Công ty Trung Quốc chạy đua gom hàng bán dẫn

Công ty Trung Quốc chạy đua gom hàng bán dẫn

Theo SCMP, các công ty bán dẫn hàng đầu Trung Quốc đang chạy đua dự trữ thiết bị sản xuất chip, linh kiện thay thế và những vật liệu liên quan khác. Trong khi đó, đối tác nước ngoài vẫn mua bán với doanh nghiệp Trung Quốc nhưng dè chừng hơn và chờ đợi động thái mới.

Công nhân bên trong dây chuyền sản xuất chip tại nhà máy ở Trì Châu, tỉnh An Huy, tháng 3/2018. Ảnh: Reuters

Hai nguồn tin tiết lộ, một số công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc đã bắt đầu mua nguyên vật liệu từ tháng 10/2022, khi Mỹ mở rộng lệnh cấm, nhưng đẩy mạnh việc dự trữ từ đầu năm nay. Nguồn tin khác nói, một hãng chip lớn có trụ sở tại Bắc Kinh đã "lấp đầy nhiều nhà kho" linh kiện và nguyên liệu cho sản xuất chip, kể cả những thứ không nằm trong danh mục bị kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Một người chuyên môi giới và tìm nguồn cung sản phẩm Nhật Bản cho khách hàng Trung Quốc cho biết các công ty ở đây đang mua linh kiện và thiết bị sản xuất bán dẫn "quá nhiều, trên mức cần thiết". Người này đánh giá quy mô mua bán những tháng gần đây là "bất thường nhưng dễ hiểu" do Mỹ có thể tăng thêm lệnh cấm trong tương lai.

Trong khi đó, các công ty Mỹ hoặc có liên quan đến công nghệ Mỹ đang chờ hướng dẫn mới về kiểm soát xuất khẩu. Một nguồn tin nói các quy định có thể hoàn thiện và được đưa ra vào tháng 4.

Hiện chưa có số liệu chính thức cho thấy Trung Quốc tích trữ bao nhiêu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất chip. Trong khi đó, theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc tháng 11 và 12 năm ngoái, việc nhập khẩu thiết bị sản xuất chip của nước này giảm mạnh do lệnh cấm của Mỹ. Riêng tháng 12, Trung Quốc nhập 4.789 thiết bị sản xuất bán dẫn, giảm 35,3% so với cùng kỳ 2021. Tính cả năm 2022, việc nhập loại thiết bị này cũng giảm 15,3%.

Việc bị hạn chế nhập khẩu khiến doanh nghiệp bán dẫn Trung Quốc loay hoay. SMIC, công ty gia công bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, hồi đầu tháng thừa nhận việc sản xuất hàng loạt chip tại nhà máy mới trị giá 7,6 tỷ USD ở Bắc Kinh có thể phải hoãn từ một đến hai quý do thiếu thiết bị cần thiết.

Một số công ty khác thậm chí phải tìm đến nguồn máy cũ. Trong đó, máy móc từ Nhật Bản được ưa chuộng nhất. Johnny Liao, Giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp thiết bị cũ có trụ sở tại Thâm Quyến, cho biết số cuộc gọi tư vấn bán hàng đã tăng đáng kể trong hai tuần đầu tháng 2, chủ yếu là các sản phẩm Nhật Bản.

Một đại lý chuyên bán thiết bị sản xuất chip trên tiến trình cũ (trên 20 nm) của Canon và Nikon cho biết lượng người mua đang tăng gấp đôi. Ngoài ra, một số máy móc tiên tiến hơn, chẳng hạn hệ thống in thạch bản tia cực tím của Nikon, cũng được hỏi mua vì nó được dự đoán có thể là một trong những thiết bị bị kiểm soát xuất khẩu sắp tới.

Theo giới chuyên gia, việc công ty Trung Quốc vội vã tích trữ máy móc và vật liệu bán dẫn cho thấy lệnh cấm từ Washington đang gây khó khăn thế nào trong việc theo đuổi tham vọng tự chủ công nghệ của Bắc Kinh. Dylan Patel, nhà phân tích của SemiAnalysis, cho rằng doanh nghiệp Trung Quốc đang phải đẩy mạnh nhập khẩu nguyên vật liệu một phần vì "không có chuỗi cung ứng nội địa ở Trung Quốc". Ông lấy ví dụ Huawei, công ty từng tích trữ nhiều nguyên liệu trước khi bị Mỹ cấm từ 2019, do đó vẫn hoạt động thêm một thời gian trước khi tuột dốc.

Một số chuyên gia khác tin ngay cả khi bị Mỹ hạn chế, Trung Quốc vẫn khó bị cắt đứt khỏi chuỗi cung ứng với Nhật Bản và Hà Lan. Tuy nhiên, "nó không thể cho phép Trung Quốc mở rộng quy mô hay thực hiện tham vọng tự chủ bán dẫn, vì hầu hết vẫn liên quan đến công nghệ Mỹ", Nicolas Gaudois, trưởng bộ phận nghiên cứu công nghệ của Ngân hàng Đầu tư UBS, nêu.

Bảo Lâm (theo SCMP)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận