Project Ara sẽ cho cài passcode để bảo mật module, có Samsung, Pana, Toshiba, Harman làm đối tác

Project Ara sẽ cho cài passcode để bảo mật module, có Samsung, Pana, Toshiba, Harman làm đối tác

Chúng ta đã biết Ara sẽ có CPU gắn chết vào khung máy, pin có thể thay được mà không cần tắt máy, nhưng đó chưa phải là tất cả. Mới đây, các kĩ sư Google tiết lộ thêm thông tin thú vị khác nữa liên quan đến dự án điện thoại này: module của Ara có thể điều khiển từ phần mềm nhờ vào một hợp kim đặc biệt có khả năng biến đổi hình dạng. Hãng cũng cho biết các đối tác làm module sẽ có nhiều tên tuổi lớn như Panasonic, TDK, Toshiba, Samsung. Google sẽ kiểm soát việc này rất chặt chẽ nhưng vẫn đủ thoáng để các đối tác có thể thoải mái sáng tạo. Những module "lậu" không thông qua Google sẽ không thể này chạy được với Ara, đây là một cách để đảm bảo chất lượng cũng như doanh thu mà Google sẽ nhận được.

Các module sử dụng hợp kim đặc biệt có thể điều khiển từ phần mềm

Theo thiết kế lúc trước, Ara sẽ giữ các module lại bằng nam châm và dùng kết nối cảm ứng điện để module có thể nói chuyện được với nhau. Tuy nhiên, trong bản Ara ngày hôm nay, cơ chế đó đã được thay bằng những chân tiếp xúc điện và một cái lẫy cơ học.

Cái lẫy này hay ở chỗ nó được làm từ một loại hợp kim tên là "nitinol memory alloy". Hợp kim này có thể biến đổi hình dạng tùy theo dòng điện mà bạn áp vào. Theo lời giải thích của Google: "Khi bạn cho điện đi qua nó, ngàm gắn sẽ co lại, lúc đó bạn không chỉ làm được những thứ cơ học với nó mà bạn còn có thể kiểm soát nó bằng phần mềm nữa".

Project_Ara_tinhte_8.jpg

Đây cũng là lý do vì sao bạn có thể xài một app trên điện thoại để tháo các module ra, không cần phải chạm tay gạt lẫy hay nạy nắp gì cả. Trong một màn trình diễn, Google thậm chí còn sử dụng giọng nói để tháo các module ra khỏi bộ khung nữa kia: "OK Google, đẩy cụm camera ra ngoài đi". Đơn giản vậy thôi! Cơ chế gắn này sẽ giúp hạn chế việc làm hỏng các module, cũng như ít chiếm chỗ hơn.


Bạn có thể cài passcode cho các module để người khác không gỡ chúng ra khỏi khung được

Ngạc nhiên chưa. Anh em nào lo bị trộm module thì có thể nhẹ nhõm chút rồi nhé. Google nói phần mềm của họ sẽ cho phép cài đặt passcode để ngăn không cho người khác tháo module ra khỏi điện thoại mà không có sự cho phép của bạn. Đây chỉ là một tính năng nhỏ, tuy nhiên nghĩ về nó thì chúng ta có thể thấy nó cũng rất thú vị bởi vì chưa từng có chiếc điện thoại di động nào dùng cơ chế để ngăn không cho người ta gỡ các linh kiện cả, trừ những cái smartphone bảo mật cao. Hãy nghĩ lại xem, bạn có thể nhanh chóng chộp lấy một cái smartphone nào đó và rút thẻ nhớ, gỡ nắp lưng hay tháo pin của nó ra đúng không nào? (không chấp các máy không cho gỡ pin nhé :D)

Project_Ara_tinhte_4.jpeg

Theo khảo sát của Google, hầu hết người dùng không quan tâm vi xử lý của điện thoại họ xài là gì

Ban đầu, Ara định module hóa tất cả mọi thứ liên quan đến điện thoại. Tuy nhiên, sau "nhiều nghiên cứu", Google nhận thấy rằng người dùng "không quan tâm" đến con chip trong smartphone, thậm chí một số người còn không biết vi xử lý đó có nhiệm vụ gì và thuộc model nào. Đây là một trong những lý do dẫn đến việc SoC của chiếc điện thoại Ara sẽ được tích hợp chết vào trong bộ khung cùng với RAM, màn hình, ăng-ten và loa. Phiên bản Ara dành cho lập trình viên cũng như người dùng cuối cũng sẽ có thiết kế tích hợp như thế này.

Nhóm kĩ sư Ara cho biết thêm rằng việc tích hợp SoC, RAM vào khung máy sẽ tạo ra nhiều không gian trống cho các module khác. Khung của thiết bị sẽ có 6 ô để gắn module, nếu bạn xài module cỡ lớn thì giảm xuống còn 4 ô. "Nếu bạn module hóa tất cả mọi thứ thì sẽ còn rất ít chỗ để gắn những thứ thật sự khác biệt và sáng tạo".

Project_Ara_tinhte_1.jpeg

Lúc này, ý tưởng của Ara khá giống với LG G5, tức là nhà sản xuất sẽ làm ra một chiếc điện thoại tốt, sau đó người dùng có thể gắn thêm hoặc đổi các bộ phận khác để tăng cường trải nghiệm của mình. Những thứ quan trọng nhất với smartphone vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát của hãng. Việc này vẫn rất tiềm năng, tuy nó hơi khác so với tầm nhìn ban đầu nhưng vẫn mở ra nhiều cơ hội để các bên thứ ba cùng nhảy vào phát triển các module cho Ara. Chắc chắn rằng chúng ta những bên thứ ba này phát huy sức sáng tạo của mình một cách mạnh mẽ.

Google sẽ kiểm soát việc làm module

Mặc dù nói là mở ra cho các bên thứ ba cùng tham gia sản xuất module cho Ara nhưng Google sẽ đóng vai trò kiểm soát chất lượng rất chặt chẽ. Mỗi module làm ra sẽ phải được Google "duyệt". Nếu không, nó sẽ không cách nào hoạt động được với Ara cả. "Sẽ không có cơ hội nào cho sự mờ ám. Tất cả đều đã được lập trình trong đó", Google nói với trang The Verge.

Thực chất thì Google cũng sẽ đứng ra giúp các hãng bán module dành cho Ara, tương tự như cách mà hãng đang bán app trên Google Play vậy. Hẳn là Google sẽ giữ lại một phần doanh thu từ việc mua bán đó, phần còn lại sẽ chuyển về cho nhà sản xuất. Giải pháp "duyệt" như trên sẽ giúp đảm bảo không có một module "lậu" nào có thể xuất hiện, vì đơn giản là module "lậu" sẽ chẳng thể nào dùng được với Ara cả. Google chưa nói họ giữ lại bao nhiêu % doanh thu, hãng chỉ nói rằng con số sẽ rất cạnh tranh vì nếu Google lấy phần mình cao quá thì sẽ không đủ sức hấp dẫn để các bên cùng nhảy vào chơi chung.

Danh sách các đối tác đầu tiên có ai?

Những cái tên đó đều là những đơn vị nổi tiếng: Panasonic, TDK, Wistron, E-Ink, Toshiba, Harman, Samsung, Sony Pictures, ngoài ra còn có thêm vài công ty chuyên về sức khỏe nữa. Thành thật mà nói, danh sách này rất đáng nể và nó cũng là một thứ giúp củng cố thêm cho con đường phát triển của Ara không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong cả dài hạn nữa. Đây không phải là các công ty phụ kiện nhỏ lẻ, họ là những tập đoàn công nghệ lớn, có kinh nghiệm, có tham vọng, và có đủ tiềm lực tài chính để đi theo Ara trong thời gian dài.

Project_Ara_tinhte_2.jpeg

Đề cập cụ thể hơn về các module, chúng sẽ bao gồm: loa chất lượng cao, pin mở rộng, màn hình E-Ink mở rộng, bộ đo đường huyết... Bản thân Google cũng sẽ tự làm một vài module nữa nhưng chủ yếu chỉ mang tính trang trí là nhiều. Google đang thử nghiệm các chất liệu khác nhau để dùng làm vỏ ngoài module, từ nhựa, gỗ cho đến cả xi măng.

Google hé lộ thêm rằng có một số thương hiệu về thời trang và sắc đẹp bày tỏ sự hứng thú với việc làm module cho Ara, lúc đó Google sẽ chịu trách nhiệm về phần kĩ thuật còn họ tham gia thiết kế và đưa chất riêng của mình vào. Khi đó, Ara không chỉ cho phép bạn tháo lắp module để nâng cấp tính năng mà còn để làm cho chiếc điện thoại của mình trở nên đẹp hơn, cá tính hơn. Tất nhiên, Google sẽ có một vài quy định nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ cho các module, ví dụ như các đối tác khác có thể gắn logo lên module nhưng chỉ với kích thước nhỏ và đẹp mà thôi.

Dù gì đi nữa, Google vẫn khẳng định họ muốn tạo ra một môi trường mở nhất có thể, chỉ khi đó Ara mới có thể cất cánh.

Project_Ara_tinhte_5.jpeg

Không chỉ là điện thoại

Hiện tại Ara đúng nghĩa là một cái smartphone, nhưng ai mà biết được trong tương lai liệu ý tưởng lắp ráp này có áp dụng cho những thiết bị khác hay không. Ví dụ, bạn làm ra một cụm camera thật ngon, khi đó bạn có thể gắn nó cho cả điện thoại, máy tính bảng, thậm chí gắn vào cả chuông cửa hay một vật gì đó trong phòng khác chẳng hạn. Tiềm năng của Ara vượt xa khỏi biên giới của những thiết bị cầm tay và vẫn còn cả một chân trời mới để khai thác.
 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận