Cứ 4 công dân Hàn Quốc thì có 1 người dùng trợ lý ảo GoodPy

Cứ 4 công dân Hàn Quốc thì có 1 người dùng trợ lý ảo GoodPy

Sử dụng trợ lý ảo là một giải pháp hiệu quả mà Chính phủ một số nước trên thế giới áp dụng để cung cấp các dịch vụ số dựa trên nhu cầu người dân, tạo ra các tiện ích, trải nghiệm tối đa cho người dân.

Tại Việt Nam, một số bộ, địa phương cũng đang thử nghiệm triển khai giải pháp trợ lý ảo để hỗ trợ cán bộ, công chức, người lao động trong công việc chuyên môn; cũng như trợ giúp người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến do bộ, ngành mình cung cấp. Đơn cử như, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ứng dụng trợ lý ảo phục vụ cung cấp thông tin cho lãnh đạo; Bộ Giao thông vận tải đang vận hành thử nghiệm trợ lý ảo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính…

Cứ 4 công dân Hàn Quốc thì có 1 người dùng trợ lý ảo GoodPy
Sử dụng trợ lý ảo là giải pháp được Chính phủ một số nước trên thế giới áp dụng để cung cấp các dịch vụ số dựa trên nhu cầu người dân (Ảnh minh họa: Internet)

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT&TT vừa giới thiệu tới các bộ, ngành, địa phương về kinh nghiệm của Hàn Quốc trong triển khai trợ lý ảo phục vụ người dân sử dịch vụ Chính phủ số.

Tại Hàn Quốc, Bộ Nội vụ và An toàn cho ra mắt Dịch vụ trợ lý ảo cho công chúng (GoodPy) vào tháng 3/2021. Đây là một ứng dụng trên điện thoại thông minh, cung cấp dịch vụ hành chính và giải đáp thắc mắc cho người dân.

GoodPy là một ví dụ điển hình về loại hình dịch vụ công lấy người dân làm trung tâm; nhờ có kỹ năng số và công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ công bất cứ khi nào, bất cứ đâu và dựa theo nhu cầu cá nhân.

GoodPy được triển khai để thực hiện nhiều mục tiêu, bao gồm giảm bớt sự phức tạp liên quan đến người dùng khi tìm kiếm thông tin và dịch vụ mà họ cần; khắc phục hạn chế trong việc cung cấp các dịch vụ số và chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức; khuyến khích khu vực công sử dụng những dịch vụ số của khu vực tư nhân để đa dạng hóa các kênh cung cấp dịch vụ; đồng thời tích cực triển khai dịch vụ trợ lý ảo (chatbot) trong toàn chính phủ.

Cùng với đó, GoodPy còn cung cấp dịch vụ tư vấn và đề xuất tuỳ chọn cho người dùng dựa trên các ứng dụng được sử dụng phổ biến nhất ở Hàn Quốc như Naver, KakaoTalk, Toss… và cho phép thanh toán dịch vụ trên một màn hình để tối đa hóa sự tiện lợi.

Nhờ GoodPy, qua một kênh duy nhất, người dùng có thể nhận được các loại thông tin dịch vụ thiết yếu hằng ngày như: các chương trình phúc lợi, lịch hẹn tiêm chủng, quỹ cứu trợ Covid-19, ngày kiểm tra y tế, giao thông và các khoản thanh toán tiền phạt, gia hạn giấy phép lái xe, đào tạo lái xe cao cấp, đào tạo lái xe buýt trường học, đơn xin học bổng quốc gia, dịch vụ hải quan điện tử.

GoodPy nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Đến cuối năm 2021, đã có 14 triệu người đăng ký tài khoản, nghĩa là cứ 4 công dân Hàn Quốc thì có một người dùng trợ lý ảo này.

GoodPy đã giúp hơn 44 triệu người Hàn Quốc lên lịch cho 370 triệu cuộc hẹn tiêm chủng và hoàn thành chúng, đồng thời hướng dẫn trước cho người dùng về việc liệu họ có được hưởng Quỹ cứu trợ Covid-19 hay không, nó cũng giúp 90% người nhận được tiền cứu trợ trong vòng hai tuần kể từ khi nộp đơn.

Theo nhận xét của bộ phận thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, GoodPy là kết quả của mối quan hệ đối tác công - tư, góp phần phát triển chính phủ số thành công. Trong khi chính phủ cung cấp dịch vụ công nhanh chóng thông qua nhiều kênh khác nhau thì khu vực tư nhân tham gia bằng cách phát triển nhiều dịch vụ sáng tạo và liên kết các kênh cung cấp dịch vụ của họ với dịch vụ công. Sự hợp tác này mang lại lợi ích cho người dân, vì giờ đây họ có thể truy cập dịch vụ công một cách thuận tiện trên các ứng dụng của khu vực tư nhân.

Vân Anh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận