Cuộc "nội chiến" sạc nhanh giữa những smartphone Android

Cuộc "nội chiến" sạc nhanh giữa những smartphone Android

Chiếc smartphone tiếp theo của bạn nhiều khả năng sẽ không đi kèm cốc sạc trong hộp. Không chỉ các mẫu máy cao cấp, chúng ta đã thấy ngày càng nhiều thiết bị tầm trung cũng đi theo xu hướng này. Samsung Galaxy A53 và Nothing Phone 1, hai lựa chọn tầm trung phổ biến cho năm 2022, không đi kèm sạc. Và có lẽ tương tự như sự biến mất của jack cắm tai nghe 3.5mm, thì cuối cùng sẽ có nhiều công ty làm theo mà bỏ cốc sạc.

Do đó, đã đến lúc các nhà sản xuất từ bỏ công nghệ sạc độc quyền để chuyển sang sử dụng các tiêu chuẩn chung và đây là lý do tại sao.

Cuộc

Không có sẵn sạc trong hộp: Một tương lai đáng lo ngại?

Dù Samsung và Nothing đã tạo ra một chút bất tiện cho khách hàng khi không kèm theo cốc sạc, nhưng nhiều người dùng có thể sử dụng điện thoại, cả tính năng sạc nhanh, mà không cần mua thêm cốc sạc của hãng. Điều này là do cả hai công ty đều dựa trên tiêu chuẩn USB Power Delivery để sạc nhanh. Dù có cái tên khác, sạc Samsung Super Fast Charging không phải là một tiêu chuẩn độc quyền. Thay vào đó, nó dựa trên cấu hình kỹ thuật của USB-PD Programmable Power Supply .

Bạn có thể sử dụng bất kỳ bộ sạc nào có hỗ trợ PPS - thậm chí là bộ sạc của bên thứ ba - để sạc một thiết bị Samsung hiện đại. Tuy nhiên, điều này lại không đúng với nhiều thương hiệu smartphone khác, bao gồm Xiaomi, OnePlus và Oppo,... Những thương hiệu này đang đi đầu trong công nghệ sạc nhanh, với các giao thức độc quyền của họ hỗ trợ công suất lên tới 150W. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng bộ sạc USB-PD với các thiết bị này, chúng chỉ có thể cung cấp mức sạc 18 hoặc 27W.

Cuộc

Không cần phải nói, sự chênh lệch này là nguyên nhân đáng lo ngại. Nhiều người không sở hữu bộ sạc SuperVOOC, vì vậy nếu OPPO ngừng cung cấp bộ sạc trong hộp, bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua một cái nếu muốn sử dụng hết khả năng sạc nhanh. Bạn có thể sử dụng kết hợp các bộ sạc của OnePlus, OPPO và Realme, nhưng đó chỉ là vì chúng đều dựa trên cùng một công nghệ. Ngược lại, USB Power Delivery ngày nay đã trở nên phổ biến và bạn sẽ thấy nó được hỗ trợ trên mọi thứ, từ MacBook đến loa Bluetooth.

Với việc nhiều hãng điện thoại đang đẩy mạnh công nghệ sạc nhanh, ví dụ, OnePlus đã tăng từ 30W lên 150W chỉ trong vòng ba năm, dù hiện tại hãng vẫn đang kèm bộ sạc với các thiết bị mới, điều gì sẽ xảy ra nếu điều đó kết thúc?

Ngay cả khi bạn sở hữu bộ sạc độc quyền phù hợp, nó có thể sẽ chậm hơn những gì thiết bị mới hỗ trợ. Sau đó, nếu bạn nâng cấp lên bộ sạc mới, bộ sạc cũ lại có thể trở nên vô dụng vì nó sẽ không sạc nhanh bất kỳ thiết bị nào khác của bạn. Nhìn chung, đó là một vòng luẩn quẩn. Chưa kể đến chất thải điện tử mà chúng gây ra.

Tại sao chúng ta nên có tiêu chuẩn sạc nhanh chung?

Cuộc

Chúng ta thường tranh cãi về việc đặt ra một tiêu chuẩn cổng sạc chung, thay vì phải lựa chọn giữa Lightning hay USB-C, nhưng chính tiêu chuẩn sạc cũng cần một sự thống nhất. 

Rõ ràng công nghệ sạc độc quyền không phù hợp với bối cảnh công nghệ ngày càng hướng tới khả năng tương thích.

Việc áp dụng tiêu chuẩn chung như USB Power Delivery sẽ không khắc phục được vấn đề phân mảnh USB-C trong một sớm một chiều, nhưng ít nhất nó sẽ cho phép chúng ta chia sẻ bộ sạc giữa nhiều thiết bị hơn. Ngày nay, nhiều thiết bị như laptop đã hỗ trợ sạc 100W qua USB-PD. Và công nghệ 240W mới sẽ làm cho tiêu chuẩn này hữu dụng hơn nữa trong tương lai. Vì vậy, các bộ sạc chuẩn USB-PD sẽ tiếp tục rẻ hơn khi ngày càng có nhiều thiết bị hỗ trợ chúng.

Hiện tại, với giá của một cốc sạc mang thương hiệu Samsung hoặc Google, bạn có thể chọn một bộ adapter của bên thứ ba cung cấp nhiều năng lượng sạc hoặc nhiều cổng hơn. Đáng buồn thay, điều này không thể thực hiện được đối với sạc độc quyền, nơi bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc chi từ $30 đến $50 cho sản phẩm của bên thứ nhất mà thậm chí có thể không hoạt động tốt với bất kỳ thiết bị nào khác của bạn.

Không chỉ cốc sạc, hầu hết các bộ sạc dự phòng và sạc trên ô tô cũng không hỗ trợ các giao thức độc quyền. Cũng như với cốc sạc, công suất sạc trong những trường hợp này thường sẽ giảm xuống 10W hoặc 18W - điều không thể chấp nhận được đối với hầu hết người dùng smartphone hiện đại.

Tiêu chuẩn sạc độc quyền sẽ kết thúc?

Cuộc

Dù muốn dù không, các giao thức sạc độc quyền có thể sẽ tồn tại - ít nhất là trong tương lai gần. Nhiều thương hiệu từ lâu đã tuyên bố rằng công nghệ sạc của họ sẽ giúp duy trì tuổi thọ pin tốt hơn.

Đầu năm nay, OPPO tuyên bố Battery Health Engine trên Find X5 Pro cho phép pin duy trì 1.600 chu kỳ sạc trước khi mất 20% dung lượng. Xiaomi cũng đưa ra tuyên bố gần tương tự khi ra mắt công nghệ sạc nhanh HyperCharge.

Có thể chúng ta đã nghe nhiều rằng tuổi thọ của pin có thể xấu đi đáng kể nếu không có các biện pháp phòng ngừa thích hợp. OPPO cho biết họ đã cố ngăn những nguy cơ tiềm ẩn này bằng cách sử dụng một thuật toán độc quyền liên tục điều chỉnh dòng sạc. Công ty cũng cho biết đã tinh chỉnh thành phần hóa học của pin lithium-ion để có tuổi thọ tốt hơn.

Thậm chí ngay cả khi các tuyên bố về tuổi thọ pin là đáng tin cậy, thì vẫn chưa rõ lý do tại sao các biện pháp này không thể được thực hiện cùng với tiêu chuẩn phổ biến như USB-PD. Các cấu hình kỹ thuật mới nhất của USB-PD Programmable Power Supply đã hỗ trợ những mức điện áp và dòng điện khác nhau.

Cuộc

Tuy nhiên, nếu giao thức sạc độc quyền thực sự cần thiết, thì điều ít nhất mà các nhà sản xuất có thể làm là cải thiện khả năng tương thích của chúng với các tiêu chuẩn mở. Ví dụ như dòng sạc flash mini của OPPO có hỗ trợ cả sạc SuperVOOC và USB-PD PPS, dù công ty chưa bán những thứ này bên ngoài Trung Quốc, nhưng OnePlus dường như đã thực hiện động thái đầu tiên.

OnePlus 10T đi kèm với bộ sạc SuperVOOC 150W cũng hỗ trợ USB-PD lên đến 45W. Mặc dù còn cách xa mức 65W (hoặc thậm chí 100W) trên laptop,  nhưng động thái này hy vọng sẽ là một dấu hiệu cho thấy đã gần đến ngày kết thúc của sạc nhanh độc quyền.

Tham khảo: AA

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận