Dần triển khai 5G trong năm 2023

Dần triển khai 5G trong năm 2023

Tại diễn đàn chuyển đổi số sáng 21/3 ở Hà Nội, các diễn giả đánh giá công nghệ 5G đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, theo ông Ngô Diên Hy, Phó tổng giám đốc VNPT, triển khai 5G sẽ được thực hiện dựa trên việc tạo lợi ích cân bằng.

"Với 5G, chúng tôi thử nghiệm công nghệ năm 2019, cuối 2020 thử nghiệm thương mại. Đến khi đấu giá băng tần xong sẽ triển khai 5G trong 2023, nhưng ở mức độ và quy mô nhất định để dần tiếp cận thị trường", ông nói.

Theo ông Hy, mạng 5G có nhiều ưu điểm như độ trễ thấp, tốc độ cao, có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nhà máy thông minh, xe tự hành. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhu cầu với kết nối này và đang phối hợp cùng nhà mạng để thử nghiệm sớm. Tuy nhiên, để triển khai trên quy mô lớn, ông cho rằng cần có sự phát triển đồng đều ở cả phía cơ quan quản lý, nhà cung cấp, người dùng, doanh nghiệp và thiết bị đầu cuối.

"Ban đầu khi triển khai 2G, chi phí đầu tư lớn, phí thuê nhà trạm rất cao, dẫn đến cước phí cao. Sau đó, 3G và 4G có chi phí giảm dần", ông nói. Lý giải về vấn đề chưa mở rộng 5G, ông cho biết khách hàng và doanh nghiệp chưa có sự tương thích và nhu cầu cụ thể, nên chưa sử dụng hiệu quả công nghệ này. Do đó, nhà mạng sẽ ưu tiên vào thị trường ngách trước khi tiến tới thị trường đại chúng.

Ông Ngô Diên Hy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT phát biểu. Ảnh: BTC.

Việc triển khai 5G sẽ khác biệt so với các thế hệ kết nối di động trước đó. Ban đầu, dịch vụ 5G sẽ được cung cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp. Theo ông Ngô Diên Hy, với đặc điểm tốc độ cao, độ trễ thấp, 5G sẽ tạo ưu thế cho tăng cường năng lực sản xuất. Song song với đó, công nghệ mới cũng sẽ được ưu tiên thử nghiệm nhằm cung cấp dịch vụ cho những đơn vị đòi hỏi yêu cầu chuyên biệt.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết công nghệ 5G vẫn đang trong quá trình thử nghiệm mạng lưới và dịch vụ của doanh nghiệp. Trong hai năm qua, Việt Nam đã tham gia tiếp cận 5G rất sớm, ở cả phương diện quản lý nhà nước và triển khai mạng lưới, cung cấp dịch vụ.

"Việc thử nghiệm mang lại giá trị cho doanh nghiệp vì công nghệ 5G và kinh doanh trên mạng 5G thực sự khác biệt khi so với triển khai mạng trên công nghệ 4G, 3G hay 2G. Trước đây, triển khai mạng di động là nói đến vùng phủ, tốc độ tải lên, tải xuống. Còn hiện tại, tổ chức mạng lưới được định sẵn bởi nhà cung cấp, chất lượng mạng lưới được thực hiện theo nguyên tắc nỗ lực tốt nhất", ông Nhã nói.

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã phát biểu. Ảnh: BTC.

Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, cho rằng mỗi quốc gia và thị trường có cách thức và lộ trình triển khai. Hiện tại, Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến đầu tư năng động và hấp dẫn nhất trên thế giới nhờ nền kinh tế số phát triển nhanh chóng và chiến lược tập trung vào chuyển đổi số trên toàn quốc.

"Chúng tôi đánh giá cao tầm quan trọng của chuyển đổi số được hỗ trợ bởi 5G như một hạ tầng số quốc gia, là nhân tố chính giúp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả trong tất cả ngành, nhất là sản xuất chế tạo, hậu cần, nông nghiệp và năng lượng và nhiều ngành khác", ông Brunetti nói.

Minh Hoàng

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận