đa sức công phá.
Chính vì công nghệ phức tạp nên chỉ có cường quốc hạt nhân với nền tảng công nghệ và thực nghiệm sâu về loại vũ khí này mới có thể thực hiện. Ví dụ, đầu đạn W88 của Mỹ nặng chỉ 360kg nhưng có đương lượng nổ 475 kiloton, gấp 30 lần quả bom từng ném xuống Hiroshima. Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô cũng phát triển các đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, trong đó có loại có thể lắp lên đạn tên lửa của tổ hợp phòng không S-75 Dvina để đối phó với các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ.
Công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đang được nhiều quốc gia theo đuổi cho tới thời điểm hiện tại.
Sức mạnh răn đe và nguy cơ an ninh
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), thời điểm năm 2023, 9 quốc gia trên thế giới sở hữu khoảng 12.500 đầu đạn hạt nhân, trong đó Mỹ và Nga chiếm 90%. Đáng chú ý, các siêu cường đang chuyển hướng sang phát triển đầu đạn "nhỏ gọn" hơn, tích hợp trên tên lửa siêu thanh, tàu ngầm hoặc vũ khí siêu vượt âm. Đầu đạn nhỏ dễ triển khai linh hoạt, phù hợp chiến thuật tấn công phủ đầu. Chúng được xem như công cụ răn đe linh hoạt, giảm ngưỡng sử dụng so với vũ khí hạt nhân chiến lược truyền thống.
Điều này có thể thấy qua việc Triển khai đầu đạn W76-2 (sức công phá 5-7 kiloton, nhỏ hơn bom Hiroshima) trên tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Nga tích hợp các đầu đạn hạt nhân thu nhỏ trên thiết bị lượn siêu vượt âm Avangard (tốc độ Mach 20).
Việc thu nhỏ và giảm sức công phá của vũ khí hạt nhân cũng đặt ra nhiều vấn đề về an ninh hạt nhân, cũng quy định sử dụng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.
![]() |
Vũ khí hạt nhân thu nhỏ dễ bị "nhầm lẫn" giữa vũ khí cấp chiến thuật và chiến lược, cũng như ngưỡng sử dụng chúng trong chiến tranh. Ảnh: Lenta |
Đầu đạn hạt nhân nhỏ (5-50 kiloton) dễ bị xem là vũ khí cấp chiến thuật, làm mờ ranh giới giữa vũ khí thông thường và hạt nhân. Nhất là khi loại vũ khí này không bị ràng buộc bởi bất kỳ hiệp ước hay quy định quốc tế nào. Lấy ví dụ như Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới - New START đang đàm phán giữa Nga và Mỹ chỉ giới hạn số lượng nhưng không kiểm soát kích thước đầu đạn.
Tiến sĩ Elena K. Sokova, Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury cảnh báo: "Cộng đồng quốc tế thiếu cơ chế ràng buộc để ngăn chặn cuộc đua thu nhỏ vũ khí hạt nhân, đe dọa hệ thống kiểm soát vũ khí hiện có”.
Ngoài ra, việc các cường quốc phát triển các loại vũ khí hạt nhân thu nhỏ có thể khơi mào cho cuộc chạy đua phát triển vũ khí mới ở nhiều quốc gia hạt nhân khác. Điều này sẽ có tác động tiêu cực tới an ninh toàn cầu.
Có thể nói, thu nhỏ đầu đạn hạt nhân là con dao hai lưỡi là vừa thúc đẩy công nghệ, vừa đặt nhân loại trước hiểm họa khôn lường hay công nghệ càng tinh vi, nguy cơ càng lớn.
TUẤN SƠN (tổng hợp)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: www.qdnd.vn
Tham gia bình luận