Hậu độc quyền Thế Giới Di Động: Một nhà bán lẻ lớn tuyên bố "chúng tôi không bị ảnh hưởng"

Hậu độc quyền Thế Giới Di Động: Một nhà bán lẻ lớn tuyên bố "chúng tôi không bị ảnh hưởng"

Độc quyền để tăng doanh thu và thị phần

Thời gian qua, hệ thống Thế Giới Di Động đã ký kết sản phẩm chiến lược hợp tác với các nhãn hàng, đa số đang là ngành hàng điện thoại. Một trong những sản phẩm có sức hút lớn vừa mới lên kệ tại hệ thống này là Redmi 12, hiện tại đã có tới gần 40.000 đơn đặt hàng chỉ sau hơn một tuần mở bán, dù là sản phẩm độc quyền chỉ bán tại Thế Giới Di Động cũng như Điện Máy Xanh.

Trước đó, Thế Giới Di Động cũng đã ký sản phẩm chiến lược phân phối độc quyền với nhãn hàng realme cùng sản phẩm realme C53, nhãn vivo với sản phẩm Y36 và OPPO với sản phẩm OPPO A98. Chiến lược phân phối độc quyền bắt đầu được triển khai kể từ sau khi cuộc canh tranh giá bán iPhone giữa các đại lý trở nên gay gắt.

Z6Z_9127.JPG

Lễ ký kết ra mắt sản phẩm chiến lược Redmi 12 giữa Xiaomi và Thế Giới Di Động

Đại diện hệ thống Thế Giới Di Động khẳng định việc hợp tác độc quyền với các nhãn hàng nhằm mục đích mang tới cho người dùng những sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng, bên cạnh đó cũng là để tăng doanh thu và thị phần. "Việc hợp tác chiến lược sẽ giúp Thế Giới Di Động có thể gia tăng doanh thu và thị phần trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay."

Được biết, cú bắt tay giữa Xiaomi và Thế Giới Di Động đã giáng một đòn mạnh vào các hệ thống đối thủ, đặc biệt là các chuỗi nhỏ lẻ.

Áp lực lớn tới các chuỗi đối thủ

Về phía các chuỗi bán lẻ đối thủ của Thế Giới Di Động, có thể thấy việc một hệ thống lớn kí kết độc quyền sản phẩm với các nhãn hàng là một cách "giành giật" thị phần cũng như thị trường. Thế Giới Di Động là hệ thống bán lẻ có thị phần lớn nhất tại Việt Nam, tuy nhiên trong thời gian qua, khi hệ thống này lên tiếng về việc các chuỗi đối thủ liên tục triển khai các "chiêu trò phá giá" nhằm chiếm thị phần, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đã có lời cảnh báo về "tiếng rên xiết kéo dài" đối với các đối thủ. Và có lẽ "tiếng rên xiết" ấy mới chỉ bắt đầu.

avatar1680955621412-168095562190.jpg

Chủ tịch Nguyễn Đức Tài lên tiếng cảnh báo về "tiếng rên xiết kéo dài" tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023

Dù không có số liệu thống kê cụ thể, nhưng đại diện một chuỗi bán lẻ lớn tại Việt Nam cho biết phần lớn các nhãn hàng kí kết độc quyền sản phẩm là các nhãn cần tới thị phần mà Thế Giới Di Động đang chiếm hơn 60% tại Việt Nam. Không chỉ riêng các nhãn điện thoại mà còn cả các nhãn laptop và một số nhãn điện máy.

"Liên tục ký kết xác nhận các mẫu máy độc quyền này là một phần trong cuộc chiến giá và giành giật thị trường của nhà bán lẻ lớn nhất thị trường trong năm 2023", đại diện chuỗi bán lẻ kể trên khẳng định. Bên cạnh đó, vị này cũng cho biết vị thế quá lớn của Thế Giới Di Động đang gây áp lực rất lớn và tạo ra một cuộc chạy đua về các sản phẩm độc quyền. Đây cũng chính là "nguyên nhân khiến các nhãn phải 'cấp vốn' cho cuộc chiến này nếu không muốn thị phần".

"Có thời điểm Thế Giới Di Động độc quyền tới hơn 30% số các sản phẩm được bán trên thị trường của hầu hết các nhãn hàng", vị đại diện trên tiết lộ con số đáng chú ý trong chiến lược độc quyền của Thế Giới Di Động.

Hậu độc quyền Thế Giới Di Động: Một nhà bán lẻ lớn tuyên bố "chúng tôi không bị ảnh hưởng" - Ảnh 3.

OPPO A98, sản phẩm độc quyền mới nhất của OPPO tại Thế Giới Di Động

Mặc dù có các quy định cụ thể về việc độc quyền được đưa ra bởi Luật Cạnh tranh, tuy nhiên Thế Giới Di Động luôn biết cách né tránh. Bằng cách sử dụng cụm từ "Sản phẩm chiến lược", hay "Đặc biệt tại Thế Giới Di Động", có thể thấy hệ thống này đang "lách luật" mặc dù về bản chất đây chính là một hình thức độc quyền sản phẩm, điều bị cấm tuyệt đối khi lạm dụng vị thế lớn nhằm hạn chế cạnh tranh.

Nhãn hàng "bất lực"

Trong chiến lược độc quyền của Thế Giới Di Động, không chỉ riêng hệ thống này được lợi về mặt thị phần hay doanh số, bản thân các nhãn hàng cũng được lợi từ chiến lược này. Đây có thể được coi là mối quan hệ "win-win" khi cả đôi bên cùng có lợi: Thế Giới Di Động được độc quyền phân phối sản phẩm, tự quyết định giá, trong khi đó nhãn hàng được hưởng lợi lớn từ thị phần khổng lồ của hệ thống này.

Từ mối quan hệ đôi bên có lợi, các nhãn hàng khó có thể từ chối chiến lược độc quyền của Thế Giới Di Động, hệ thống này hoàn toàn có khả năng ngừng phân phối sản phẩm của bất cứ nhãn nào nếu cảm thấy không có tiếng nói chung.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào chiến lược độc quyền của Thế Giới Di Động khiến các nhãn cũng tốn nhiều nguồn lực, từ đó rất khó cho các nhãn để có thể hỗ trợ cho các chuỗi bán lẻ khác trong tương lai. Trong thời điểm ngắn hạn, các nhãn hàng có thể lấy lại thị phần khi thị trường đi xuống, nhưng sẽ phải trả giá về lâu về dài khi sản phẩm khó có thể được bày bán rộng rãi.

image001.jpg

Tiền thưởng cho nhân viên tư vấn bán hàng là một trong những chi phí mà chính các nhãn hàng phải trả cho Thế Giới Di Động

Đại diện một chuỗi bán lẻ lớn mô tả việc này giống như "các nhãn hàng đang tự bắn vào chân mình mà không hề có bất kỳ sự lựa chọn nào khác". Vị này cho biết các nhãn luôn phải ưu tiên việc giữ thị phần do nhiều lý do khách quan, từ đó dẫn tới quyết định đầu tư vào một hệ thống có độ phủ lớn nhằm tạo được giá trị nhanh chóng trong một thời gian ngắn hạn.

Vấn đề này về lâu dài cũng sẽ gây khó khăn cho các nhãn hàng khác khi muốn mở rộng thị phần tại Việt Nam. Một trong những nhãn smartphone mới chuẩn bị quay trở lại thị trường Việt Nam là Honor có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong "cuộc chiến cạnh tranh" này.

"Chúng tôi không bị ảnh hưởng"

Đáp lại chiến lược độc quyền của Thế Giới Di Động, FPT Shop, chuỗi bán lẻ lớn thứ 2 tại Việt Nam khẳng định "Chúng tôi không bị ảnh hưởng".

Đại diện FPT Shop cho biết hệ thống đã và đang đưa ra những kế hoạch cụ thể trong tương lai gần. Cụ thể, từ ngày 10/6/2023, FPT Shop tiến hành ký kết hợp tác chiến lược với các thương hiệu máy tính hàng đầu và các hãng sản xuất chip máy tính. Đây là sự kiện khởi động cho kế hoạch lên kệ số lượng lớn laptop với ưu đãi 'khủng' dành riêng cho học sinh, sinh viên, giáo viên trong mùa tựu trường năm nay.

Để làm được điều này, FPT Shop tự tin khi tuyên bố số lượng mã sản phẩm laptop được phân phối độc quyền tại hệ thống lên tới 60%. Tuy nhiên, trái với Thế Giới Di Động, FPT Shop không "gây sức ép" với các nhãn hàng, thay vào đó, hệ thống này sử dụng chiến lược kinh doanh "Nắm bắt xu hướng" cũng như nhờ vị thế số 1 về thị phần ở một số mảng đặc thù, ví dụ như Laptop Gaming.

FPT-Shop-MSI- (10).jpg

FPT Shop chuyển hướng tập trung vào ngành hàng laptop trong mùa tựu trường sắp tới bằng cách hợp tác với các nhãn hàng hàng đầu

Giá bán cũng được FPT Shop cạnh tranh ở phân khúc giá rẻ và tầm trung khi hệ thống đưa về các model giá chỉ từ 10,99 triệu đồng, hay tiên phong các sản phẩm có RAM 16GB nhưng mức giá chênh lệch với model RAM 8GB chỉ từ vài trăm ngàn đồng.

Về mảng di động, FPT Shop cho biết hệ thống có cách tiếp cận khác ở chiến lược độc quyền. Thay vì độc quyền trọn vòng đời và toàn bộ dải sản phẩm, FPT Shop lựa chọn phân phối độc quyền một trong nhiều model, hoặc độc quyền lô cuối của dòng sản phẩm ở cuối chu kỳ. Cách làm này sẽ giúp người tiêu dùng được hưởng lợi về giá bán và ưu đãi.

Về bản chất, chiến lược của FPT Shop cơ bản vẫn là cạnh tranh về giá và quyền lợi người tiêu dùng, thay vì độc quyền sản phẩm và hạn chế cạnh tranh giống như cách mà Thế Giới Di Động đang áp dụng.

Trong thời gian tới, Thế Giới Di Động sẽ vẫn còn tiếp tục độc quyền nhiều sản phẩm khác, bao gồm một dòng sản phẩm bán rất chạy của OPPO tại Việt Nam. "Tiếng rên xiết" sẽ vẫn còn kéo dài, ít nhất là đối với nhóm ngành di động, đúng như Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đã tuyên bố trước đó.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận