Sạc nhanh trên smartphone liệu có sớm biến sạc dự phòng thành cục gạch?

Sạc nhanh trên smartphone liệu có sớm biến sạc dự phòng thành cục gạch?

Sạc dự phòng từng là một phụ kiện bất ly thân của nhiều người. Thậm chí chúng ta mang sạc dự phòng đi như một thói quen dù Pin vẫn đầy 100% và thời gian rời nơi có sạc không quá lâu. Tình cảnh Pin điện thoại không đủ xài trong 1 ngày từng ám ảnh nhiều người. Đồng thời, rất nhiều người trong chúng ta có lẽ cũng đều đã từng sử dụng các phần mềm để tối ưu Pin như Battery Doctor, Battery Defender, DU Battery Saver…cũng chỉ với mục tiêu duy nhất: kéo dài năng lượng cho smartphone.

Sạc nhanh trên smartphone liệu có sớm biến sạc dự phòng thành cục gạch? ảnh 1
Những phần mềm tiết kiệm pin hot nhất mà nhiều người đã từng dùng

Nhưng rồi, sạc dự phòng dần trở thành “cục gạch” với nhiều người trong khi các phần mềm tối ưu năng lượng của bên thứ 3 cũng không còn được ưa chuộng như trước khi các hãng công nghệ đẩy cuộc đua về Pin và sạc nhanh của smartphone lên với tốc độ chóng mặt. Về Pin, khoảng 3 năm trước, smartphone có Pin 5000mAh được coi là “kỷ lục”, của hiếm thì từ 2019 tới nay đã là một tiêu chí khá cơ bản. Chỉ cần bỏ ra khoảng 2 triệu là bạn có thể mua smartphone pin 5000 mAh rồi. Với những người không có nhu cầu dùng nhiều, thì viên pin này thậm chí có thể trụ được 2 ngày.

Sạc nhanh trên smartphone liệu có sớm biến sạc dự phòng thành cục gạch? ảnh 2
Joy 3 chỉ hơn 2 triệu nhưng pin 5000 mAh, có thể đủ dùng 2 ngày cho người có nhu cầu ít

Một trong những điểm giúp các smartphone “sống dai” hơn mỗi ngày ngoài viên Pin lớn còn là sự tối ưu của các hãng về công nghệ. Về nguyên tắc, không một phần mềm của bên thứ 3 nào có khả năng tối ưu về năng lượng tốt hơn phầm mềm của nhà sản xuất. iPhone là một ví dụ và sau này các hãng Android cũng đều có các công cụ tối ưu năng lượng riêng.

Sạc nhanh trên smartphone liệu có sớm biến sạc dự phòng thành cục gạch? ảnh 3
Các hãng ngày càng chú trọng tới các công nghệ tối ưu về Pin và nhiều tiện ích khác trên smartphone

Nhưng điểm mấu chốt nằm ở công nghệ sạc nhanh của các hãng. Sạc nhanh bình dân hiện tại là 18W, tầm trung khoảng 30W, Flagship từ 40W trở lên, cá biệt có nhiều hãng, ví dụ như OPPO, Xiaomi đã tung ra sạc nhanh 65W. Với sạc nhanh 30W, chỉ cần 30 phút là chiếc Reno3 có thể đạt 50% viên Pin 4025 mAh. Còn nếu dùng sạc nhanh 65W, thì OPPO Find X2 chỉ cần 15 phút sạc được 50% và khoảng 40 phút sạc đầy viên pin 4200 mAh. Lenovo sẽ sớm tung ra sạc nhanh 90W, trong khi Xiaomi và Vivo đã rò rỉ các thử nghiệm sạc nhanh lên tới 120W. Với công nghệ sạc nhanh 120W, Xiaomi chỉ cần 13 phút là sạc đầy 100% viên pin 4000 mAh. Như vậy, với nhiều người, sạc dự phòng đã là câu chuyện quá khứ.

Sạc nhanh trên smartphone liệu có sớm biến sạc dự phòng thành cục gạch? ảnh 4
Chỉ cần 40 phút sạc đầy viên pin 4200 mAh của OPPO Find X2

Cũng cần nói thêm rằng, chúng ta thường chỉ dùng sạc dự phòng khi Pin ở trạng thái dưới 50%, thậm chí là ở mức đỏ. Nói chung là ở tình trạng “khẩn cấp”. Nhưng ở mức này, lại là mức lý tưởng nhất để sạc nhanh phát huy hết năng lực. Nguyên lý của sạc nhanh là làm đầy siêu tốc pin trong khoảng từ 0-80%, sau đó chuyển sang sạc chậm để bảo vệ Pin và máy. Một phút sạc nhanh có thể bằng cả 10-15 phút sạc dự phòng trong tình huống này.

Sạc nhanh trên smartphone liệu có sớm biến sạc dự phòng thành cục gạch? ảnh 5
Một phút cắm sạc nhanh có thể mang lại năng lượng bằng 10-15 phút sạc dự phòng

Ngoài ra, cũng là công nghệ sạc, nhưng sạc không dây của smartphone hiện tại cũng đang tiến một bước rất dài và thậm chí cùng một công suất sạc đã ngang ngửa với sạc nhanh. Trên Ace2, OPPO trang bị công nghệ sạc không dây lên tới 40W, chỉ cần 5 phút sạc là có 1h sử dụng. So với sạc dự phòng, đó cũng là một bước tiến rất xa.

Sạc nhanh trên smartphone liệu có sớm biến sạc dự phòng thành cục gạch? ảnh 6
Sạc không dây hiện tại của một số hãng thậm chí cũng nhanh như sạc có dây cùng công suất

Tất nhiên, vẫn có những người coi sạc dự phòng là vật bất ly thân, nhưng số này ngày càng ít.

Kim Chi

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận