Điện thoại Vsmart: Bước ra thế giới

Điện thoại Vsmart: Bước ra thế giới

Vsmart không phải là thương hiệu điện thoại di động Việt đầu tiên được bán bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trước đó, Mobistar đang tập trung phát triển thị phần tại thị trường Ấn Độ trong bối cảnh sức ép cạnh tranh ở thị trường nội địa là quá lớn. Theo các báo cáo nghiên cứu thị trường di động Việt Nam cho thấy, hơn 90% thị phần đang rơi vào các hãng sản xuất nước ngoài, đặc biệt là Samsung, Apple và các hãng công nghệ của Trung Quốc như Oppo, Huawei và Xiaomi. Vì thế tính từ 2009 tới nay, Việt Nam đã có 9 thương hiệu di động Việt gồm: Mobistar, Masstel, Viettel, Vivas Lotus, Bphone, Asanzo và Vsmart. Nhưng trước Vsmart tất cả các thương hiệu Việt đều thất thế ngay trên sân nhà.

Điện thoại Vsmart: Bước ra thế giới ảnh 1
Bước đi chiến lược của Vsmart để làm chủ công nghệ

Có rất nhiều lý do để các dòng điện thoại di động Việt thất thế ở thị trường nội địa, trong đó, yếu tố quan trọng nhất vẫn là về giá bán và tỷ lệ chiết khấu. Các sản phẩm di động thương hiệu Việt hầu hết đều lựa chọn phân khúc giá tầm trung hoặc thậm chí là phân khúc thấp để ra mắt thị trường. Tuy nhiên, lựa chọn này có vẻ đã không chính xác khi nhu cầu tiên dùng các sản phẩm di động giá trị cao của người Việt là rất lớn. Sự thành công của Apple hay Samsung (với các dòng Note, Galaxy S) là ví dụ điển hình. Vì thế, không ngạc nhiên khi các hãng điện thoại vốn được gắn mắc là "giá rẻ" của Trung Quốc cũng đều có một vài sản phẩm thuộc hàng "siêu phẩm". Trong khi đó, ở phân khúc tầm trung và thấp, cuộc chiến lại quá khốc liệt. Thị phần của phân khúc này vốn thuộc về các công ty Trung Quốc nay lại càng thêm chật chội khi Samsung đã nhảy vào. Do đó, nếu muốn cạnh tranh ở phân khúc này, di động thương hiệu Việt phải rẻ hơn, điều gần như không thể với nhiều hãng. Hơn nữa, mặc dù hệ thống thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng nhảy vọt tại Việt Nam trong thời gian qua nhưng sự thành công của các thương hiệu điện thoại vẫn chủ yếu bị chi phối bởi chuỗi hệ thống bán lẻ. Vì thế, các hãng di động thương hiệu Việt càng bị thất thế bởi tỷ lệ chiết khấu của Samsung hay các hãng điện thoại Trung Quốc là quá lớn. VSmart đã nhìn rõ điều này nên dù có lợi thế hơn hẳn các thương hiệu di động Việt khác nhờ hệ sinh thái bán lẻ toàn quốc thì cơ hội để chiếm được thị phần nội địa của Vsmart là không rõ ràng. Vì thế, không ngạc nhiên khi ngay ở thời điểm ra mắt, Vsmart được định hình sẽ trở thành thương hiệu toàn cầu, trước tiên là mở bán tại Tây Ban Nha và sau đó là khoảng 28 quốc gia khác nhau tại 5 châu lục.

Điện thoại Vsmart: Bước ra thế giới ảnh 2
Mục tiêu trở thành thương hiệu toàn cầu của VSmart

Sự kiện Vsmart ra mắt ở Tây Ban Nha là bước đi hiện thực hóa tham vọng trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế của Vingroup. Trước đó, Vsmart đã thành lập 5 nhóm kinh doanh tại 5 Châu lục. Ngoài ra, nhóm kinh doanh thứ 6 sẽ có nhiệm vụ đưa các sản phẩm của Vsmart lên hệ thống thương mại điện tử toàn cầu của Amzon hay Lazada. Ngoài việc kéo nhà máy sản xuất điện thoại về Việt Nam, điều mà ít hãng di động thương hiệu Việt làm được, Vsmart cũng đã lập thêm chuỗi phòng Lab ở các quốc gia như Mỹ, Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc để nghiên cứu và phát triển các dòng Smartphone. Điều này có nghĩa, Vsmart muốn khai phá và phát triển thị trường thế giới chứ không chỉ là câu chuyện làm hình ảnh. Hơn nữa, thay vì chọn những thị trường dễ tính như Ấn Độ, Vsmart đã chọn Châu Âu là nơi đầu tiên để bước ra thế giới. Đây có thể coi là sự khẳng định rõ ràng cho tham vọng thật của Vsmart nhưng cũng là bước đi chiến lược của hãng khi mà ở thị trường trong nước cơ hội để thành công là chưa rõ ràng.

Điện thoại Vsmart: Bước ra thế giới ảnh 3
Vsmart đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chơi toàn cầu
 

Kim Chi

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận