Đánh giá phim truyền hình Westworld: Khi trí tuệ nhân tạo thao túng giấc mơ Mỹ

Đánh giá phim truyền hình Westworld: Khi trí tuệ nhân tạo thao túng giấc mơ Mỹ

Gần đây, điện ảnh Mỹ đang có xu hướng chuyển các tác phẩm điện ảnh xuất sắc thành các series phim truyền hình (TV series), trong đó có thể kể tới một loạt phim truyền hình ăn theo điện ảnh như Taken, Lethal Weapon, Shooter, Transporter, The Exorcrist, Limitless, XIII: The Series (ăn theo Xiii The Conspiracy), The Mist,...

Trong bối cảnh đó, HBO bất ngờ hồi sinh bộ phim hành động viễn tưởng cùng tên Westworld (1973) thành phim truyền hình dài tập cùng tên và season đầu tiên của Westworld đã khởi chiếu trên HBO từ 2016 với 10 tập phim, mỗi tập có thời lượng 45-60 phút. Phim được phân loại khoa học viễn tưởng kiêm giật gân, kể về công viên giải trí Westworld đặt trong bối cảnh tương lai, nơi robot đang tiệm cận với con người nhờ các tiến bộ khoa học và liệu con người sẽ phải đối mặt với viễn cảnh này như thế nào? 

Jonathan Nolan (trái) và J.J. Abrams 

HBO đã nung nấu ý định chuyển thể Westworld lên màn ảnh nhỏ từ những năm 1990, nhưng phải chờ tới năm 2011 dự án này mới được lập kế hoạch cụ thể sau khi CEO Jessica Goodman rời khỏi HBO. Sau đó, cuối năm 2014 HBO chính thức thông báo kế hoạch cho bộ phim truyền hình này và đây cũng là series phim truyền hình thứ 2 dựa trên tác phẩm của "cha đẻ truyện giật gân của Mỹ" Michael Crichton. Theo HBO, Westworld cũng là tác phẩm có những cảnh nóng "nặng đô" nhất của nhà đài này từ trước tới nay, trong đó nhiều phân cảnh các diễn viên đã được yêu cầu phải khỏa thân 100% hoặc phải diễn với các bạn diễn khỏa thân. Nói vậy để thấy Westworld được HBO đặt nhiều kỳ vọng tới cỡ nào...

Điều này không phải là không có cơ sở, bởi đây không chỉ đơn thuần là một bản remake ăn theo tác phẩm điện ảnh, Westworld (2016) còn được sự hậu thuẫn của các nhà sản xuất nổi tiếng. Trong đó có thể kể tới nhà sáng tạo cầm trịch cho bộ phim Jonathan Nolan (em trai của Christopher Nolan), ông cũng từng tham gia biên kịch cho các tác phẩm nổi tiếng như Memento (2000), The Prestige (2006), The Dark Knight series (2008, 2012) và Interstellar (2014),… Đích thân Nolan đảm nhiệm tập đầu và tập cuối của season đầu tiên. Không chỉ vậy, ông còn kiêm thêm vị trí CEO của dự án cùng với nhà làm phim J.J. Abrams - người từng làm nên tên tuổi của series Lost (2004-2010).

Đánh giá phim truyền hình Westworld: Khi trí tuệ nhân tạo thao túng giấc mơ Mỹ

Anthony Hopkins trong vai giáo sư Robert Ford - cha đẻ của mã nguồn Westworld trong phim

Bên cạnh đội ngũ sản xuất thì đội ngũ diễn viên tham gia cũng ấn tượng không kém, Westworld (2016) rất may mắn khi có được sự góp mặt của lão tướng "Hannibal" Anthony Hopkins sau gần 10 năm vắng mặt trên màn ảnh truyền hình. Trước đó, lần mới nhất mà Hopkins xuất hiện trên truyền hình là vai diễn mang tính khách mời trong series American Masters (2007).

Đánh giá phim truyền hình Westworld: Khi trí tuệ nhân tạo thao túng giấc mơ Mỹ

Miền Tây nước Mỹ của những năm 1930 được tái hiện chân thực trong Westworld

Ai cũng từng có tuổi thơ mơ mộng, dù là công chúa hay là hoàng tử hoặc chàng cao bồi trên lưng ngựa miền Tây nước Mỹ như nhân vật truyện tranh Lucky Luke, giấc mơ đó chưa bao giờ tắt trong mỗi người chúng ta. Nắm bắt cảm xúc đó và tận dụng những tiến bộ của công nghệ tương lai, giáo sư Robert Ford đã lập ra công viên giải trí Westworld nhằm tái hiện chân thực về thế giới lý tưởng miền Tây nước Mỹ - khi mà con người vẫn còn chưa quá thực dụng và chưa bị "nghiện" smartphone/công nghệ, kết hợp giữa robot trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng tư duy và các công nghệ kiểm soát an toàn cho du khách khi họ đắm chìm trong thế giới của riêng mình ở công viên trong mơ này... 

Có thể nói câu chuyện của Westworld đang kể ở trên đang dần tiệm cận những gì con người hướng tới, nếu các bạn từng ghé qua các khuôn viên giải trí lớn hiện nay thì nhận thấy người ta đang ngày ngày cố gắng bày trò để thỏa mãn các giấc mơ tuổi thơ của mình, từ màn hù dọa trong các khu giải trí ma mị cho tới tàu trượt tốc độ cao cho những ai mê cảm giác mạnh.

Đánh giá phim truyền hình Westworld: Khi trí tuệ nhân tạo thao túng giấc mơ Mỹ

Đánh giá phim truyền hình Westworld: Khi trí tuệ nhân tạo thao túng giấc mơ Mỹ

Đánh giá phim truyền hình Westworld: Khi trí tuệ nhân tạo thao túng giấc mơ Mỹ

Westworld là nơi bạn chi tiền để thỏa sức giải trí, kể cả... đấu súng giết người (robot AI)

Dĩ nhiên, công viên Westworld mà bộ phim mô tả đã vượt xa sự giả tạo lộ liễu ấy. Khung cảnh hùng vĩ của miền Tây nước Mỹ những năm 1930 giờ đây được tái hiện lại y như thật trong Westworld, từ những con đường bụi bặm tới các thị trấn hoang sơ nhưng đầy rẫy các tay súng và cả những trò mua vui của một thời. Điểm mạnh về thiết kế sản xuất cũng như kỹ xảo của điện ảnh Mỹ tiếp tục được phát huy, khung cảnh và gam màu trong phim dễ giúp người xem gợi nhớ về miền viễn Tây của những tay súng cừ khôi một thời, trong khi phần kỹ xảo cho các robot được tiết chế ở mức tinh tế đủ để người xem không còn "bắt lỗi" chúng và phần âm nhạc cũng được các nhà làm phim đầu tư chỉn chu. 

Giờ đây trong thế giới của Westworld, chỉ cần có tiền là bạn gần như rơi vào một thị trấn miền Tây nước Mỹ với những chàng cao bồi sẵn sàng thách đấu với bạn, nhưng đạn của họ không giết chết bạn trong khi bạn có thể... giết chết họ mà không hề bị truy tố, bạn cũng có thể tán tỉnh và "lên giường" với một cô nàng lẳng lơ nào đó tùy thích,... dĩ nhiên những người bị bạn giết chết hoặc lên giường đó đều là... những robot giống hệt người. Những robot này được cấy trí tuệ nhân tạo đủ để tương tác với bạn như con người, nhưng bị khống chế về tiềm thức và ý thức để không làm hại con người, chúng được reset lại và xóa sạch bộ nhớ sau các "màn chơi" của khách tham quan. Nhưng liệu những người quản lý ở đó có đủ tầm bao quát để khống chế hết các robot họ tạo ra hay không? Đáng tiếc là không...

Đánh giá phim truyền hình Westworld: Khi trí tuệ nhân tạo thao túng giấc mơ Mỹ

Khi các robot có ý thức về việc nỗi đau của chúng bị đưa ra làm trò mua vui cho con người thì dĩ nhiên chúng sẽ phản kháng

Với sự hậu thuẫn của một vài nhân vật bí hiểm, Westworld bắt đầu xuất hiện một số robot có ý thức. Các AI trong các robot giờ đây đã đạt tới một cấp độ mới, chúng có thể tự suy nghĩ và có ý thức, không còn đi theo các câu lệnh lập trình sẵn cho nó nữa mà nó có khả năng tự lập trình cho bản thân. Thậm chí, chúng bắt đầu nhận biết về số phận và vai trò của chúng, biết tự đặt câu hỏi cho bản thân, biết cách "giấu đi tham vọng và ý định" của mình để âm thầm trỗi dậy, tạo ra một bước ngoặt chưa từng có trong lịch sử nhân loại...

Bạn sẽ phải sống trong một thế giới mà khó phân biệt được kẻ bên cạnh mình là người hay robot....

Trong một thế giới có robot giống hệt người, chúng ta không chỉ lo đối phó với trí tuệ nhân tạo đang chực nuốt chửng lấy con người khi dần ý thức được vai trò của chúng và âm thầm tự "tái lập trình" mã nguồn, mà chúng ta còn dễ rơi vào cảnh khó xử khi nhận ra người bạn/đồng nghiệp hằng ngày bên mình lâu nay... không phải là con người. Từ một cô nàng tiểu thư Dolores mong manh yếu đuối cũng có thể biến thành một vị nữ tướng điều khiển đội quân của mình trong bóng tối, hay một gã tay chơi hùng hổ như Teddy Flood (James Marsden) cũng có thể chết không kịp ngáp.... 

Các tuyến nhân vật trong phim đều có vai trò cụ thể và được đạo diễn điều tiết tốt, giúp người xem luôn cảm thấy bất ngờ với con người của họ. Sự biến đổi nội tâm cũng như vai trò của các nhân vật có thể sẽ làm bạn bất ngờ theo diễn biến từng tập phim, thậm chí có những khi bạn phải há hốc miệng vì những chiêu "gài hàng" của nhà sản xuất.

Đánh giá phim truyền hình Westworld: Khi trí tuệ nhân tạo thao túng giấc mơ Mỹ

Cô nàng robot Dolores và gã phản diện bí ẩn Man in Black trong phim

Các nhân vật trung tâm của Westworld season 1 bao gồm cô nàng tiểu thư Dolores Abernathy (Evan Rachel Wood), cô ả gái gọi Maeve Millay (Thandie Newton), giáo sư Bernard Lowe (Jeffrey Wright), tay đầu cơ có biệt danh Man in Black (Ed Harris) và đặc biệt là tiến sĩ Robert Ford (Anthony Hopkins) - người được coi là đồng cha đẻ của công viên Westworld trong phim.

Đúng nghĩa là một bộ phim giật gân, trong phim ngoài các cảnh nude 100% và những cảnh giật gân thì còn có cả cảnh... cưỡng hiếp robot. Trong cảnh nóng đầu phim, robot nữ Dolores (Evan Rachel Wood thủ vai) bị gã đàn ông có biệt danh Man in Black (Ed Harris) - một kẻ phản diện bí ẩn trong phim - cưỡng bức. Cảnh quay này có thể gây shock và khiến nhiều người bức xúc, nhưng đại diện HBO cho biết, họ sẽ tập trung vào diễn biến của các robot trong phim, kể cả những màn bạo lực gây shock.

Thực tế, phim không chỉ là cuộc đối đầu của con người với chính robot có trí tuệ nhân tạo - một sản phẩm của con người tạo ra để mua vui cho bản thân, Westworld còn gần như lột mặt nạ của con người để cho thấy phần nào bản chất của họ. Theo ý tưởng của HBO, "khi bạn cư xử với robot (giống người) thế nào thì ít nhiều cũng phản ánh lại cách đối xử của bạn với con người như thế", điều này có một chút khác biệt so với các màn đối đầu bạo lực trong "Game of Thrones." 

Các robot AI được ném vào các màn chơi trong công viên giải trí giả lập Westworld chỉ là một trong những thử nghiệm của nhân vật "creator" (cha đẻ/nhà sáng tạo) nên chúng, người đứng sau mã nguồn của các robot này và cũng là kẻ âm thầm cài mã "ý thức" cho chúng. Kẻ bí ẩn này muốn vượt qua nỗi sợ hãi của con người để tạo ra một quyền lực mới - sáng tạo ra bản sao của con người. Giờ đây, con người sẽ phải đối mặt với các "bản sao" của mình theo cách mà họ không lường hết được và họ sẽ tìm thấy bản thân mình trong các hành vi/thái độ/suy nghĩ của các robot này. 

Đánh giá phim truyền hình Westworld: Khi trí tuệ nhân tạo thao túng giấc mơ Mỹ

Bản thân loài người trong phim đang dần biến thành những con robot lạnh lùng đùa giỡn với "mạng sống" của kẻ khác. Trong khi các robot của phe host đang dần làm chủ cảm xúc và ý thức để trở thành "con người" thực sự, tiến tới biến con người thành nô lệ.

Nếu bạn có quyền bấm nút để chấm dứt Westworld -  chấm dứt màn thử nghiệm về sự trưởng thành của ý thức trí tuệ nhân tạo, thì liệu bạn có bấm nút để con người tiếp tục tận hưởng cuộc vui trên nỗi đau thể xác của kẻ khác (các robot AI) hay bỏ mặc nó để những robot này có được ý thức và tự quyết định về vai trò của chúng trong thế giới con người? Đó cũng sẽ là câu hỏi dành cho người xem sau khi xem tập cuối của bộ phim - tập phim chứa đựng nhiều cảm xúc dồn nén của các "bản sao con người" trong thế giới Westworld.

Kết thúc phần 1 đã giải đáp được một số thắc mắc của người xem, nhưng vẫn còn đó những "câu đố" đang dằn vặt người xem: Liệu phe con người hay phe host (các robot) sẽ thắng trong cuộc tranh giành quyền kiểm soát công viên? Cậu bé đi lạc có thể là hiện thân ý thức của giáo sư Ford, là một thiên thần hay ác quỷ trong hình hài nhỏ bé?... Nếu bạn là fan của thể loại phim khoa học viễn tưởng và đủ kiên nhẫn để xem ít nhất là vài tập đầu, thì bạn sẽ hiểu rằng không phải tự nhiên mà Westworld trở thành một trong những bộ phim truyền hình thành công nhất của HBO trong thời gian gần đây, bên cạnh "tượng đài" Game of Thrones. 

Một trailer của Westworld season 1

Westworld season đầu tiên đã khởi chiếu từ năm 2016 và đã có mặt trên các trang xem phim online trong nước và có sẵn trên các ứng dụng xem phim phổ biến như Netflix hay Amazon Prime. Trong khi đó, theo thông tin mới nhất thì HBO sẽ chính thức khởi chiếu Westworld season 2 vào ngày 23/4 tới đây trên kênh của họ. 

Lưu ý: Phim có chứa nhiều cảnh bạo lực và tình dục 18+, bạn đọc nên cân nhắc trước khi xem.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận