Định kiến kém chất lượng với smartphone Trung Quốc đang dần bị xóa nhòa

Định kiến kém chất lượng với smartphone Trung Quốc đang dần bị xóa nhòa

Hãy bắt đầu với Gao Jian, một công chức làm việc tại Thâm Quyến. Cũng như nhiều người dân thành thị khác, có một thời gian dài anh tin rằng các công ty Trung Quốc không thể nào so sánh được với đối thủ ngoại, đặc biệt là Apple hay Samsung, những nhãn hiệu đa quốc gia đã quá nổi tiếng. Nhưng vào tháng Mười Hai năm ngoái, anh đi đến một quyết định kỳ lạ, chuyển từ iPhone sang dùng Huawei, một nhãn hiệu nội địa. Giống như rất nhiều người Trung Quốc khác, anh chọn Mate 20 Pro, mẫu Android đầu bảng của Huawei được giới công nghệ đánh giá rất cao năm 2018. "Thiết kế và camera của nó tốt hơn so với những gì tôi mong đợi", Gao nói. "Ngoài ra, iPhone trở nên ngày càng đắt đỏ một cách khó chấp nhận" - anh bổ sung.

Theo báo Korea Times, câu chuyện của Gao cũng giống như nhiều người khác, cho thấy sự thành công ngày càng lan rộng của các thương hiệu smartphone Trung Quốc. Họ dần đập tan định kiến rằng các sản phẩm nội địa chỉ là hàng rẻ tiền, kém chất lượng - một thực tế đã lỗi thời trong ngành công nghiệp di động. Không chỉ Huawei, những công ty như Haier, Lenovo và rất nhiều khác nữa, đang đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển, bành trướng hoạt động kinh doanh, quảng cáo nhiều hơn và cải tiến sản phẩm để thay đổi nhận thức của thế giới về họ.

Định kiến kém chất lượng với smartphone Trung Quốc đang dần bị xóa nhòa

Huawei ngày càng được ưa chuộng ở Trung Quốc

Huawei có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc, là công ty viễn thông dẫn đầu thế giới về thị phần mạng 4G, và đang nằm trong top 3 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, sánh ngang với Apple hay Samsung. "Đàn em" của họ là Xiaomi, Oppo lần lượt đứng thứ 4 và 5 trong nhóm dẫn đầu thị trường. Những cái tên quen thuộc như Nokia, Blackberry, Sony hay HTC giờ chỉ còn là dĩ vãng, bị bỏ xa về thị phần. Kiranjeet Kaur, Giám đốc cấp cao của IDC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Không phải mọi nhà sản xuất Trung Quốc đều có thành công như vậy. Nhưng hầu hết họ đều tăng trưởng tốt ở thị trường nội địa và có cơ hội không nhỏ trên toàn cầu". Nhiều công ty khác cũng được nhắc đến như Vivo, Lenovo (sở hữu Motorola), TCL (nắm giữ cả thương hiệu Blackberry và Alcatel), ZTE, OnePlus,...

Trung Quốc là thị trường smartphone lớn nhất thế giới, nơi từng có 300 thương hiệu di động cạnh tranh lẫn nhau. Tuy nhiên sự suy thoái tăng trưởng kinh tế, người dân thắt chặt chi tiêu khiến con số này giảm xuống còn 200. Các thương hiệu có tiềm lực tài chính và nghiên cứu dần chiếm lĩnh phần lớn thị trường. Với các chiến dịch quảng bá rộng khắp, tính năng tiên tiến, họ hấp dẫn khách hàng ở nhiều lứa tuổi và ngày càng mở rộng ảnh hưởng ra khu vực lân cận như Ấn Độ, Đông Nam Á. Một chiến lược rất được ưa thích bởi các hãng smartphone lớn của Trung Quốc là xây dựng thương hiệu bài bản, đi cùng phát triển sản phẩm có các tính năng hiện đại, nhưng mức giá lại dễ chịu hơn nhiều so với Apple hay Samsung. Chính yếu tố này giúp họ dần thuyết phục khách hàng.

Một ví dụ có thể kể ra là Xiaomi, cái tên khiến người Trung Quốc tin rằng họ có thể làm ra smartphone cạnh tranh được với Samsung. Công ty ban đầu tập trung bán điện thoại giá rẻ que kênh trực tuyến, cắt giảm tối đa chi phí để dồn cho thông số cấu hình ngang với các điện thoại có giá cao hơn gấp 2-3 lần. Sau khi xây dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, họ nhanh chóng mở rộng ra các sản phẩm gia dụng hay đồ dùng gia đình, như TV, phụ kiện di động, máy tính bảng, laptop,... Đồng thời chuyển hướng sang mở rộng bán lẻ truyền thống, cũng như đẩy mạnh quảng cáo hòng cạnh tranh với Oppo, Huawei.

Định kiến kém chất lượng với smartphone Trung Quốc đang dần bị xóa nhòa

Xiaomi là một điển hình vươn lên của ngành công nghiệp smartphone Trung Quốc

Trong khi đó, Huawei hoạt động rộng khắp ở 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, mở rộng phân phối nhờ vai trò là nhà cung cấp thiết bị mạng trước đó. Năm 2016, họ ký hợp đồng với Leica để mở đường tấn công phân khúc cao cấp, tăng mức độ nhận diện thương hiệu và tách biệt mình so với các hãng Trung Quốc khác. Với các hoạt động tiếp thị mạnh tay, công ty dần khẳng định được mình và thoát khỏi cái mác giá rẻ. Một công ty "ngầm" khác là BBK, có trụ sở tại thành phố ven biển phía nam của Đông Quản thuộc tỉnh Quảng Đông, thực hiện chiến lược quản lý nhiều thương hiệu smartphone khác nhau. Họ cùng lúc sở hữu cả Oppo, Vivo, OnePlus, Realme, qua đó bao trùm lên mọi phân khúc thị trường.

Samsung là người chịu thiệt hại nặng nề nhất vì những điều này. Hồi tháng Mười Hai, họ đóng cửa một nhà máy sản xuất smartphone ở Trung Quốc vì chi phí lao động tăng, trong khi kết quả kinh doanh lại mờ nhạt. Thị phần Samsung ở Trung Quốc lẫn trên toàn cầu đều bị suy giảm trong năm vừa qua. Flagship mới nhất Galaxy Note 9 không thành công như mong đợi, còn bộ đôi S9/S9+ thì đã sớm mờ nhạt trước hàng loạt đối thủ đến từ Oppo, Vivo và Huawei nửa đầu năm.

Trong khi Samsung bị chê là kém sáng tạo so với các hãng Trung Quốc, vấn đề của Apple lại nằm ở giá bán quá cao. Wang Dan, điều hành một cửa hàng điện tử ở Thâm Quyến cho rằng iPhone không còn phổ biến như thời điểm bốn năm trước đây. Ngày càng nhiều lên đời smartphone bỏ qua iPhone mới, chuyển sang dùng sản phẩm trong nước. Điện thoại do Huawei hay Xiaomi làm ra ngày một hoàn thiện, còn iPhone dần dần bỏ xa tất cả ở yếu tố là giá bán cao, khiến nhiều người không thể mua nổi. Apple cuối cùng đã phải thừa nhận điều này sau công bố báo cáo kinh doanh quý mới nhất. Công ty Mỹ đã phải cho giảm giá các iPhone mới để cứu vãn tình trạng xuống dốc.

>> Doanh số iPhone quý 4 năm 2018 giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2017 đến nay.

Định kiến kém chất lượng với smartphone Trung Quốc đang dần bị xóa nhòa

Flagship của Samsung năm 2018 bị đánh giá thua kém Huawei về mặt sáng tạo

Zaker Li, một nhà phân tích ở IHS Markit, cho biết các hãng smartphone Trung Quốc đang tiến lên với một tốc độ rất nhanh. Thiết kế đẹp hơn, hiệu năng tốt hơn, giúp họ lôi kéo khách hàng tránh xa khỏi những sản phẩm đến từ bên ngoài. Điện thoại của Huawei hiện được đánh giá là có camera xuất sắc hơn so với Samsung hay Apple. Trong làn sóng 5G đang đến, các hãng Huawei, Oppo,... đều tuyên bố sẽ ra mắt smartphone hỗ trợ kết nối 5G ngay trong năm nay, trong khi Apple được cho là phải chờ đến nửa sau năm 2020. Samsung từng úp mở nhiều lần về việc ra mắt điện thoại gập, nhưng cuối cùng họ lại bị đánh bại bởi một startup vô danh Royole trong việc công bố đầu tiên. Còn Huawei đã tuyên bố sẽ ra mắt smartphone màn hình gập ngay ở MWC tới, cùng thời điểm với Samsung.

Xiaomi được cho là sẽ đầu tư mạnh cho phân khúc cao cấp năm nay bằng dòng Mi, sau khi tạo ra hai thương hiệu con Redmi và Pocophone để bán điện thoại giá rẻ. "Nếu chúng tôi liên tục cải thiện chất lượng và thiết kế, người tiêu dùng sẽ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua sản phẩm của chúng tôi", CEO Lei Jun nói.

Áp lực với Apple và Samsung sẽ còn tăng thêm nữa trong năm 2019, khởi đầu bằng việc cả hai đều bị giảm doanh số lẫn doanh thu. Cũng như các yếu tố tiêu cực đến từ chiến tranh thương mại, kinh tế Trung Quốc đi xuống,...

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận