Bộ phim yêu thích của bố và nỗi ám ảnh kinh hoàng của bé gái 11 tuổi

Bộ phim yêu thích của bố và nỗi ám ảnh kinh hoàng của bé gái 11 tuổi

Gõ cửa khoa Nhi, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội (Long Biên, Hà Nội) là các phụ huynh có con mắc hội chứng tự kỷ, trầm cảm, rối loạn cảm xúc hoặc có em bị hoang tưởng do nghiện game online trên mạng internet…

Theo bác sĩ Vũ Thị Thùy Tươi, trẻ em tham gia vào mạng internet phải có sự quản lý, giám sát của phụ huynh. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần được quy định về thời gian, thời điểm sử dụng mạng internet. Có thể nói, sự quan tâm, gần gũi của cha mẹ chính là ‘chìa khóa’ để con tránh được các nguy cơ từ môi trường này.

Bác sĩ Tươi nhớ đến trường hợp một nam sinh lớp 8 phải nhập viện vì nghiện game online.

‘Có những bạn nhỏ tìm đến game để xả stress, giải trí… sau những giờ học nhưng cũng có những em vì áp lực với gia đình, cuộc sống đã tìm đến các trò chơi trên mạng. Nam sinh lớp 8 này là một trường hợp như vậy’, bác sĩ Thùy Tươi nói.

Bộ phim yêu thích của bố và nỗi ám ảnh kinh hoàng của bé gái 11 tuổi
Nguy cơ và rủi ro của trẻ em trong không gian mạng (Nguồn: Unicef Việt Nam).

Áp lực từ gia đình trong học tập đã khiến nam sinh này buồn chán. Em chia sẻ với bác sĩ, em không biết học để làm gì? Em không có mục đích trong cuộc sống, ‘bố mẹ bảo làm gì thì em làm nấy’.

Một lần liên hoan, các bạn rủ đi chơi game online, sau đó em sa đà vào các trò chơi trên mạng internet này. Em chơi đến quên ăn, quên học trong thời gian dài.

Trước khi đến bệnh viện, nam sinh này đã có biểu hiện của chứng tâm thần hoang tưởng. Theo đó, em đã cầm gậy đuổi theo, đòi đánh bố. Em còn hăm dọa sẽ dùng dao để ‘chém chết’ người bố của mình.

Nghiện game online đã khiến em xuất hiện chứng hoang tưởng. Em nghĩ mình và mọi người sống xung quanh là những nhân vật trong game. Bởi thế, em cũng có những hành xử như trong các trò chơi trên mạng internet của mình.

Khi thấy con có những biểu hiện lạ, gia đình nam sinh này đã hoảng hốt mời ‘thầy’ về cúng bái. Thấy không có hiệu quả và chứng hoang tưởng của con ngày càng nặng hơn, họ mới đưa con đến bệnh viện, cầu cứu các bác sĩ.

‘Nói chuyện với bác sĩ, nam sinh này cho biết, các hình ảnh đấm đá, những hành vi bạo lực trong game cứ tái hiện lại trong đầu em và em hành xử như một nhân vật trong trò chơi trên mạng’, bác sĩ Tươi nhớ lại.

Nếu trẻ em tham gia vào mạng internet không có sự hướng dẫn, đồng hành của bố mẹ sẽ có nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Tuy nhiên một điều đáng lo ngại khác là các em có thể ‘tiếp nhận’ nguy cơ này một cách gián tiếp.

Đó là khi người thân của các em sử dụng, xem các hình ảnh bạo lực từ phim ảnh, mạng internet và các em là đối tượng vô tình phải tiếp nhận.

Một ngày đầu tháng 3/2020, xuất hiện tại khoa Nhi, BV Tâm thần Hà Nội là một bé gái (SN 2009) và mẹ.

Người mẹ lo lắng chia sẻ với bác sĩ về triệu chứng của con. Theo đó, những ngày nghỉ học do dịch Covid-19, con gái chị được ở nhà cùng bố. Chồng chị vốn là người yêu thích các bộ phim viễn tưởng, kinh dị trên mạng internet vì vậy anh thường xuyên xem.

Một lần, người bố xem một bộ phim khoa học viễn tưởng về các quái vật ngoài hành tinh. Vô tình con gái anh cũng ngồi xem cùng.

Tuy nhiên anh không ngờ rằng, bộ phim này đã gây nên một nỗi ám ảnh kinh hoàng với con gái của mình.

Bác sĩ Vũ Thị Thùy Tươi cho biết: ‘Theo chia sẻ của cô bé, bộ phim nói về sinh vật ngoài hành tinh xâm chiếm trái đất. Những con sinh vật được miêu tả trong phim rất ghê rợn. Cô bé đến bệnh viện với trạng thái bất ổn, chưa hết sợ hãi’.

Bộ phim yêu thích của bố và nỗi ám ảnh kinh hoàng của bé gái 11 tuổi
Khu vực Trắc nghiệm tâm lý, điện não của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.

Cô bé nói với bác sĩ: ‘Con xem xong sợ hãi đến toát mồ hôi, chân run bần bật, không thể di chuyển được. Con cảm giác như sắp ngất đến nơi. Khi đỡ hơn, con cố vào nhà vệ sinh, đóng cửa lại vì quá sợ’.

Những ngày sau đó, tình trạng của cô bé lớp 5 không khá hơn khi em ngủ thường xuyên gặp ác mộng.

Cuối cùng, mẹ phải đưa em đến bệnh viện để thăm khám. Khi đang trò chuyện cùng cô bé trong phòng khám, nữ bác sĩ thử đưa ra một tình huống: ‘Con có thể một mình đi ra cửa, rẽ trái và đến căng tin mua một chai nước lọc được không?’. Nhưng cô bé từ chối vì sợ hãi, không dám đi một mình.

Bác sĩ Thùy Tươi hỏi cô bé:

- Con biết phim viễn tưởng là thế nào không?

-  Là phim không có thật.

- Nếu là không có thật, sao con vẫn sợ?

- Vì hình ảnh nó quá ghê, nên dù biết giả con vẫn sợ. Nó cứ nằm trong đầu con, con nhắm mắt là lại hiện lên.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ tiến hành tư vấn cho cô bé. Cũng theo bác sĩ Tươi, vấn đề của các em thường được mẹ phát hiện ra bởi mẹ là người gần gũi và quan tâm con cái hơn so với các ông bố.

Người mẹ cũng được các bác sĩ dặn dò về việc cho con tiếp cận với phim, các hình ảnh trên ti vi và mạng internet. Theo BS, các em đang chưa ổn định về tâm lý, suy nghĩ vì vậy những hình ảnh có tính chất bạo lực có thể tác động xấu đến thần kinh của trẻ.

Việc này sẽ gây hậu quả về lâu dài khi có thể khiến con hoảng loạn, sợ hãi, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và cuộc sống của trẻ.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận