Cá nhân và doanh nghiệp nào có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam trong một thập kỷ?

Cá nhân và doanh nghiệp nào có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam trong một thập kỷ?

Cá nhân và doanh nghiệp nào có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam trong một thập kỷ?

Nhiều người dân thường lướt Internet trên di động .

Để đưa được Internet vào Việt Nam là một câu chuyện dài của 20 năm về trước. Một trong những người đứng đầu Chính phủ đã bày tỏ quan điểm ủng hộ sớm mở Internet vào Việt Nam là Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh.

Hồi tưởng lại thời kỳ đó, Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh cho biết, chuyện thuyết phục trong nội bộ trước khi quyết định mở Internet cũng đầy khó khăn bởi có nhiều luồng thông tin khác nhau. Thời đó, mở Internet ở nước ta có khó khăn về trình độ công nghệ, nhưng điều khó nhất là làm sao giải trình rõ và thuyết phục được các cơ quan có trách nhiệm về những lợi ích to lớn mà Internet mang lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng quản lý hoạt động của Internet. Đã có nhiều câu hỏi băn khoăn lo lắng về những mặt tiêu cực khi mở Internet, chẳng hạn như sợ lộ bí mật hay sẽ có nhiều kẻ lợi dụng Internet nói xấu, xuyên tạc chế độ...

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực cho rằng: “Nếu như các dịch vụ viễn thông của Việt Nam mở ra chậm hơn thế giới khoảng 40-50 năm, dịch vụ điện thoại di động chậm hơn của thế giới 15-20 năm thì Internet vào Việt Nam chậm hơn so với  khởi đầu của thế giới chừng 7-8 năm. Còn so với một số quốc gia trong khu vực thì chỉ chậm vài ba năm. Nhưng quả là không dễ dàng gì trong những ngày đầu với nhiệm vụ thuyết phục các lãnh đạo đồng ý mở cửa Internet".

Một trong những người thử nghiệm kỹ thuật Internet đầu tiên tại Việt Nam, ông Trần Bá Thái, Nguyên Giám đốc NetNam kể rằng: “Tháng 4/1994, Giáo sư Đặng Hữu giao cho chúng tôi thiết lập email để phục vụ cho chuyến viếng thăm của Thủ tướng Úc. Ở thời điểm dó Internet vẫn là chuyện "tranh tối, tránh sáng" nên để có tên miền Việt Nam , Giáo sư TS Trần Văn Đắc, Vụ trưởng Vụ Khoa học của Bộ KHCN đã phải ký công văn của Bộ KHCN nhưng không đóng dấu rồi fax sang APNIC để đăng ký cho một chủ thể duy nhất. Sau khi có địa chỉ tên miền, mới tạo lập email server đầu tiên có tên miền Việt Nam nên account của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là có tên miền Việt Nam. Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Thụy Điển Carl Bilt đã trao đổi thành công bằng email để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thụy Điển”.

Ông Thái cho biết: "Thời kỳ đó chưa có kinh nghiệm lắm về địa chỉ tên miền nên lấy địa chỉ là vvkiet@badinh.ac.vn. Trước đó chúng tôi đã trao đổi với Ban thư ký của Nguyên Thủ tướng tìm ra một cái tên "badinh" chung chung và có hình ảnh của nơi làm việc. Hơn nữa, vì chưa có quy chế tên miền và chúng tôi đã thử địa chỉ vvkiet@badinh.gov.vn nhưng bị lạc thư nên đành phải chuyển thành vvkiet@badinh.ac.vn".

20 năm Internet có mặt tại Việt Nam đã tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa chính trị, xã hội. Theo số liệu trong Sách trắng của Bộ TT&TT mới công bố thì tổng số thuê bao truy cập băng rộng cố định (gồm ADSL và FTT) đạt hơn 9 triệu thuê bao. Đặc biệt, từ khi 3G chính thức được cung cấp tại Việt Nam đã thúc đẩy thuê bao đi động phát triển bùng nổ và nhiều người dân đã được tiếp cận đến Internet qua smartphone.

Theo thống kê của Bộ TT&TT, Việt Nam có gần 36,2 triệu thuê bao băng rộng di động 3G, đạt tỷ lệ 39 thuê bao/100 dân. Theo một con số thống kê chưa đầy đủ thì Việt Nam có khoảng 10 triệu thuê bao 4G.

Chính sự bùng nổ của thuê bao di động băng rộng đã kéo theo nhiều hoạt động của đời sống xã hội thay đổi. Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Viettel cho hay, sự phát triển bùng nổ của di động băng rộng kéo theo những thói quen người dùng thay đổi. Thay vì xem truyền hình thì họ vào YouTube, thay vì đọc báo chí thì lướt Facebook, thay vì gọi taxi thì dùng Uber. Các nhà hoạch định kinh tế cũng bắt đầu nói nhiều đến nền kinh tế số, thương mại điện tử, Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, kết nối vạn vật… Rõ ràng Internet đã làm thay đổi xã hội mạnh mẽ trong 2 thập kỷ qua tại Việt Nam.

Để có được điều đó, có công đóng góp của rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối, dịch vụ nội dung và các ứng dụng trên Internet. Tại thời điểm kỷ niệm 10 năm Internet năm 2007, ICTnews đã tiến hành bình chọn 10 nhân vật có ảnh hưởng lớn cho Internet Việt Nam trong một thập kỷ. Để đánh giá thập kỷ tiếp theo, Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp với ICTnews, các nhà báo CNTT và khách hàng bình chọn để vinh danh các cá nhân và doanh nghiệp nào có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam trong một thập kỷ.

Các tiêu chí để bình chọn cá nhân và doanh nghiệp này dựa vào những đóng góp xuất sắc, hiệu quả về chính sách, chiến lược để thúc đẩy sự phát triển Internet Việt Nam, phát triển thuê bao Internet, đưa dịch vụ truy cập Internet đến với nhiều người dân, phát triển ứng dụng, dịch vụ gia tăng, dịch vụ nội dung số trên Internet, thúc đẩy môi trường Internet an toàn…Trên cơ sở đó và những đề cử đã được đưa ra, các độc giả sẽ nhìn nhận, đánh giá những cá nhân và doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn nhất đến Inernet Việt Nam trong một thập kỷ qua. Đây cũng là hình thức tôn vinh, khích lệ, động viên các cá nhân, doanh nghiệp tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho Internet Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận