Đồng Yên giảm có thể khiến các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm sang Nhật chịu lỗ

Đồng Yên giảm có thể khiến các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm sang Nhật chịu lỗ

Thị trường quan trọng của nhiều doanh nghiệp CNTT Việt Nam

Nhật Bản là một thị trường lớn của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam. Theo Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam , khoảng 55 - 60% hội viên hoạt động tại nước ngoài đang làm với đối tác Nhật Bản. Công việc trải rộng từ tư vấn, nghiên cứu phát triển (R&D) đến lập trình, kiểm thử, nhập liệu BPO… trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, sản xuất, thương mại điện tử, giải trí, bán lẻ…

Đồng Yên giảm có thể khiến các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm sang Nhật chịu lỗ
Nhật Bản là một trong những thị trường lớn của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam.

Thời gian gần đây, một số dự án ở tầm cao như tư vấn, R&D với công nghệ cao ngày càng đa dạng hơn. Đa phần những hợp đồng chuyển sang đều do doanh nghiệp Việt Nam làm hết các khâu phục vụ khách hàng của đối tác Nhật. Hình thức hợp tác cũng chuyển dịch từ mô hình dự án sang thuê trọn dịch vụ từ tư vấn, phát triển, vận hành, bảo dưỡng và làm theo phương pháp Agile. Ngoài ra, thuê nhân sự trọn gói theo yêu cầu cũng là hình thức hợp tác thông dụng nhất.

“Một xu hướng nữa là một số doanh nghiệp Việt Nam triển khai mô hình hợp tác với startup Nhật bằng cách tính chi phí một phần, một phần tính ra cổ phần và có thể bán lại cho công ty trong tương lai khi startup tăng trưởng tốt. Như vậy, phần thu lại của doanh nghiệp Việt Nam sẽ được nhiều hơn việc đơn thuần hợp tác theo dự án thông thường”, đại diện VINASA thông tin thêm.

Trao đổi với ICTnews, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA cho biết, tốc độ tăng trưởng hợp tác với thị trường Nhật nhanh chóng. Tiềm năng thị trường còn rất lớn do tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT ở Nhật.

Mặt khác, các hệ thống CNTT tại Nhật đã phát triển từ lâu nên cần cập nhật công nghệ mới, bảo trì, bảo dưỡng. Vì thế, nguồn công việc thuê ngoài từ Nhật sẽ rất lớn.

Nguy cơ doanh nghiệp bị “bào mòn” lợi nhuận

Đồng Yên Nhật vốn dĩ là một ngoại tệ mạnh, ổn định và được nhiều nhà đầu tư trên thế giới coi như một loại tài sản “trú ẩn” an toàn mỗi khi thế giới có bất ổn chính trị hoặc kinh tế. Thế nhưng, trong gần 1 năm vừa qua, đồng Yên bị sụt giảm giá trị đáng kể so với USD.

Cụ thể, trong khoảng 5 năm từ 2020 trở về trước, khoảng giá trị ổn định của Yên so với USD là 1 USD bằng 105 - 115 Yên. Nhưng bắt đầu từ quý I/2021, đồng Yên giảm về giá trị 121 yên/ USD, tức là giảm 10%. Hết quý II/2021, đồng Yên giảm tiếp 22%, có tỷ giá là 135 Yên bằng 1 USD và hiện nay giá trị đồng Yên là 139 yên/USD , tức giảm 26% so với mức giá trị ổn định trong các năm trước.

Theo ông Lê Quang Lương, Tổng giám đốc Công ty phần mềm Luvina, Chủ tịch Câu lạc bộ Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản (VJC), Nếu so với giá trị tốt nhất của đồng Yên vào tháng 1/2021 là 102 Yên/USD thì giá trị của đồng tiền này đã giảm 36%. Trong khi đó, tiền VND lại được cố định so với USD, bởi vậy khi doanh nghiệp đổi Yên sang VND cũng bị mất giá tương tự.

Khách hàng Nhật Bản có văn hóa khá truyền thống là thanh toán các hợp đồng mua dịch vụ từ Việt Nam bằng Yên chứ không phải USD. “Vì thế, với Luvina nói riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm và dịch vụ CNTT sang Nhật nói chung, khoảng sụt  giảm sẽ từ 22% hoặc 36% trên doanh thu VND, trong khi chi phí không thay đổi hoặc phần lớn bị tăng lên. Điều này chắc chắn sẽ bào mòn lợi nhuận và có thể gây lỗ cho doanh nghiệp trong năm 2022”, ông Lê Quang Lương phân tích.

Để tìm giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ việc đồng Yên giảm giá trị, VINASA, trực tiếp là Câu lạc bộ VJC đã tổ chức buổi trao đổi giữa các doanh nghiệp hội viên cùng bàn cách thức vượt khó.

Từ buổi trao đổi này, nhiều ý kiến đã được đưa ra như: đàm phán mức giá mới trên cơ sở tiền Yên đã giảm giá so với 1 năm trước đây hoặc mềm dẻo hơn là đàm phán một quy tắc thay đổi giá theo tỉ lệ biến đổi của đồng Yên so với USD; đàm phán các hợp đồng mới bằng USD chứ không bằng tiền Yên. Nếu đồng Yên tiếp tục giảm sâu, có thể cân nhắc việc tổ chức thực hiện dịch vụ phần mềm bằng nhân sự làm việc tại Nhật - nơi không bị ảnh hưởng bởi đồng Yên giảm gi. Ngoài ra, xem xét cắt giảm những chi phí không cần thiết trong doanh nghiệp hoặc cắt giảm các khoản đầu tư ngắn hạn; tìm kiếm nguồn thu mới từ những thị trường thanh toán bằng tiền USD như Âu Mỹ…

Chủ tịch VJC nhận định, những biện pháp tăng giá theo biến đổi giá trị của đồng Yên hoặc đàm phán lại mặt bằng giá mới chắc chắn đem lại hiệu quả tức thời. Nhưng trong dài hạn, biện pháp này sẽ bị thử thách bởi sự cạnh tranh từ những quốc gia có mặt bằng giá thấp hơn và cách vượt lên của chúng ta vẫn là nâng cao giá trị trong chuỗi giá trị gia tăng quốc tế. Thị trường CNTT tiếp tục tăng nóng sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và sản phẩm có giá trị cao.

“Con đường tất yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là phải nâng cao năng suất và chất lượng dịch vụ, giá trị dịch vụ sao cho tiệm cận đến trình độ của các doanh nghiệp đi trước tại Trung Quốc hoặc tại chính Nhật Bản để có thể nhận được mức giá cao hơn mà khách hàng vẫn hài lòng”, đại diện VJC nhấn mạnh.

Vân Anh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận