Đây là bài viết cuối cùng của Walt Mossberg, biên tập viên công nghệ kỳ cựu tại The Verge và Recode.
Đây là bài viết cuối cùng của tôi dành cho The Verge và Recode, và cũng là bài báo sau chót tôi dự định thực hiện. Từ năm 1991 tới nay tôi đã luôn chắp bút cho những chuyên mục công nghệ hàng tuần, bắt đầu với tờ Wall Street Journal. Trong suốt khoảng thời gian đó tôi thực sự đã rất may mắn khi biết tới những tên tuổi hàng đầu của cuộc cách mạng công nghệ, để rồi nghiền ngẫm và đánh giá những thành tựu của họ.
Giờ đây khi chuẩn bị nghỉ hưu sau một chặng đường dài quan sát những biến động của thế giới công nghệ, tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để nhìn lại cuộc càn quét của ngành này trong suốt quãng thời gian đó, và dự đoán về những điều sẽ xảy tới trong tương lai.
Tôi sẽ bắt đầu bằng việc trích lại dòng thứ nhất trong bài báo chuyên đề đầu tiên mang tên "Điện toán cá nhân" (Personal Technology) trên tờ Journal vào ngày 17/10/1991: "Máy tính cá nhân thực sự quá khó sử dụng, và điều đó không phải lỗi của bạn".
Điều này đúng cho đến rất nhiều năm sau đó. Giao diện khó sử dụng đã đành, nhưng hầu hết các sản phẩm công nghệ khi đó đều đòi hỏi khả năng kỹ thuật ở mức nhất định để sửa chữa và điều chỉnh - điều mà hầu hết người dùng thông thường không có (hoặc chẳng buồn có). Ngành công nghệ khi đó hoàn toàn mới mẻ, và lúc ấy các kỹ sư không sáng tạo ra sản phẩm dành cho những người bình thường - những người có những tài năng và sở thích khác bên ngoài công nghệ.
Bài báo chuyên đề đầu tiên của Walt Mossberg mang tên Điện toán cá nhân (Personal Technology) trên tờ Journal vào ngày 17/10/1991
Nhưng rồi qua thời gian, các sản phẩm công nghệ đã dần trở nên đáng tin cậy và dễ sử dụng hơn rất nhiều; và trong khi đó, người dùng cũng ngày một tinh tế hơn. Giờ đây bạn có thể trao một chiếc iPad cho một đứa nhóc 6 tuổi, chỉ cho nó vài đường cơ bản - và thế là đứa trẻ này có thể học cách sử dụng thiết bị đó một cách nhanh chóng. Điều đó thật tuyệt, nhất là khi iPad ngày nay mạnh mẽ hơn bất kỳ một chiếc máy tính cá nhân cổ phức tạp nào tôi từng dùng thử những năm 90 của thế kỷ trước. Một điểm cộng nữa: phần cứng và phần mềm ở thời điểm hiện tại hiếm khi có những lỗi "thảm hoạ" như PC trước đây trong những ngày đầu.
Vì vậy giờ đây tôi có thể đưa ra kết luận: "Thiết bị công nghệ cho cá nhân thường tương đối dễ sử dụng, nhưng nếu nó khó dùng thì đó cũng không phải lỗi của bạn".
Những thiết bị chúng ta luôn lệ thuộc hàng ngày như PC và điện thoại không còn gì mới mẻ nữa. Chúng được hoàn thiện và cải tiến để trở nên tốt hơn hàng năm. Những sản phẩm thực sự đột phá thì chưa làm được điều này: chúng mới chỉ dành cho dân "mọt" công nghệ. Rất nhiều người vẫn chưa thể cảm thấy quen thuộc với một hệ thống thực tế ảo phức tạp, hoặc đơn giản hơn là chưa quen đeo tai nghe. Và hầu hết chúng ta hiện nay vẫn chưa tin tưởng rằng Siri, Alexa hay Google Assistant có thể đem lại những câu trả lời chính xác.
Khi tôi đang viết những dòng này, những công nghệ phục vụ cá nhân vẫn đang tràn đầy triển vọng phát triển - song một số sản phẩm "bom tấn" tạo nên bước ngoặt đã bắt đầu chạm ngưỡng và trở nên lỗi thời. Có vẻ như tất cả đang bắt đầu bị ru ngủ.
Từng thống trị thế giới 10 năm trước vào lúc ra mắt, chiếc iPhone cảm ứng đa điểm đầu tiên của Apple từ đó đến nay hầu như không có cải tiến gì đáng kể. Thực tế thì nó đã trở thành một loại máy tính cá nhân mới, song đã phát triển đến độ chín và tôi hoài nghi rằng khó có bước chuyển biến nào nổi bật trong tương lai. Máy tính bảng đã từng phát triển như vũ bão nhưng rồi vẫn phải chật vật để tìm chỗ đứng trong cuộc sống của mọi người. Trong khi đó máy tính bàn và laptop thì đã trở thành một phần quá quen thuộc của đời sống hàng ngày.
Dẫu vẫn tiếp tục phát triển, những cuộc cách mạng phần mềm lớn tạo ra điện toán đám mây, công cụ tìm kiếm hay mạng xã hội cũng đang bắt đầu bước vào giai đoạn chững lại.
Trong khi đó, những phát minh mới như máy bay tự động (drone) và robot vẫn còn đang ở trong giai đoạn phát triển non trẻ, và đi vào thị trường quá ngách với rất ít ứng dụng thực tiễn.
Đột phá lớn nhất về phần cứng và phần mềm kể từ sau iPad năm 2010 phải kể đến chiếc loa thông minh điều khiển bằng giọng nói mang tên Echo của Amazon, với phần mềm trợ giúp Alexa. Echo được ra mắt vào năm 2015, trước khi một thiết bị tương tự mang tên Google Home ra đời năm ngoái. Tôi đã mong chờ những thứ khác hơn.
Google Home ra đời năm 2016.
Echo và Alexa mới chỉ là bước khởi đầu. CEO của Amazon, Jeff Bezos đã nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn năm ngoái rằng trí tuệ nhân tạo không phải là lượt đánh đầu tiên mà thậm chí chỉ mới đang là giai đoạn mà cầu thủ đầu tiên vừa mới xuất hiện trên sân. Trong khi Amazon không tiết lộ con số bán ra thực tế của dòng sản phẩm Echo, những bên thứ ba đã ước tính rằng chúng chỉ bán được dưới 10 triệu chiếc vào năm ngoái bất chấp tốc độ phát triển tương đối nhanh. Nếu để so sánh, thì ngay cả trong giai đoạn "thường thường" của mình vào quý vừa rồi, Apple cũng đã bán được 50 triệu chiếc iPhone. Những chiếc Android thông dụng thì doanh số còn lớn hơn nữa.
Google cũng vừa công bố rằng hiện nay có khoảng 2 tỷ thiết bị Android được sử dụng mỗi tháng trên toàn cầu, còn một năm rưỡi về trước thì Apple đã khẳng định rằng con số này là khoảng hơn 1 tỷ thiết bị iOS. Nhưng hầu hết trong số này đều là điện thoại di động - và chúng không có gì mới lạ cả.
Việc bạn không thấy một sản phẩm đáng kinh ngạc nào xuất hiện trên Amazon, App Stores hay tại các cửa hàng của Apple và Best Buy không có nghĩa là cuộc cách mạng công nghệ bị trì hoãn hay đã dừng lại. Thực tế, sự chững lại này là cơ hội để chúng ta chinh phục những miền đất mới còn chưa được khai phá. Và nếu thành công, cuộc cách mạng này sẽ tạo ra kết quả tương đương hoặc "khủng" hơn những trào lưu từng làm mưa làm gió một thời: những chiếc máy tính cá nhân đầu tiên những năm 70, sự ra đời của web những năm 90, hay điện thoại thông minh vào thập niên đầu tiên của thế kỷ này.
Tất cả những ông lớn trong làng công nghệ và cả những công ty hoặc khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực khác (mà thậm chí chúng ta còn chưa biết tên) đã và đang triển khai những viên gạch đầu tiên kiến tạo nên nền móng công nghệ của tương lai. Đó chính là trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine learning), thực tế ảo tăng cường (augmented reality), thực tế ảo (virtual reality), robot, máy bay tự lái (drone), nhà thông minh, xe tự lái, thiết bị chăm sóc sức khoẻ số, và các thiết bị đeo thông minh (wearables).
Commodore PET (một loại máy tính sản xuất từ những năm 1977 bởi công ty Commodore International)
Tất cả những sản phẩm này đều có điểm chung. Chúng có khả năng tính toán mạnh mẽ hơn, với những loại cảm biến mới, mạng lưới kết nối tốt hơn, khả năng nhận diện giọng nói và hình ảnh thông minh hơn, và phần mềm liên tục được cải thiện về sự ưu việt cũng như tính bảo mật. Những ví dụ cho những loại công nghệ này đều đã tồn tại trên thị trường, nhưng đang ở dạng sơ khai và với số lượng có hạn - và mới chỉ hấp dẫn được những người thực sự đam mê công nghệ mà thôi. So với những phát minh của tương lai, những sản phẩm này sẽ giống như Commodore PET (một loại máy tính sản xuất từ những năm 1977 bởi công ty Commodore International), hoặc những chiếc điện thoại "khủng bố" trong những bộ phim cổ lỗ sĩ.
Tôi hi vọng rằng đích đến cuối cùng của tất cả những phát minh này sẽ là một loại công nghệ mà trong đó máy tính sẽ nằm trong vạn vật, nhưng chìm vào "phía sau". Trong một số trường hợp, máy tính sẽ hoàn toàn biến mất và chỉ được kích hoạt khi có một giọng nói, khi một ai đó bước vào phòng, một sự thay đổi trong công thức máu, một mức biến động của nhiệt độ hay một chuyển động. Thậm chí, rất có thể, chúng sẽ được kích hoạt chỉ bằng một ý nghĩ. Toàn bộ ngôi nhà, văn phòng và xe hơi của bạn sẽ được "đóng gói" với những chiếc máy tính và những cảm biến đang đợi sẵn này. Chúng sẽ không làm phiền bạn, thậm chí không thể phân biệt được như những thiết bị công nghệ thông thường.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: ictnews.vn
Tham gia bình luận