Đánh giá Lenovo A7010: 'Ngon, bổ, rẻ!'

Đánh giá Lenovo A7010: 'Ngon, bổ, rẻ!'

Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 1
Thiết kế

 Có kiểu dáng bên ngoài y hệt chiếc Vibe X3 cao cấp, Lenovo A7010 trông “sang chảnh” hơn nhiều so với mức giá tầm trung của nó. Điểm khác biệt duy nhất của A7010 so với X3 là sử dụng khung bằng nhựa thay vì bằng nhôm nguyên khối như Vibe X3. Dù có khung nhựa kém cao cấp hơn nhưng A7010 vẫn tạo cảm giác khá chắc chắn khi cầm trên tay, với những đường viền, khe hở kín khít thể hiện sự cẩn thận trong chế tạo. Chỉ tới khi ấn mạnh vào phía sau máy mới có tiếng ọp ẹp nhỏ, vì nắp lưng A7010 có thể tháo rời.

Mặt trước máy được thiết kế gọn gàng với cặp loa ngoài đặt cân đối ở hai đầu, bao quanh màn hình 5,5 inch cùng cụm nút cảm ứng, khiến diện tích màn hình không phải “chia sẻ” một phần nhỏ cho hàng phím ảo của hệ điều hành Android. Những nút này được đặt trong tầm với của ngón tay cái, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà Lenovo đã tráo vị trí của nút back và nút đa nhiệm ngược cho nhau. Sự thay đổi vị trí này có thể khiến những người đã quen sử dụng Android bỡ ngỡ đôi chút. Đáng tiếc là bộ phím ảo này không có đèn chiếu sáng nên khó sử dụng trong bóng tối.

Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 2
Phía sau máy cũng có thiết kế đơn giản với cụm camera chính đặt trong một viền bạc cùng cảm biến vân tay, phía bên phải là đèn flash dual-tone. Bên dưới camera lần lượt là logo Lenovo và công nghệ âm thanh Dolby Atmos. Dù nắp lưng được uốn cong nhẹ nhưng do có cạnh trồi lên một khoảng so với cạnh viền nên khi cầm Lenovo A7010 vẫn có cảm giác hơi cấn tay.

Bộ phím âm lượng và nguồn nằm ở nửa trên cạnh phải, trong khi cổng cắm tai nghe và USB được bố trí lần lượt ở cạnh trên và dưới. Dù tháo được nắp lưng nhưng Lenovo vẫn không để người dùng có thể tự thay thế pin của A7010. Bên dưới nắp lưng là nơi đặt 2 khay SIM của máy, phía trên khay SIM thứ 2 còn có một khe cắm thẻ MicroSD mà phải để ý mới nhận ra.

Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 3
Nhìn chung, A7010 là một mẫu điện thoại có thiết kế khá ưa nhìn và cao cấp trong phân khúc tầm trung. Tuy nhiên, khi sử dụng trong bóng tối thì hai bên viền của màn hình có hiện tượng hở sáng nhẹ, khi “soi” ở ngoài ánh sáng thì hơi khó nhận ra lỗi này. Rất có thể đây chỉ là sai sót lắp ráp đơn lẻ chứ không phải lỗi chung của cả dòng máy này. Ngoài ra, A7010 còn có vị trí đặt cảm biến NFC rất kỳ lạ và bất tiện là ở giữa màn hình phía trước, thay vì mặt sau lưng như những smartphone khác. Cách bố trí này khiến việc sử dụng tính năng Touch to Beam của Android rất khó khăn, do một chiếc điện thoại khác đã buộc phải nằm trên màn hình của A7010 mới có thể kết nối NFC được.

Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 4
Màn hình

Màn hình LCD 5,5 inch trên A7010 có độ phân giải Full HD (1.920 x 1.080 pixel), tương đương mật độ điểm ảnh 401 ppi và đạt độ nét khó chê trách. Nhờ có tấm nền công nghệ IPS, cả màu sắc lẫn độ tương phản của A7010 đều đạt mức rất hài hòa. Ngoài ra, người dùng cũng có thể cân chỉnh màu hiển thị theo ý muốn với menu Screen Effects trong Settings. Đây là công nghệ Miravision được vi xử lý MediaTek hỗ trợ, đưa A7010 vào top những điện thoại tầm trung có màn đẹp nhất. Kết hợp cùng góc nhìn tốt, màn hình này tỏ ra rất hoàn hảo để trình chiếu ảnh và phim. Tuy nhiên, dù rất sáng, màn hình này vẫn mang nhược điểm cố hữu của tấm nền LCD: khó đọc dưới ánh sáng mạnh. 

Camera

Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 5
Ảnh chụp trong ánh nắng, không HDR.
 
Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 6
Ảnh chụp trong ánh nắng, có HDR.

Ở phía sau A7010 là camera chính với độ phân giải 13MP, ống kính có khẩu độ mở tối đa f/2.2 và khả năng lấy nét tự động theo pha (phase detection autofocus). Ở điều kiện ánh sáng đầy đủ, camera của A7010 gây ấn tượng tốt bởi nước ảnh có màu hài hòa cùng độ tương phản, độ sáng và độ nét đều đạt mức tốt.

Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 7
Ảnh chụp toàn cảnh, ánh sáng ban ngày, không HDR.
 
Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 8
Ảnh chụp toàn cảnh, ánh sáng ban ngày, có HDR.

Với ánh sáng trong nhà hay chụp đêm, camera của A7010 bộc lộ nhược điểm là nhiều noise và ảnh gần như không được “làm mịn” bằng các thuật toán xử lý sau khi chụp.

Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 9
Ảnh chụp đêm, không HDR.
 
Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 10
Ảnh chụp đêm, có HDR.
Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 11
Ảnh chụp close-up trong nhà, ánh sáng tự nhiên.
 
Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 12
Ảnh chụp close-up trong nhà, ánh sáng đèn huỳnh quang.

Đặc biệt, chế độ chụp HDR của A7010 hoạt động thực sự xuất sắc, nó khiến ảnh trở nên “ưa nhìn” với độ sáng cân bằng và mức tương phản cao hơn. Tuy nhiên, chế độ này có tốc độ chụp chậm hơn và đòi hỏi giữ máy ổn định khi chụp để tránh rung nhòe.

Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 13
Ảnh chụp close-up ngược sáng, ánh sáng ban ngày, không HDR.
Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 14
Ảnh chụp close-up ngược sáng, ánh sáng ban ngày, có HDR.

Ngoài ra, ở điều kiện chụp toàn cảnh ngoài trời nhiều mây, chế độ HDR có xu hướng hơi dư sáng, khiến cảnh vật như đang chìm trong sương mù. Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng ảnh của A7010 vẫn đạt mức rất tốt trong phân khúc tầm trung.

Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 15
Ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng ban ngày, trời nhiều mây, không HDR.
 
Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 16
Ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng ban ngày, trời nhiều mây, có HDR.


Camera trước 5 megapixel của máy chỉ có chất lượng “tạm ổn”, tuy nhiên lại sở hữu một số tính năng hỗ trợ “tự sướng” hiệu quả như làm mịn da hay giơ ngón tay hình chữ V để chụp ảnh.

Ứng dụng camera gốc trên A7010 không thể đáp ứng được những người dùng thích tự chỉnh thông số chụp, do chỉ hỗ trợ chỉnh ISO và cân bằng trắng. Tuy nhiên, với đa số người dùng phổ thông, nó lại rất dễ kiểm soát với giao diện đơn giản, tốc độ chụp nhanh (ngoại trừ khi bật HDR) cùng chế độ panorama và 12 bộ lọc màu khác nhau.

Âm thanh

Nhiều khả năng A7010 cũng được trang bị chip âm thanh chuyên dụng DAC ESS Sabre ES9018K2M chuyên dụng như “đàn anh” Vibe X3, bởi smartphone tầm trung này cũng sở hữu công nghệ âm thanh Dolby Atmos hifi 3.0 và cặp loa ngoài kép. Điều này đã khiến cho A7010 trở thành một trong những mẫu điện thoại chơi nhạc tốt nhất trong phân khúc.

Để trải nghiệm hệ thống âm thanh của A7010, tôi đã nghe thử 2 bản nhạc theo 2 phong cách hoàn toàn khác nhau. Đầu tiên, với bản pop với giai điệu khá chậm Mirrors của ca sĩ người Nhật Yuki Otake, máy đã thể hiện rất rõ ràng âm thanh của nhiều loại nhạc cụ khác nhau, từ những tiếng piano và violon kéo da diết, tới những âm thanh điện tử ẩn sâu dưới nền nhạc. Trong khi đó, tiếng hát của Yuki Otake cùng dàn đồng ca cũng đều rất “sạch”, không bị nhiễu ở các đoạn ngân cao. Thử âm trầm của A7010 qua bản trap/dance Revolution của Diplo, một lần nữa mẫu điện thoại này lại gây ấn tượng với tiếng bass sâu, mạnh và tách bạch. Nhìn chung, chất âm cơ bản của Lenovo A7010 khá thiên trầm, với âm thanh stereo có độ vang tốt và độ chi tiết tương đối cao. Cặp loa ngoài ở mặt trước máy cũng có âm lượng lớn, không bị rè và có âm thanh trung thực.

Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 17
Ứng dụng Dolby Atmos với các tùy chọn điều chỉnh âm thanh tùy vào điều kiện sử dụng và equalizer.
Lenovo cũng tích hợp sẵn vào máy ứng dụng equalizer Dolby Atmos để người dùng có thể điều chỉnh âm theo sở thích nghe nhạc của mình. Không giống như Sony với công nghệ Clear Audio+, ứng dụng này có thể hoạt động với mọi phần mềm nghe nhạc thay vì chỉ sử dụng được với bản gốc theo máy. Chất lượng thoại của máy cũng đạt mức khá với khả năng khử tiếng ồn tốt.

Cảm biến vân tay

Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 18
Quá trình ghi dấu vân tay trên A7010 diễn ra đơn giản, chính xác.

Dù nằm ở phân khúc tầm trung nhưng A7010 vẫn được Lenovo trang bị cảm biến vân tay - một tính năng mới chỉ phổ biến trên các mẫu điện thoại cao cấp chạy Android trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây. Càng ngạc nhiên hơn khi cảm biến này làm việc thực sự tốt, thậm chí là còn tốt hơn cả một số điện thoại cao cấp mà tôi đã từng thử nghiệm.

Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 19
Cảm biến vân tay có thể sử dụng để điều hướng máy.

Thay vì để người dùng tự đặt ngón tay theo các vị trí khác nhau, Lenovo đã hướng dẫn ghi nhận vân tay theo từng phần của ngón cho tới khi ghi nhận được đầy đủ vân tay. Nhờ có bước ghi nhận kỹ lưỡng này, tôi có thể dễ dàng dùng ngón trỏ đặt ở nhiều góc độ khác nhau để mở khóa máy. Bên cạnh khả năng bảo mật, Lenovo còn tích hợp thêm một số tính năng để tận dụng cảm biến vân tay như chạm để thoát về màn hình chính, nhấn giữ để mở menu đa nhiệm.

Hiệu năng


A7010 sở hữu một cấu hình có thể nói là “tiêu chuẩn chung” của phân khúc tầm trung với vi xử lý MediaTek MT6753T 8 nhân 1,3GHz, GPU Mali-T720 MP3, 2 phiên bản RAM 2GB/3GB, bộ nhớ trong 16/32GB và hỗ trợ thẻ MicroSD tối đa 128GB. Phiên bản được thử nghiệm tại đây có RAM chỉ 2GB, nhưng bù lại sở hữu bộ nhớ trong lên tới 32GB. Bản còn lại của A7010 có RAM cao hơn, nhưng bộ nhớ trong thấp hơn.

Dù “mang tiếng” sử dụng chip “tầm trung” nhưng trong quá trình thử nghiệm, A7010 đã thể hiện hiệu năng khá ổn định khi hoàn toàn không có hiện tượng treo, lag hay quá nhiệt. Với một số game nặng như Asphalt 8, Real Racing 3 và Nitro Dead Space, máy cũng không xảy ra tình trạng drop khung hình. Video ở độ phân giải FullHD và QuadHD trên YouTube cũng được phát một cách mượt mà, và A7010 chỉ bị “giật” khi thử chơi video 4K. Ngay cả khi chơi game, khu vực xung quanh camera cũng chỉ nóng nhẹ.

Phần mềm

Dù chỉ chạy trên nền tảng Android 5.1 thay vì 6.0 mới nhất nhưng trên A7010, Lenovo đã tùy biến lại hệ điều hành của máy để thêm nhiều tính năng tiện dụng. Đầu tiên phải kể tới đó là khả năng chống cảm ứng màn hình khi để trong túi quần, sử dụng cảm biến tiệm cận để giữ cho màn hình không thể cảm ứng được, ngăn việc truy cập không mong muốn hoặc “ấn nhầm”.

Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 20
Tính năng chống cảm ứng nhầm khi để máy trong túi quần.

Chưa dừng lại ở đó, Lenovo còn tích hợp vào máy các tiện ích nhỏ nhưng hiệu quả khác như lật úp để khóa máy, vẽ chữ C để thu nhỏ màn hình về một góc và sử dụng một tay… Giao diện của A7010 cũng được thiết kế đơn giản, dễ nắm bắt và có khả năng đổi theme, nhưng người dùng sẽ phải download các theme mới từ diễn đàn của hãng và cài đặt từ bộ nhớ máy, thay vì tải và cài đặt qua ứng dụng như nhiều nhà sản xuất khác.

Đánh giá Lenovo A7010: Ngon, bổ, rẻ! - ảnh 21
Một số tiện ích được Lenovo tích hợp sẵn trên máy.

Thời lượng pin

Có dung lượng pin lên tới 3.300mAh, pin của A7010 thậm chí còn lớn hơn nhiều mẫu điện thoại cao cấp khác. Kết hợp cùng với vi xử lý tầm trung, máy có thể đạt thời lượng pin thực sự ấn tượng. Ở điều kiện nghe gọi bình thường với 3G tắt, wifi luôn bật và kết nối, sử dụng nhiều để lướt web hay Facebook, tôi phải mất tới gần 2 ngày mới có thể “vắt kiệt” pin của A7010. Trong khi đó, nếu liên tục chơi game, máy vẫn “sống” được trong khoảng 5,5 tiếng. Cuối cùng, thử phát liên tục một bộ phim HD 720p ở định dạng MKV có phụ đề rời bằng ứng dụng MX Player, A7010 đã có thể đạt thời lượng lên tới trên 10 tiếng.

Kết luận

Được ra mắt vào cuối năm 2015, nhưng A7010 sẽ là một mẫu điện thoại tầm trung quan trọng của Lenovo trong năm nay. Điều này được thể hiện khá rõ qua hàng loạt các công nghệ và tiện ích mà hãng đã không “tiếc tay” trang bị cho máy. Có hiệu năng ổn định, thời lượng pin dài, công nghệ âm thanh cao cấp từ “đàn anh” Vibe X3, cảm biến vân tay nhạy, camera tốt và đi kèm với nhiều tiện ích, Lenovo A7010 xứng đáng được đặt lên “chiếu trên” khi cân nhắc lựa chọn một chiếc smartphone tầm trung. Ngay cả khi còn một số “hạt sạn” nhỏ, chiếc điện thoại này cũng khó có thể bị từ chối với mức giá 5 triệu cho tất cả các phiên bản.

Quang Huy

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận