iPhone 7 cho thấy sự sáng tạo của smartphone đã bắt đầu bão hòa

iPhone 7 cho thấy sự sáng tạo của smartphone đã bắt đầu bão hòa

iPhone 7 có thể xem là một ví dụ tuyệt vời của việc cải tiến dần dần để đạt sự hoàn hảo, một nghệ thuật không lạ trong ngành smartphone hiện nay. iPhone 7 không phải là một cú nhảy vọt so với iPhone 6 hay 6s trước đó, cũng không phải là một đợt cải tiến mạnh mỗi 2 năm theo truyền thống của Apple. Qua đây chúng ta cũng thấy một sự thật: sức sáng tạo của lĩnh vực smartphone đang chậm lại.

Sự sáng tạo đã đi đâu mất?

Tua ngược thời gian trở về thời điểm 10 năm trước, khi mà Nokia, BlackBerry còn là những kẻ thống trị trong ngành điện thoại và Apple vẫn chưa hề ra mắt chiếc iPhone nào. Mỗi một mẫu điện thoại ra đời là một kiểu dáng khác, một tính năng khác. Cái thì chụp hình 5 chấm có flash xenon (chưa kể có zoom quang), cái thì chuyên nghe nhạc (Sony Ericsson, anh em nào còn nhớ?), cái thì chuyên chơi game (hẳn là Nokia N-Gage rồi), cái thì trượt hai đầu (Nokia N96).

Đó là thời điểm mà người ta có rất nhiều lựa chọn vô cùng phong phú khi cần mua một cái điện thoại. Và gần như, mỗi cái điện thoại có mặt trên thị trường đều mang một giá trị rất riêng, nhắm tới những nhóm khách hàng rất cụ thể với những tính năng được điều chỉnh để phù hợp với đúng đối tượng người dùng đó. Tất nhiên cũng có những sản phẩm thất bại, nhưng ít nhất chúng vẫn cho thấy được khả năng đổi mới của các hãng điện thoại theo từng năm.

Còn trong những năm gần đây, tuy smartphone đã mạnh hơn, đẹp hơn, xịn hơn, chụp hình đẹp hơn, làm được nhiều thứ hơn, nhưng tụ chung lại thì chúng cũng không khác nhau mấy ở phần cốt lõi. Lấy chính iPhone làm ví dụ: iPhone 7 về cơ bản không khác mấy so với iPhone 6, từ ngoại hình cho đến bên trong. Mọi thứ chỉ là những cải thiện được thêm vào mà thôi. Nó không phải là một sự thay đổi hay một cái mới lớn như khi Apple từ iPhone 4" lên thành 4,7" và 5,5", cũng không phải là sự biến hình như từ thời iPhone 3GS lên thành iPhone 4 với hai mặt kính và thiết kế mới hoàn toàn.

Apple_iPhone_7_sang_tao_4.jpg

Tương tự cho Samsung, HTC, LG hay Sony. Tất cả những model điện thoại ra mắt trong năm nay đều không phải là một sự đột phá so với những năm trước. LG có thể xem là sáng tạo nhất khi ra mắt chiếc G5 với thiết kế module có thể thay thế được, nhưng dù sao thì ý tưởng về những module "LG Friends" vẫn chưa chứng tỏ được sức hút thực sự. Dự án Google Ara - được cho là sẽ thay đổi cách người ta sản xuất và mua điện thoại - cũng đã bị dẹp bỏ trong sự tiếc nuối của nhiều người (có mình trong đó).

Lý do?

Có nhiều lý do cho việc này. Thứ nhất, điện thoại càng lúc càng nhỏ hơn, mỏng hơn, gọn gàng hơn. Điều đó khiến việc thay đổi một cách cơ bản khi hãng nào đó muốn ra mắt smartphone mới trở nên khó khăn hơn. Người tiêu dùng vẫn thích những thiết bị sexy, vậy nên "đất" để các hãng điện thoại thoải mái vùng vẫy ngày càng hẹp. Đó là những giới hạn vật lý.

Cũng giống như định luật Moore. Moore quan sát và nghiên cứu để nhận thấy rằng "số lượng bóng bán dẫn (transitor) trên một con chip sẽ tăng khoảng gấp đôi sau mỗi 24 tháng", cũng có nghĩa là mỗi bóng bán dẫn sẽ ngày càng thu nhỏ lại. Năm 2015, Intel thừa nhận họ đang gặp khó khăn với việc làm ra các bóng bán dẫn nhỏ hơn và đã nhiều lần hoãn bán ra chip vì lý do đó. Thậm chí, Intel còn kéo dài vòng đời của một quy trình bán dẫn để hãng có thêm thời gian nghiên cứu và phát triển. Càng nhỏ thì càng khó làm, đó là sự thật, và smartphone cũng thế.

Thứ hai, việc các công nghệ xung quanh smartphone không phát triển đủ nhanh cũng có thể xem là nguyên nhân. Pin hiện tại chưa tiến hóa nhanh bằng chip và khả năng xử lý của một cái smartphone nên chúng ta vẫn còn phải chịu tình trạng pin vài ngày chứ chưa thể nào lên vài tuần. Camera hiện tại cũng chưa có cái nào gọi là đột phá như thời camera chưa auto focus mà nhảy lên có AF lẫn zoom quang và đèn flash. Màn hình cũng đang dừng ở 2K hoặc 4K, nhưng về bản chất thì cũng không có gì thật sự mới mẻ.

Apple_iPhone_7_sang_tao_3.jpg

Intel, Apple và nhiều công ty khác hoạt động trong ngành công nghệ đang áp dụng theo cách: thay vì những đột phá lớn, họ áp dụng chiến lược cải thiện dần dần, mỗi năm một chút một chút. Điều này cũng đồng nghĩa với chuyện chút ta sẽ ít thấy các smartphone mang tính đột phá hơn. Những thứ như cảm biến, tiết kiệm điện hay hiệu năng mới là những chi tiết được nâng cấp qua từng năm.

Trang The Next Web cũng đưa ra một nhận định khá hay về việc Apple bỏ cổng tai nghe 3,5mm ra khỏi iPhone 7. Trong khi chúng ta đang bận bàn về chuyện việc bỏ cổng này ngu xuẩn tới mức nào thì Apple đã âm thầm né được những chỉ trích về việc iPhone 7 không phải là một đợt nâng cấp lớn nhưng những gì Apple từng là với iPhone 3, 4, 5, 6. Có thể nói, đây là lần đầu tiên chuyện này diễn ra kể từ khi Steve Jobs giới thiệu iPhone, và Apple đã làm quá tốt việc tung "chim mồi" để tránh né những hoài nghi từ người dùng.

Có lẽ, phải đến năm 2017 hay thậm chí là 2018 thì một chiếc iPhone mới hoàn toàn mới xuất hiện. Đơn giản vì Apple cần thêm thời gian để làm ra một sản phẩm mang tính sáng tạo cao chứ không thể hoàn thành kịp trong vòng 2 năm.

Apple không đơn độc, mà tất cả mọi hãng làm smartphone ngày nay đều gặp vấn đề tương tự như Apple. Ngày nay tất cả những chiếc điện thoại xuất hiện đều na ná như nhau, với những tính năng tương tự như nhau, độ mỏng cũng giống giống nhau, chỉ khác ở chỗ anh nào làm tốt hơn và có trải nghiệm tốt hơn.

iPhone_7_camera_kep.jpg

iPhone 7 và sự bão hòa của sáng tạo

Cá nhân mình vẫn thích iPhone 7, và thực chất cũng đang cân nhắc nâng cấp lên iPhone 7 Plus để thay thế cho chiếc iPhone 6 Plus đang nằm trong túi. Lý do là vì nó khác nhưng vẫn giống (!!) với cái điện thoại mình đang xài. Những cải tiến về camera kép, khẩu lớn, zoom quang, nút home cảm ứng, hay "cải tiến" bỏ cổng jack 3,5mm vẫn là những điều thú vị, không ai phủ nhận điều đó, nhưng vẫn không thể gọi iPhone 7 là một chiếc smartphone độc đáo được.

Thực ra Apple cũng biết chuyện này đấy chứ. Năm nay là lần đầu tiên Apple không công bố số lượng iPhone được đặt hàng trước, trong khi mới năm ngoái thì con số này vẫn là một niềm tự hào với Apple với mức hàng chục triệu thiết bị được đặt trước khi bán ra. Apple nói rằng việc bán hàng năm nay sẽ do lượng cung giám sát chứ không phải là nhu cầu của người dùng nữa, và Apple tin rằng con số đặt hàng trước không còn là một chi tiết quan trọng để đánh giá hiệu quả kinh doanh. Nói cách khác, Apple biết rằng iPhone 7 chỉ là một bước tiến nhỏ so với iPhone 6, và hãng sẵn sàng chấp nhận điều đó.

Apple_iPhone_7_sang_tao_2.jpg

Khi sự sáng tạo đạt tới một mức bão hòa, người ta sẽ ngừng không mua smartphone mới một cách thường xuyên nữa. Không còn mỗi năm đổi máy một lần, thậm chí không còn việc đổi smartphone mỗi 2 năm. Chu kỳ này càng kéo dài thì điều đó càng kinh khủng với các nhà sản xuất vì họ còn bán được hàng mới một cách thường xuyên và nhanh chóng. Đó sẽ là thời điểm khủng hoảng, và thường thì khủng hoảng sẽ sinh ra những sản phẩm thật sự sáng tạo có khả năng thay đổi thế giới.

Hướng đi kế tiếp của các hãng smartphone đó là tập trung đánh mạnh vào phần mềm, cải tiến dịch vụ và nâng cao trải nghiệm của người dùng với chiếc điện thoại của họ. Đó là một cách hay (và tốt) để đi theo và để kéo dài thêm thời gian trong lúc các hãng ngồi nghiên cứu để làm sao cho đợt ra mắt smartphone kế tiếp của họ có thể đột phá hơn.

Tham khảo: The Next Web
 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận