Đề nghị Samsung, Oppo đẩy nhanh triển khai phần mềm hỗ trợ IPv6

Đề nghị Samsung, Oppo đẩy nhanh triển khai phần mềm hỗ trợ IPv6

Đề nghị Samsung, Oppo đẩy nhanh triển khai phần mềm hỗ trợ IPv6

Buổi làm việc giữa Ban Công tác và Viettel sáng ngày 13/11

Theo đánh giá của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPV6 quốc gia tại buổi làm việc với tập đoàn Viettel ngày 13/11, trong thời gian qua Viettel đã triển khai tốt IPv6 cho dịch vụ FTTH, dịch vụ di động; đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của tỉ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam năm 2018, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm. Hiện đóng góp của tập đoàn vào tỉ lệ ứng dụng chung IPv6 Việt Nam là 11%.

Cụ thể, tỉ lệ ứng dụng IPv6 tăng trưởng từ 0,1% lên 12% trong năm 2018, số IPv6 users đạt hơn 1,1 triệu. Kết quả này có được là do Viettel đã triển khai IPv6 cho 1,2 triệu thuê bao FTTH và đã có khoảng 300.000 thuê bao di động 4G LTE hoạt động tốt với IPv6.

Viettel đã đàm phán với 4 nhà sản xuất thiết bị đầu cuối có tỷ trọng lớn nhất để nâng cấp phần mềm hỗ trợ IPv6 là Huawei, ZTE, Dasan, Nokia.

Dù vậy, Ban Công tác đánh giá số lượng thuê bao di động, thuê bao FTTH được kích hoạt IPv6 còn thấp so với tổng số lượng thuê bao mà tập đoàn cung cấp. Số lượng khách hàng là khối cơ quan nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp được tập đoàn cung cấp dịch vụ IPv6 chưa nhiều (dịch vụ đường truyền, dịch vụ IDC, DNS hay Web Hosting ...).

Tại buổi làm việc, ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Phó Trưởng Ban Công tác ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của Viettel vào sự tăng trưởng của tỉ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam.

Ông Trần Minh Tân đề nghị trong thời gian tới tập đoàn tiếp tục mở rộng kích hoạt IPv6 cho các thuê bao di động sử dụng các thiết bị đã hỗ trợ IPv6.

Cùng đó, truyền thông rộng rãi và có hướng dẫn để người dùng di động có thể tự kích hoạt IPv6 trên thiết bị di động thông minh. Hướng tới mục tiêu tối thiểu là 30% (theo tỉ lệ ứng dụng IPv6 chung của toàn cầu) thuê bao di động hoạt động tốt với IPv6 vào cuối năm 2019.

Ngoài ra, Viettel cần triển khai đồng loạt IPv6 cho các thuê bao FTTH trên các tỉnh/thành phố. Hướng tới mục tiêu tối thiểu là 30% khách hàng FTTH được sử dụng IPv6 vào cuối năm 2019. Viettel cần đẩy mạnh hỗ trợ cơ quan nhà nước trong công tác chuyển đổi IPv6 cho cổng thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và các ứng dụng CNTT do doanh nghiệp cung cấp.

Tiếp tục triển khai IPv6 cho các dịch vụ mà tập đoàn cung cấp như dịch vụ đường truyền, dịch vụ IDC, DNS và Web Hosting,...và các ứng dụng nội bộ (website, mạng văn phòng, Wi-Fi ...). Đồng thời, nghiên cứu triển khai IPv6 cho dịch vụ mới như IoT, Smart City...; sản xuất thiết bị, phần mềm với tỉ lệ tối thiểu đạt 30% hỗ trợ IPv6…

Tại buổi làm việc, ông Phan Thanh Sang, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Mạng lưới Viettel đề nghị Bộ TT&TT sớm ban hành các quy chuẩn Việt Nam cho các thiết bị đầu cuối di động, trong đó yêu cầu hỗ trợ các tính năng IPv6 trong thời gian tới.

Bộ TT&TT có kiến nghị với Samsung, Oppo về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai phần mềm hỗ trợ cho IPv6 cho các thiết bị đầu cuối đang hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt đối với các đầu cuối có số lượng người dùng lớn.

Ngoài ra, đại diện Viettel nhấn mạnh Bộ TT&TT, VNNIC cần xây dựng hệ thống dán nhãn và chứng nhận website hoạt động tốt với IPv6, thay thế cho các diễn đàn mở trên thế giới như ipv6forum, ipv6-test… để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thực hiện dán nhãn IPv6 ready nhanh chóng, thuận tiện.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận