Vũ khí không người lái 'thống trị’ chiến trường Ukraine

Vũ khí không người lái 'thống trị’ chiến trường Ukraine

Trong lịch sử quân sự hiện đại, chưa bao giờ máy bay không người lái (UAV) được sử dụng nhiều như trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, thành công của UAV trên chiến trường Ukraine đã làm cho học thuyết của phương Tây phá sản.

Nhiều học thuyết quân sự lỗi thời vì UAV

Học thuyết quân sự của NATO hướng dẫn quân đội Ukraine tấn công phối hợp giữa xe tăng, xe chiến đấu bộ binh với sự yểm trợ của pháo binh và không quân để đột phá phòng tuyến đối phương. Trong đó, pháo binh và không quân chế áp hỏa lực phòng ngự của đối phương, tạo cơ hội cho lực lượng tiến công tiếp cận các chiến hào.

Nhưng để đơn vị cấp lữ đoàn đạt được mức độ phối hợp với nhau không phải là điều đơn giản. Quân đội NATO đã phải dành nhiều năm cho việc nghiên cứu và huấn luyện hiệp đồng tác chiến. Trong khi đó, phần lớn các binh sĩ Ukraine mới được động viên vào quân đội và chỉ được huấn luyện một thời gian ngắn trước khi tham gia chiến đấu. Trái lại, quân đội Nga đã có nhiều tháng để chuẩn bị công sự trận địa, hầm hào, chướng ngại vật và các bãi mìn rộng lớn.

Do tổn thất nhiều phương tiện bọc thép, quân đội Ukraine đã phải thay đổi chiến thuật, chuyển sang dùng các đơn vị nhỏ và ít phương tiện hơn để tấn công. Hiện nay, mỗi cuộc tiến công của quân đội Ukraine chỉ dùng từ 10-30 lính bộ binh, thực hiện đi bộ để xuyên qua tuyến phòng thủ của Nga.

Xe tăng Ukraine bị UAV Nga ngắm mục tiêu.

Xe tăng Ukraine bị UAV Nga ngắm mục tiêu.

Bradley Crawford, cựu quân nhân lục quân Mỹ và hiện đang huấn luyện lực lượng Ukraine, nói với WSJ: “Các cuộc tấn công bằng xe bọc thép quy mô lớn để giành nhiều km đất trong một thời gian ngắn, như cách chúng tôi từng thực hiện trong chiến tranh Iraq năm 2003 đã không còn nữa, vì sự đe dọa của những chiếc UAV trên bầu trời”.  

Cả Nga và Ukraine hiện đang triển khai hàng nghìn máy bay không người lái trên khắp chiến tuyến. Cả hai bên chủ yếu dựa vào UAV để xác định vị trí của nhau, sau đó phóng tên lửa và đạn pháo vào đội hình đối phương.

Ông Ryan O'Leary, một cựu chiến binh khác của Mỹ hiện đang chiến đấu trong quân đội Ukraine, cũng đưa ra quan điểm tương tự trong một cuộc phỏng vấn với Politico và chỉ ra rằng, chương trình huấn luyện của NATO cho quân đội Ukraine không phù hợp với thực tế của chiến tranh máy bay không người lái hiện đại, vì lực lượng NATO chưa trải qua thực tiễn như vậy.

Bất kỳ phương tiện bọc thép nào lộ diện đều trở thành mục tiêu của FPV cảm tử, loại UAV mang đầu đạn RPG. Nga và Ukraine mỗi tháng sản xuất hàng ngàn UAV với giá của mỗi chiếc chỉ vài trăm USD.

Nhà phân tích quân sự Sergio Miller nói với tạp chí 19FortyFive rằng, hiệu quả của các loại máy bay không người lái giá rẻ này tương tự như súng máy trong Thế chiến thứ nhất. Thời đó, súng máy khiến bộ binh tấn công trên khu vực đất trống trải gần như là hành động tự sát, giống như xe tăng và xe thiết giáp thời nay, chưa tới mục tiêu thì đã bị tiêu diệt bởi các đòn tấn công của FPV.

Một phương tiện USV của Ukraine.

Một phương tiện USV của Ukraine.

USV thống trị trên biển

Hiện nay Ukraine không còn lực lượng hải quân để hoạt động. Trên thực tế, Nga hoàn toàn kiểm soát toàn bộ biển Đen. Ukraine chống lại hải quân Nga theo một cách thức đặc biệt. Họ xây dựng một đội xuồng không người lái (USV) và robot mô tô nước để đối đầu với Nga. Tất cả xuồng và mô tô nước này đều có tốc độ cao, chất đầy thuốc nổ, sử dụng camera gắn ở mũi thuyền và được điều khiển từ xa.

Vào tháng 10/2022, nhiều USV cảm tử tấn công hệ thống phòng thủ của Nga xung quanh căn cứ hải quân ở Sevastopol và các tàu neo đậu tại đó, gây hư hại cho tàu phá ngư lôi Ivan Golubets và tàu hộ vệ Đô đốc Makarov.  

Ngoài cuộc tấn công này, Ukraine còn tiến hành nhiều cuộc tấn công nữa bằng USV như vụ tấn công vào căn cứ ở Novorossiysk, nhưng không gây thiệt hại đáng kể.

Vụ tấn công bằng tàu không người lái đáng chú ý nhất đã khiến một đoạn cầu Kerch ngừng hoạt động. Trong vụ tấn công này, Ukraine sử dụng các USV Sea Baby kích cỡ lớn, mỗi chiếc chở một đầu đạn 725kg được thiết kế tấn công vào các nhịp cầu thay vì nhắm vào các trụ bê tông vững chắc.

Trên thực tế, trong xung đột Nga - Ukraine chưa có trận hải chiến quy mô lớn nào tương tự như trong Chiến dịch Thái Bình Dương thời Thế chiến II. Không có nhiều tàu bị đắm nhưng hải quân Nga đã thực sự bị hạn chế khả năng hoạt động, khiến hiệu quả tác chiến của họ bị giảm xuống. Tàu chiến đắt tiền của Nga đang phải đối đầu với USV rẻ tiền của Ukraine. Trong khi đó, hạm đội USV của Ukraine tiếp tục gia tăng về số lượng và năng lực tác chiến.

Binh sĩ Ukraine sử dụng thiết bị điều khiển phương tiện bay UAV.

Binh sĩ Ukraine sử dụng thiết bị điều khiển phương tiện bay UAV.

UAV thay thế cho vai trò của các chiến đấu cơ

Hiện nay cả Nga và Ukraine rất ít khi sử dụng máy bay có người lái để tiến hành không kích, thay vào đó họ tăng cường sử dụng UAV để tấn công vào các mục tiêu của nhau, điều này cũng giúp hạn chế thiệt hại rất nhiều cho lực lượng không quân có người lái.

Bên cạnh đó, kho tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Nga cũng suy giảm đáng kể, điều này khiến Nga phải dựa vào các UAV cảm tử Shahed do Iran sản xuất. Shahed thực chất là tên lửa hành trình loại nhỏ, hoạt động bằng động cơ cánh quạt. Tuy dễ bị bắn hạ, nhưng với số lượng lớn được triển khai, Shahed có thể khiến phòng không đối phương bị áp đảo.

Ukraine có thể có đủ tên lửa phòng không Patriot để đánh chặn tên lửa đạn đạo, nhưng không đủ để đối phó với số lượng lớn UAV Shahed. Mùa đông năm ngoái, những chiếc UAV Shahed đã tấn công và phá huỷ nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng, gây mất điện trên khắp Ukraine.

Ở chiều ngược lại, Ukraine cũng áp dụng chiến thuật tương tự với Nga, khi sử dụng số lượng lớn các UAV nhỏ có tầm bay xa để tấn công sâu vào trong lãnh thổ Nga và gây ra những thiệt hại không nhỏ.

Lê Hưng(19fortyfive)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận