Vivo: Kẻ âm thầm thách thức các "đại gia" smartphone

Vivo: Kẻ âm thầm thách thức các "đại gia" smartphone

Nếu là người để ý đến các thiết bị công nghệ được sử dụng trong các bộ phim nổi tiếng, hẳn bạn sẽ thấy rằng tất cả các mẫu điện thoại và tablet dùng trong phim "Captain America: Civil War" đều thuộc về một thương hiệu có tên Vivo. 

Vivo không phải là một thương hiệu hư cấu do Marvel (công ty sản xuất "Captain America: Civil War") tạo ra. Đây là một hãng sản xuất smartphone có mặt trên thị trường từ năm 2009 tới nay. Sau nhiều năm nỗ lực, Vivo mới đây vừa âm thầm đánh bật công ty đồng hương Xiaomi để giành vị trí nhà sản xuất smartphone lớn thứ 5 thế giới - theo thống kê của IDC. 

Vivo: Kẻ âm thầm thách thức các đại gia smartphone

Mặc dù thương hiệu Vivo vẫn chủ yếu được biết đến tại Trung Quốc, chưa vươn ra tầm thế giới, thế nhưng ở quốc gia tỷ dân này, Vivo đã trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu. Nếu như các đối thủ Xiaomi và Huawei tạo dựng thương hiệu của mình qua các model smartphone giá rẻ và tầm trung, Vivo ngược lại tập trung vào phát triển các model cao cấp. Điện thoại của Vivo thường được trang bị các công nghệ hàng đầu thị trường. Chiếc Xplay 5 Elite là một ví dụ. Đây là một trong những sản phẩm mới nhất của hãng, được trang bị màn hình cong độc đáo, có tới 6 GB RAM, màn hình 5,4 inch 2.560 x 1.440 pixel, chip Snapdragon 820 giống Samsung Galaxy S7.

Chiếc smartphone cao cấp đầu tiên của Vivo, mẫu X1 ra mắt năm 2012, cũng chính là nỗ lực đầu tiên của hãng nhằm cạnh tranh với Apple iPhone và các máy dòng Galaxy của Samsung. Máy có giá bán khoảng 400 USD, cao hơn so với smartphone của Huawei và Xiaomi (thường có giá từ 300 USD trở xuống). X1 là chiếc smartphone mỏng nhất thế giới ở thời điểm nó ra mắt, với độ dày chỉ 6,65 mm. 

Vù Vivo có thể làm ra những sản phẩm tốt, nhưng sai lầm của hãng này chính là việc chỉ tập trung vào thị trường nội địa Trung Quốc vốn được đánh giá là đã bão hòa. Vivo đã không để ý đến việc mở rộng ra các quốc gia khác, cũng như không quan tâm đến các phân khúc khác (tầm trung, giá rẻ). Công ty cũng tỏ ra không năng động khi chỉ trung thành với các kênh bán hàng truyền thống, đánh mất cơ hội quảng bá qua thương mại điện tử. Kết quả là hãng bị Xiaomi và Huawei qua mặt. Hai đối thủ này tung ra nhiều model trải ở nhiều phân khúc khác nhau để tăng thị phần. Xiaomi thì đặc biệt thành công nhờ bán điện thoại qua đường online thông qua các chương trình flash sale (bán hàng theo đợt với mỗi đợt chỉ bán một số lượng nhất định). 

Tuy nhiên, những nhược điểm đang được Vivo khắc phục, và 2016 là năm đánh dấu sự trở lại của thương hiệu này. "Vivo gần đây đã bắt đầu mở rộng một cách tích cực ra các thị trường ngoài Trung Quốc" - nhà phân tích Kiranjeet Kaur của IDC nhận định. Kiranjeet Kaur cũng nói thêm rằng, chính sách mở rộng này cũng là bước đi được nhiều công ty điện thoại Trung Quốc áp dụng do thị trường nội địa đã có dấu hiệu phát triển chậm lại. 

Vivo hiện tập trung phát triển ở Ấn Độ, thị trường có tốc độ phát triển cao nhất. Học hỏi từ những lỗi lầm trong quá khứ, Vivo giờ đây bán cả các model với giá chỉ 120 USD. Đáng tiếc rằng công ty không còn gia tăng được thị phần ở Trung Quốc, và doanh số bán các model cao cấp cũng không còn cao như trước. Đổi lại, phân khúc smartphone tầm trung lại đang phát triển mạnh ở thị trường này. Năm 2013, giá bán smartphone trung bình tại Trung Quốc là 207 USD, tuy nhiên, con số đã tăng lên thành 257 USD năm 2015 - theo thống kê của IDC. 

Samsung và Apple liên tục chia nhau hai vị trí dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh, trong khi các công ty Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Lenovo và Oppo, thường có tên trong top 10. Vivo giờ đây đang vươn lên để nằm trong top các công ty smartphone hàng đầu và cạnh tranh ngang ngửa với các "đại gia" khác. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận