Dock Continuum biến HP Elite x3 thành laptop: không đơn giản và hạn chế như bạn nghĩ

Dock Continuum biến HP Elite x3 thành laptop: không đơn giản và hạn chế như bạn nghĩ

HP Elite x3 là một chiếc điện thoại Windows 10 Mobile có thiết kế khá ấn tượng vừa ra mắt ở MWC 2016, nhưng đó chưa phải là điểm đáng chú ý nhất của nó. Elite x3 có khả năng chạy Continuum, nhưng không chỉ gắn ra màn hình ngoài như Lumia 950, 950 XL mà còn có thể gắn cáp vào một cái dock 12,5" để chạy như laptop. Dock này mang tên Mobile Extender, nó mỏng, nhẹ, thiết kế đẹp mắt, lại có thêm pin riêng trong đó và có thêm 3 cổng USB-C nữa để bạn chép dữ liệu hay đọc file chứa trong ổ USB. Máy có trọng lượng chỉ 1kg và mỏng 13.8 mm. So với việc chạy Continuum với desktop thì kiểu của Elite x3 sẽ tạo ra sự linh hoạt cao hơn, nhất là trong môi trường doanh nghiệp, nhóm khách hàng mà HP hướng tới cho sản phẩm này.

Lý do xuất hiện của Mobile Extender?

Câu hỏi đầu tiên mà bạn sẽ nghĩ đến là: Ủa giải pháp này có ý nghĩa gì? Nó giúp gì được cho người dùng? Hiện tại đi làm, đi học cũng đã xách 2 máy rồi mà, một smartphone, một laptop, đâu có gì lạ?

Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng Elite x3 nhắm đến cách người dùng trong các cơ quan, tổ chức, và ý định của HP ở đây đó là khi bạn từ nhà đi lên công ty, bạn chỉ cần xách theo cái điện thoại thôi là đủ rồi. Lên tới công ty thì dock Mobile Extender sẽ nằm sẵn trên bàn làm việc của bạn, bạn gắn điện thoại vô và bắt đầu làm việc của mình. Tức là về lý thuyết, bạn sẽ bớt được việc mang theo cả một cái máy tính bên mình khi đi làm, đúng với mục tiêu của Continuum.

Continuum của Lumia 950 và 950 XL cũng làm được chuyện tương tự, nhưng vấn đề là Microsoft chưa bao giờ ra mắt sản phẩm nào tương tự như dock của HP cả nên chúng ta chỉ có thể cắm nó vào màn hình để bàn mà thôi. Nếu ghim vào màn hình máy bàn thì xem như là đang xài desktop rồi, vậy khi bạn cần cầm máy tính của mình đi sang bộ phận khác để bàn chuyện, đem vào phòng họp hay đi ra ngoài gặp đối tác thì không thể được. Bạn có vác theo cái màn hình đi vòng vòng trong cơ quan không?

Đây chính là vấn đề mà Mobile Extender được sinh ra để giải quyết. Khi bạn kết nối Elite x3 vào Mobile Extender, bạn đã có một cái laptop trong tay. Giờ thì bạn muốn mang nó đi đâu thì tùy ý bạn. Nó có pin trong đó, có loa trong đó, có cả 3 cổng USB-C và 1 cổng microHDMI nên bạn hoàn toàn có thể dùng chiếc "laptop" này để chép dữ liệu hay xuất hình ra máy chiếu trong những trường hợp cần di động.

HP_Mobile_Extender_3.

Ngay cả khi bạn không thường đi tới đi lui thì Mobile Extender cũng có những lợi ích lớn về mặt không gian. Chiếc laptop này rõ ràng nhỏ gọn hơn so với việc bố trí một cái bàn phím, con chuột và một cái màn hình mấy chục inch trên bàn làm việc. Với bạn thì có thể đây không là vấn đề, nhưng với bộ phận nhân sự trong các cơ quan thì nó quan trọng vì việc thu gọn diện tích của mỗi người giúp họ có thể bố trí chỗ ngồi tốt hơn.

Bộ phận IT của cơ quan cũng sẽ rất "khỏe" nếu Mobile Extender có thể được tích hợp vào quy trình làm việc của công ty. Lý do là vì bây giờ họ chỉ cần phải bảo trì và quản lý những chiếc điện thoại Elite x3 mà thôi, không cần phải vừa bảo trì điện thoại vừa bảo trì laptop như trước. Chi phí để bảo trì những cái Mobile Extender thì sẽ thấp hơn so với việc phải bảo trì cả một cái máy tính có RAM, có CPU, có ổ cứng và tùm lum thứ khác trong đó.

Trong các công ty cỡ vừa và lớn, chi phí bảo trì, bảo dưỡng thiết bị thường rất lớn, nhiều khi lên đến cả trăm triệu, thậm chí là nhiều tỉ đồng mỗi tháng, đó là chưa tính đến tiền lương trả cho nhân viên bảo trì. Chính vì vậy mà ban lãnh đạo của những công ty lúc nào cũng tìm cách cắt giảm chi phí để tăng lợi nhuận, và giải pháp nào giúp họ làm được điều đó thì họ sẽ mạnh tay đầu tư.

HP cũng rất khôn ngoan khi đưa ra HP Mobile Extender và các giải pháp ảo hóa để chạy ứng dụng (sẽ nói kĩ hơn bên dưới). Bằng cách này, công ty vừa có thể thu tiền phần cứng 1 lần, vừa có thể thu thêm các khoản dịch vụ khác như cài đặt, thiết lập, triển khai, sửa chữa. HP từ trước đến nay vẫn rất nổi tiếng về mảng dịch vụ doanh nghiệp rồi, và khoản tiền này béo bở hơn rất rất nhiều so với việc bán thiết bị. Tất nhiên, công ty sẽ có chính sách giá phù hợp để các doanh nghiệp chịu đầu tư, chứ nếu chi phí cao hơn so với việc trang bị laptop riêng thì tại sao các doanh nghiệp phải bỏ tiền ra đúng không nào?

HP_Mobile_Extender_1.

Hiện không rõ nếu dùng Lumia 950, 950 XL và gắn vào HP Mobile Extender thì có được hay không hay phụ kiện này chỉ tương thích với Elite x3 mà thôi.

Xét ở góc độ người dùng cá nhân như mình và bạn, Mobile Extender cũng có những lợi ích nhất định so với việc đem smartphone + laptop như hiện nay. Giả sử như Continuum có thể đáp ứng toàn bộ các phần mềm bạn cần thì lúc này tiền mua Mobile Extender sẽ rẻ hơn tiền mua laptop đầy đủ. Nó cũng có trọng lượng nhẹ nhàng, mỏng, thiết kế đẹp nên dễ đem đi đây đó. Đáng tiếc là vẫn chưa có giá cụ thể cho Mobile Extender.

Cấu hình của Mobile Extender

Như đã nói ở trên, dock này chẳng có RAM, chẳng có bộ nhớ lưu trữ, chẳng có CPU gì luôn. Nó sẽ lấy những thứ này từ chiếc HP Elite x3. Nói cách khác, HP Elite x3 khi đó sẽ trở thành trái tim và bộ não cho cái vỏ Mobile Extender. Chi tiết hơn, nó có:
  • Màn hình: 12,5" đèn nền LED, viền rất mỏng
  • CPU: lấy từ điện thoại (Snapdragon 820)
  • GPU: lấy từ điện thoại (Adreno 530)
  • RAM: lấy từ điện thoại (4GB)
  • Pin: 4-cell 45W
  • Hệ điều hành: Windows 10 Mobile, lấy từ điện thoại
  • Bàn phím: chống tràn nước, có đèn nền, có Touchpad
  • Kết nối: 3 cổng USB Type-C, 1 cổng microHDMI, một jack tai nghe
  • Âm thanh: loa Bang & Olufsen, microphone khử nhiễu
  • Kích thước: 289 x 199 x 13.8 mm
  • Trọng lượng: 1kg

Khả năng chạy ứng dụng: không chỉ dừng ở universal app

Hạn chế lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại của Continuum chính là việc chỉ chạy được ứng dụng universal viết cho Windows 10. Thậm chí app cho Windows 8.1 hay Windows Phone 8.1 thời trước cũng không hoạt động được. Trong khi đó, số lượng app universal chưa nhiều, thiếu nhiều app quan trọng, lại bị hạn chế về khả năng chạy đa nhiệm nữa (tính đến lúc viết bài này, Continuum chỉ cho chạy 1 ứng dụng cùng lúc trên màn hình).

Đọc tới đây chắc bạn sẽ nghĩ là thôi tèo HP rồi, Continuum hạn chế tùm lum thứ như vậy thì ai mà mua, nhất là doanh nghiệp, những người cần xài các phần mềm đặc thù và không có bản cho mobile. Bạn nghĩ hoàn toàn đúng, có điều HP cũng đã tính đến chuyện đó và đã đưa ra một giải pháp rất tốt: ảo hóa.

Giải pháp ảo hóa HP Workspace sẽ tạo cho mỗi nhân viên một "không gian làm việc" riêng của họ trên máy chủ công ty hoặc máy chủ cloud, trong đó cài sẵn các ứng dụng Windows / Linux cần thiết. Khi xài HP Elite x3 + Mobile Extender, người nhân viên chỉ đơn giản là bấm vào icon của ứng dụng rồi chạy nó lên mà thôi. Lúc này phần mềm thực chất đang hoạt động trên server, Elite x3 chỉ đóng vai trò nhận hình ảnh của app và ghi nhận các thao tác click chuột hay gõ phím của bạn. Mô hình như thế này gọi là fat server - thin client. Fat server là vì server giờ sẽ đảm nhận phần xử lý nhiều hơn nên "mập" hơn, còn client (chính là Elite x3 + Mobile Extender) thì không cần làm nhiều việc nên "ốm" hơn.

Nếu không dùng HP Workspace, HP Elite x3 cũng có thể chạy các phần mềm điều khiển từ xa, ví dụ như Microsoft Remote Desktop (đã có bản cho Windows 10 Mobile), để kết nối thẳng vào desktop ảo trên máy chủ luôn cũng được. Lúc này mỗi nhân viên sẽ có một cái máy tính Windows / Linux đầy đủ, nhưng khi đó năng lực xử lý của server sẽ phải lớn hơn so với việc chỉ ảo hóa app.

HP_Mobile_Extender_2.

Ngoài ra, nhiều phần mềm quản lý dùng trong doanh nghiệp giờ cũng dần di chuyển lên nền web chứ không còn là dạng phần mềm cài đặt truyền thống nữa. Điều này có nghĩa là bạn chỉ cần thiết bị nào đó với trình duyệt là đã có thể truy cập vào hệ thống, nếu có màn hình to nữa thì tốt hơn. Bộ đôi Elite x3 + Mobile Extender thì hoàn toàn có thể làm chuyện đó. HP mới đây cũng đã hợp tác với Salesforce, một trong những công ty cung cấp giải pháp quản lý khách hàng và bán hàng lớn nổi tiếng, để tối ưu hóa các dịch vụ đám mây.

Những thứ ảo hóa nói trên sẽ không có tác dụng với người dùng cá nhân như chúng ta vì không ai lại đi duy trì cả một cái server trong nhà cả. Bạn mua luôn một cái laptop xài cho khỏe, và rẻ hơn rất nhiều so với việc sắm một con server rồi. Chưa kể còn tiền điện, tiền làm máy cho nó nữa. Nói chung, giải pháp ảo hóa này chỉ dành cho doanh nghiệp, đó là lý do vì sao HP lại nhắm đến những khách hàng này.

Tham khảo: HP
 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận