Hàng dài người dân Gaza gồm cả phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật đã đổ xuống đường Salah Eddin – một trong hai tuyến đường cao tốc Bắc – Nam ở Gaza, dọc theo hành lang sơ tán được Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) công bố trước đó khi xung đột Israel - Hamas nổ ra.
Một cô gái trẻ nói với CNN cho rằng, những gì đang diễn ra giống như một một thảm họa "Nakba thứ hai". "Sự kiện Nakba" (Nakba có nghĩa là "Thảm họa") bắt đầu vào ngày 15/5/1948, chỉ một ngày sau ngày thành lập Nhà nước Israel, khi những dòng người Palestine bắt đầu rời khỏi nhà cửa của mình ở miền Bắc đất nước. Nó cũng đánh dấu cuộc xung đột đầu tiên giữa những người Israel và cộng đồng Arab, hay còn được biết tới là Chiến tranh Arab-Israel lần thứ nhất.
Trong giai đoạn này, hơn 750.000 người Palestine đã bị trục xuất hoặc rời khỏi nhà của họ, bỏ lại phía sau là đống đổ nát của 530 ngôi làng và thị trấn bị lực lượng dân quân phục quốc Do Thái và quân đội Israel phá hủy. Hầu hết số người Palestine này đã phải sống như những người tị nạn tha hương ở các quốc gia láng giềng.
Ngày 8/11 đánh dấu ngày thứ năm liên tiếp IDF mở hành lang sơ tán và số người di tản về phía Nam ngày càng tăng lên.
Theo thống kê của các cơ quan Liên Hợp Quốc, hôm 5/11 có khoảng 2.000 di chuyển về phía Nam, con số này tăng mạnh lên 15.000 vào ngày 7/11 và đến hôm qua (8/11), có tới 50.000 người Gaza đi qua hành lang sơ tán. Mặc dù con số thống kê không thể xác minh độc lập nhưng một phóng viên của CNN có mặt tại hiện trường cho biết, số người chạy khỏi Gaza đã tăng đột biến trong ngày Thứ tư (8/11).
Sau vụ tấn công của phong trào Hamas vào Gaza hôm 7/10 khiến 1.400 người Israel thiệt mạng, Israel đã tăng cường các vụ tấn công vào dải đất này.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant hôm thứ 7/11 tuyên bố quân đội nước này đang ở "trung tâm Thành phố Gaza" và nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng cũng như các chỉ huy của Hamas ở đó.
“Toàn bộ thành phố này (Gaza) là một căn cứ khủng bố lớn. Dưới lòng đất, họ [Hamas – ND] có hàng km đường hầm nối tới bệnh viện và trường học. Chúng tôi sẽ tiếp tục loại bỏ các đường hầm này”, ông Gallant nói.
IDF ném bom Gaza trong nhiều tuần gần đây và cho biết họ đã tấn công 14.000 “mục tiêu khủng bố” trong dải Gaza đông đúc.
Một người đàn ông giấu tên nói với phóng viên CNN ở miền nam Gaza rằng ông và những người hàng xóm đã trải qua "những ngày kinh hoàng". Họ phải rời bỏ nhà cửa ở phía bắc Gaza và di chuyển nhiều lần nhưng không thể thoát khỏi các cuộc không kích.
Không còn nơi nào an toàn ở dải Gaza
“Cuộc chiến này không chừa lại cho chúng tôi một chỗ trú ngụ an toàn – không nhà thờ, không sinh hoạt tôn giáo hay bất cứ thứ gì. Hôm nay họ rải truyền đơn khuyên chúng tôi rời đi đến nơi được cho là an toàn. Giờ đây chúng tôi đã ở khu vực Wadi Gaza những vẫn nghe thấy tiếng bom nổ. Không còn nơi nào là an toàn ở Gaza”, người đàn ông giấu tên chia sẻ.
Người này cho biết thêm: “Chúng tôi có 7 gia đình ở đây. Tất cả nhà cửa của chúng tôi đã bị phá hủy, chẳng còn lại gì cả. Chúng tôi không thể mang theo bất cứ thứ gì – không quần áo, không nước uống, không gì cả. Đường đi đến đây cũng rất khó khăn. Nếu chẳng may làm rơi đồ, bạn không được phép nhặt lên. Bạn không được phép chậm lại. Xác chết ở khắp nơi”.
Baraa, một cô gái 16 tuổi, cho biết cô đã đi bộ rất lâu và qua một chặng đường dài.
Baraa cho rằng những gì đang xảy ra giống như [thảm họa] Nakba của năm 2023: “Chúng tôi đi ngang qua những xác chết không còn nguyên vẹn, đi bên cạnh những chiếc xe tăng. Người Israel yêu cầu chúng tôi bỏ lại quần áo và vứt bớt đồ đạc. Trẻ em rất mệt mỏi vì không có nước”.
Khader Hamad, một người dân Palestine chia sẻ: “Những người không liên quan gì đến phong trào Hamas vẫn đang phải hứng chịu bom đạn nên phải chạy trốn về phía Nam”.
“Chúng tôi bị không kích dữ dội và chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời đi. Tôi phải sử dụng xe lừa kéo vì không có ô tô, không có nhiên liệu và nước uống. Không còn lại gì cho chúng tôi cả”, Hani Bakhit, một người Palestine khác cho biết.
Những người phải di tản mang theo rất ít tài sản trên tay. Một số người ngồi trên xe lừa kéo. Hôm 7/11, theo quan sát của phóng viên CNN, một số người còn mang theo cờ trắng và giơ cao giấy tờ tùy thân khi di chuyển.
Một người Palestine có tên Abu Ida nói: “Xe lừa là phương tiện di chuyển duy nhất còn lại. Không còn năng lượng mặt trời, nhiên liệu cho ô tô và kể cả người có ô tô cũng ngại sử dụng. Tôi không thể đi bộ vì tôi mắc bệnh tiểu đường. Tôi rất khó để có thể đi bộ một chặng đường dài”.
Một người phụ nữ không nêu tên cho rằng "chúng tôi đang bị hủy diệt". “Không ai quan tâm đến chúng tôi. Có lẽ bây giờ chúng tôi đã an toàn, nhưng tôi không chắc về những người vẫn còn ở phía sau. Tôi không biết gia đình tôi ở đâu. Anh chị em tôi ở phía sau tôi. Vì sợ hãi, tôi không thể nhìn về phía sau”.
“Chúng tôi bắt đầu khởi hành từ bệnh viện Al Shifa và chứng kiến rất nhiều cái chết trên đường đi. Xác chết, sự tàn phá khắp nơi”, một người khác kể lại.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vov.vn
Tham gia bình luận