Những nhầm lẫn kinh điển về camera trên smartphone mà chúng ta hay mắc phải

Những nhầm lẫn kinh điển về camera trên smartphone mà chúng ta hay mắc phải

Nhiều camera hơn thì chụp auto đẹp hơn

Về lý thuyết thì đúng nhưng chưa đủ. Lý do là dù có nhiều camera tới đâu thì điện thoại sẽ sử dụng 1 cảm biến chính, còn các camera khác là cảm biến phụ. Hay nói các khác là để thực hiện các tác vụ khác mang tính đặc thù. Hiện tại, xu thế điện thoại sử dụng 4 camera đang rất phổ biến. Trong hệ thống này sẽ bao gồm: thường là 1 cảm biến chính , 1 cảm biến góc siêu rộng,1 cảm biến chụp cận cảnh (marco) và 1 cảm biến đo chiều sâu.

Những nhầm lẫn kinh điển về camera trên smartphone mà chúng ta hay mắc phải ảnh 1
Dưới 5 triệu đồng bạn sẽ có hàng loạt lựa chọn smartphone 4 camera

Như vậy, khi anh em cần chụp cận cảnh hay chụp siêu rộng, smartphone sẽ kích hoạt các camera marco hoặc camera siêu rộng. Còn nếu không có các camera này thì chúng ta sẽ phải sử dụng camera chính để thực thi. Tất nhiên khi đó, anh em sẽ cần nhiều thời gian để căn chỉnh hơn thay vì bấm phát ăn liền như khi sử dụng các camera chuyên dụng.

Độ phân giải lớn hơn thì auto chụp đẹp hơn

Độ phân giải lớn nhất của camera trên điện thoại là 108 MP, trên Mi Note 10 Pro hay S20 Ultra, còn 64 MP hay 48 MP thì rất phổ biến ở phân khúc tầm trung hay giá rẻ. Theo lý thuyết, camera độ phân giải lớn hơn cũng sẽ giúp chụp ảnh đẹp hơn. Vì nếu không đẹp hơn thì đã chẳng có cuộc đua bất tận về camera trên smartphone suốt một thập kỷ qua. Tuy nhiên, không phải lúc nào độ phân giải lớn hơn cũng chụp đẹp hơn. Điều này đã được chứng minh khi iPhone, Samsung S10, Google Pixel 3 chỉ sử dụng độ phân giải 12 MP hoặc 16 MP cũng đánh bại độ phân giải 48 MP của nhiều hãng khác.

Những nhầm lẫn kinh điển về camera trên smartphone mà chúng ta hay mắc phải ảnh 2
Camera của iPhone 11 là 12 MP nhưng có thể cho ra những bức ảnh "chất" hơn các smartphone có độ phân giải cao hơn

Quay trở lại với những chiếc điện thoại 108 MP sẽ thấy nếu so về độ phân giải thì các smartphone sẽ chẳng kém bất kể một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp nào. Nhưng thực ra kích thước cảm biến 108 MP trên điện thoại chỉ là “chú bé tí hon” nếu so với cảm biến của các máy ảnh chuyên nghiệp. Và kích thước cảm biến mới là một trong những thông số quyết định chất lượng ảnh chụp. Vì thế, không ngạc nhiên khi những chiếc máy ảnh chuyên nghiệp có giá siêu đắt. Với những dòng có cảm biến trên 100 MP, giá thường là vài trăm triệu, gấp từ 10-20 lần các smartphone có cảm biến tương tự.

Những nhầm lẫn kinh điển về camera trên smartphone mà chúng ta hay mắc phải ảnh 3
Cảm biến 108 MP của smartphone chỉ là chú bé tí hon so với máy ảnh chuyên nghiệp

Chỉ cần AI là đủ “cân” tất cả

Hệ thống smartphone hiện tại đều đang sử dụng AI để hỗ trợ công nghệ camera. Vì thế, smartphone của bạn chụp ảnh ngon hay không phụ thuộc nhiều vào AI hơn là số lượng camera. Trong khi đó, sự thông minh của AI lại phụ thuộc vào con chip được trang bị hoặc sứ mệnh mà nhà sản xuất gửi gắm vào. iPhone là một ví dụ rõ nhất. Các thế hệ iPhone thường trang bị ít camera hơn hẳn đối thủ nhưng chất lượng ảnh thì không thua kém, đôi khi còn nhỉnh hơn. Chẳng thế mà Apple rất tự tin tung ra SE 2020 với chỉ duy nhất 1 camera, trong khi những chiếc điện thoại hơn 1 triệu còn có camera kép từ lâu rồi. AI cũng giúp thu hẹp khoảng cách về số chấm trên smartphone. Huawei P40 và P40 Pro là một ví dụ như vậy khi chỉ có camera chính là 50 MP nhưng hiện đang là chiếc smartphone chụp ảnh đẹp nhất thế giới.

Những nhầm lẫn kinh điển về camera trên smartphone mà chúng ta hay mắc phải ảnh 4
P40 Pro không cần độ phân giải cao nhất nhưng vẫn tự tin là một trong những smartphone chụp ảnh đẹp nhất

Mặt khác, AI cũng giúp nâng tầm giá trị camera trên smartphone. Những điểm khác biệt lớn nhất mà chiếc S20 Ultra tạo ra so với các đối thủ với loạt tính năng như Single Take, Zoom 100X, ghép 9 điểm pixel lại thành 1 điểm pixel lớn mang lại những bức ảnh chất lượng cao trong điều kiện ánh sáng yếu đều liên quan tới AI.

Những nhầm lẫn kinh điển về camera trên smartphone mà chúng ta hay mắc phải ảnh 5
Single Take của S20 Ultra có thể "chụp 1 ăn 10" nhờ vào AI

Dù vậy, AI là hệ thống phần mềm. Điều đó có nghĩa nếu phần cứng không đủ tốt thì AI cũng không thể cho ra những bức ảnh hoàn hảo bởi sự thông minh đi kèm không được phát huy tối đa. Do đó, nhiếp ảnh điện toán dù “xịn sò” tới đâu thì vẫn phải dựa vào một phần cứng vững chắc, nếu không thì chẳng AI nào có thể giúp được. Đừng để các tính năng của AI che mờ đi phần cứng với các thông số thực sự của camera trên smartphone.

Những nhầm lẫn kinh điển về camera trên smartphone mà chúng ta hay mắc phải ảnh 6
Zoom 100X của S20 Ultra chỉ  ngon nhờ dựa trên một phần cứng siêu mạnh

Ngoài những nhầm lẫn này, anh em nghĩ còn có nhầm lẫn nào nữa hay không?

Kim Chi

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận