Ý tưởng cho bài dự thi viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 hiện nay có khá nhiều và đa dạng. Hãy cùng tổng hợp lại các bài mẫu viết thư UPU hay tiêu biểu về chủ đề phát triển đất nước bền vững giống như thông điệp "Tự hào Việt Nam" được lan tỏa. Nếu cần chúng ta có thể xem lại hướng dẫn thể lệ và quy định viết thư UPU 2020 ở đây.
Năm nay, Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 có đề bài khá thú vị, đó là: "Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống" (Tiếng Anh: Write a message to an adult about the world we live in). Với đề bài năm nay, dự báo sẽ có không ít bức thư hay về thời đại của công nghệ.
Một điều các bạn học sinh cần lưu ý rằng bài mẫu chỉ để tham khảo và lấy ý tưởng cũng như cảm hứng, và bài mẫu khi đã đăng trên báo và mạng xã hội thì không thể bê nguyên đi làm bài dự thi. Điều quan trọng làm nên bức thư hay vẫn là dấu ấn cá nhân của mỗi bạn học sinh.
Về nội dung bức thư UPU, năm ngoái nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từng đưa ra lời khuyên: "Tra Google để tìm hiểu kỹ về chủ đề của kỳ thi là một lợi thế nếu các em có thể lấy ra nhiều tư liệu quý; nhưng sau đó phải biến những kiến thức mình tra cứu thành ý tưởng của mình bằng sự tinh tế và thông minh rất riêng...".
Trong khi đó nhà văn Phong Điệp truyền thêm cảm hứng sáng tạo cho các bạn học sinh khi viết: "Điều mà các thành viên Ban Giám khảo trông chờ nhất ở mỗi bức thư chính là có cơ hội được lắng nghe các em cất lên tiếng nói của mình, bày tỏ những suy nghĩ về các vấn đề của cuộc sống cũng như tâm tư, khát vọng của cá nhân".
Hãy cùng tổng hợp lại các bài mẫu viết thư UPU 2020 hay nhất về chủ đề phát triển đất nước bền vững giống như thông điệp "Tự hào Việt Nam" được lan tỏa. |
Bài mẫu thư UPU lần thứ 49 năm 2020: Thông điệp tự hào Việt Nam
Bài mẫu 1
Kính gửi chiến sỹ đồn biên phòng đảo Phú Quý
Vậy là cháu vừa kết thúc chuyến du lịch vô cùng thú vị trên đảo Phú Quý. Được gặp gỡ và trải nghiệm cuộc sống trên đảo đúng như là một món quà quý dành cho cháu.
Gặp chú và những người dân nơi đây, cháu được nghe rất nhiều câu chuyện và biết thêm được rất nhiều điều. Nhưng điều mà cháu thấy hứng thú đặc biệt vẫn là cuộc sống trên đảo nay đã gần hơn với đất liền nhờ sóng di động công nghệ 3G, 4G.
Thế nên mới có câu chuyện vui là các chiến sỹ trên đảo Phú Quý thích xem bóng đá và đội tuyển Việt Nam thi đấu nhưng đến khi truyền hình chưa mua được bản quyền ASIAD 2018 thì cũng phải thử lên mạng kiếm các kênh như "Xôi lạc TV"...
Ông chủ homestay mà nhà cháu nghỉ lại cũng kể chuyện xem bóng đá lần đấy y như vậy. Trong khi đó hàng ngày ông đã có thể cập nhật hình ảnh và thông tin đảo trên fanpage Facebook homestay mà ông lập ra, qua đó thường xuyên kết nối với những lượt khách đã đến và thu hút thêm nhiều lượt khách đến đảo.
Những ngư dân mà nhà cháu gặp thì chia sẻ rằng nhờ có sóng di động phủ ra ngoài khơi xa nên trong hành trình đi biển thì người ở nhà cũng có phần yên tâm hơn vì liên lạc được một chút.
Và như cháu được biết thì rất nhiều đảo lớn nhỏ trên đất nước ta cũng đang có cuộc sống phát triển tương tự với sóng di động công nghệ mới nhất phủ ra được đến nơi. Điều này thật đáng vui mừng.
Nhưng đây cũng là lúc cháu nghĩ đến các chiến sỹ và người dân trên quần đảo Trường Sa, nơi tiền tiêu "đầu sóng ngọn gió" mà cháu chưa được đến bao giờ. Ngoài khoảng cách đường biển từ đất liền đi ra gấp 4-5 lần so với Phú Quý thì Trường Sa chắc hẳn vẫn còn "khoảng cách" lớn về thông tin liên lạc.
Trong câu chuyện mà nhà báo Trung Kiên báo Công luận kể lại chuyến đi mới đây, nữ phóng viên Thùy Châu báo Tuyên Quang vì muốn tác phẩm của mình “nóng hổi”, kịp ra số báo in nên chị đã rất chịu khó đợi đến nửa đêm khi ít người dùng điện thoại, mạng khoẻ hơn để leo lên boong tàu ngồi “canh sóng”.
Nhà báo Thùy Châu còn ví von là: “Việc đi chao sóng trên tàu để gửi bài giống như người đi câu cá. Ấy vậy mà đêm nào may mắn tìm đúng điểm “sóng rơi” thì cũng chỉ gửi được vài tấm ảnh về tòa soạn là tôi mừng rơi nước mắt. Có những hôm thức trắng đêm nhưng vẫn không tìm được sóng”.
Đọc được những câu chuyện như vậy thì cháu mới hình dung ra sóng di động khó khăn như thế nào ở Trường Sa. Và trong bức thư này cháu chỉ muốn chia sẻ hy vọng rằng sau này bằng những cách nào đó mà những cánh sóng kết nối Trường Sa với đất liền sẽ thuận lợi hơn.
Giờ thư cũng đã dài, cháu chúc chú và các chiến sỹ trên các vùng biển đảo luôn mạnh khỏe và an tâm đứng nơi "đầu sóng ngọn gió" bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Bài mẫu 2
Kính gửi GS.TS Trần Ngọc Thêm
Hôm nay cháu viết bức thư này để chia sẻ với bác và các nhà văn hóa về chủ đề giới trẻ với văn hóa truyền thống, sau khi nghe được những nhận xét chân thực của bác trong buổi tọa đàm chủ đề "Giới trẻ Việt Nam hiện nay: thực trạng, những vấn đề đặt ra về văn hoá, giáo dục và những giải pháp" hồi tháng 6/2019.
Hôm đó GS.TS Trần Ngọc Thêm nói: "Đặc điểm nổi bật rõ nhất của giới trẻ là lớp tuổi duy nhất có bản chất dương tính, kéo theo 2 đặc điểm quan trọng là hướng ngoại và năng động. Hướng ngoại thì dễ tiếp thu cái mới và hấp thụ các ảnh hưởng ngoại lai; năng động thì ưa thay đổi, phát triển.
Đúng vậy bác ạ, giới trẻ trong quá trình phát triển bản thân và tiếp nhận các nền văn hóa bên ngoài đôi khi lại quên mất rằng đất nước mình cũng có kho tàng văn hóa vô cùng lớn. Người Việt Nam có quyền tự hào về vốn văn hoá đậm đà thuần Việt cả trong những lĩnh vực văn học, nghệ thuật, kiên trúc, hội họa, điêu khắc...
Nền văn học dân gian Việt Nam ta phong phú các thể loại như truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, thơ nôm, thơ lục bát, sử thi...; kiến trúc Việt Nam thì có những mái đình cổ kính, thấp thoáng ẩn hiện dưới những gốc đa, sau những rặng tre xanh, giếng nước; âm nhạc có các làn điệu dân ca như ca trù, quan họ, cải lương; hội họa có những dòng tranh dân gian như Đông Hồ...
Thời đại mới đòi hỏi người thanh niên Việt Nam phải năng động, sáng tạo biết nắm bắt du nhập một cách có chọn lọc mà còn đặt ra vấn đề bảo tồn những nét văn hoá truyền thống cũ, hoà nhập nhưng không hòa tan. Đó cũng là một thách thức đầy khó khăn, là những chướng ngại vật trong hành trình dòng chảy tiếp biến, hội nhập.
Nhưng dù sao chắc hẳn bác và nhiều nhà nghiên cứu sẽ đồng ý rằng một số không nhỏ trong giới trẻ hiện nay rất quan tâm đến văn hóa truyền thống. Những dự án như phục dựng hình ảnh 3D cho Hoàng Thành Thăng Long với kiến trúc thời Lý - Trần - Lê cũng là minh chứng cho công sức mà các bạn trẻ dành cho nền văn hóa truyền thống.
Một điều nữa mà cháu thấy đó là các bộ phim Việt theo xu hướng cổ trang ngày càng nhiều và cũng rất được đón nhận. Trên mạng YouTube, những bài hát được giới trẻ yêu thích nhất có không ít bài mang âm hưởng truyền thống dân tộc vùng cao, tiêu biểu như bài "Tình yêu màu nắng" hay "Để Mị nói cho mà nghe"...
Tương tự như vậy thì những tác phẩm văn học và dấu ấn phim nhựa một thời được tái hiện trong các clip của nhóm 1977 Vlog cũng khiến giới trẻ dậy sóng một thời gian. Và mặc dù những dự án tái hiện lịch sử đôi khi hơi quá phá cách và cần định hướng thêm song điều đó cũng cho thấy giới trẻ vẫn sẽ dễ dàng tiếp nhận văn hóa truyền thống, chỉ là bằng cách nào.
Cháu nghĩ ngày nay thế hệ trẻ ý thức được trách nhiệm và sứ mệnh để phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt thiếu sót của văn hoá dân tộc, và tích cực quảng bá văn hoá dân tộc tới bạn bè quốc tế.
Và đúng như ý kiến của TS. Ngô Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng Đại học KHXHNV TP.HCM mà chắc hẳn chúng ta đều đồng tình, đó là cần biết khai thác lợi thế về nhiệt huyết, sự năng động, sáng tạo của thanh niên; cần có quan điểm giáo dục nâng cao năng lực thay vì áp đặt, thúc đẩy các phương thức giảng dạy tích cực khơi gợi và phát huy tính chủ động, sáng tạo và cái tôi của thanh niên; cần tạo không gian phù hợp cho các hoạt động của thanh niên, thu hút thanh niên chung tay đóng góp cho xã hội.
Và cuối thư, cháu chúc bác luôn mạnh khỏe, chúc cho giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam luôn có vị trí trong tâm trí các bạn trẻ.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: ictnews.vietnamnet.vn
Tham gia bình luận