"Ăn bánh bao, làm đồ mộc": Vì sao ai cũng thích xem kênh Youtube có nội dung đồng quê, món ăn dân dã?

"Ăn bánh bao, làm đồ mộc": Vì sao ai cũng thích xem kênh Youtube có nội dung đồng quê, món ăn dân dã?

Cuộc sống nông thôn

Vào một ngày xuân đầy nắng, Wang Min, hay còn được gọi với biệt danh Chị Xia, hái bồ công anh dại ở vùng núi phía tây bắc tỉnh Thiểm Tây.

Cô nấu bồ công anh trong sân, trộn chúng với trứng và thịt lợn băm, thứ sau đó được dùng làm nhân cho nồi bánh bao khổng lồ. Gia đình cô quây quần ngoài sân thưởng thức món bánh trong tiếng gà gáy.

Cảnh tượng bình dị được ghi lại trong video có tựa đề "Xia dùng bồ công anh để làm bánh bao, nó ngon quá", thu hút hơn 120.000 lượt xem trên YouTube, nơi Chị Xia có hơn 600.000 người đăng ký.

"Những chiếc bánh bao đó trông thật mềm và bông xốp!", một người hâm mộ đến từ Argentina để lại bình luận. "Bạn và chồng thật đáng yêu", người khác cảm thán.

Mặc dù YouTube không khả dụng ở Trung Quốc nhưng những người sáng tạo nội dung ở vùng nông thôn như Chị Xia vẫn thu hút được hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người hâm mộ trên nền tảng nhờ các công ty chuyên xuất khẩu nội dung đại lục sang mạng xã hội toàn cầu.

"Ăn bánh bao, làm đồ mộc": Vì sao ai cũng thích xem kênh Youtube về đồng quê, món ăn dân dã? - Ảnh 1.

Các công ty được mô tả như những nhà môi giới văn hóa xuyên lục địa. Họ tuyển dụng các nhà sáng tạo trong nước và lồng tiếng nước ngoài cho video, chia sẻ nội dung, tạo doanh thu trên các nền tảng quốc tế như YouTube, Instagram và TikTok.

"Tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến việc chia sẻ nội dung trên các nền tảng ở nước ngoài", Chị Xia, 36 tuổi, nói với Rest of World.

Vào năm 2019, cô bắt đầu đăng tải video nấu ăn do chồng quay và chỉnh sửa lên ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc như Toutiao, Douyin, Kuaishou và Bilibili. Điều này đã thu hút sự chú ý của công ty chuyên về ảnh hưởng có tên Xiaowu Brothers. Cùng nhau, họ ra mắt kênh YouTube đầu tiên của Chị Xia vào cuối năm đó.

Mặc dù Chị Xia chưa bao giờ sử dụng YouTube nhưng kênh của chị hiện đóng góp 20% thu nhập từ việc làm video, người chồng Chen Lang cho biết.

So với các trang mạng xã hội trong nước, nơi những người sáng tạo kiếm tiền phần lớn bằng cách bán sản phẩm, YouTube cho phép họ có thu nhập mà không cần tốn nhiều công sức. Nền tảng này chia sẻ 45% đến 55% doanh thu với chủ kênh.

Theo Charles Zhang, giám đốc điều hành của Xiaowu Brothers, công ty đã ra mắt các kênh YouTube, Facebook, Instagram hoặc TikTok cho khoảng 5.000 người có ảnh hưởng ở Trung Quốc.

Zhang nói công ty tuyển dụng những người có ảnh hưởng từ mạng xã hội và hy vọng sẽ thu hút thêm 2.000 người nữa trong năm 2023.

Những đối tác nổi tiếng nhất có thể kể đến Ông nội Amu, người có ảnh hưởng về làm đồ mộc; diễn viên hài GuiGe, được biết đến với loạt tiểu phẩm hài kịch về cuộc sống gia đình; và Lin Guoer, một phụ nữ trẻ tự quay thước phim sửa chữa động cơ diesel ở vùng nông thôn.

"Ăn bánh bao, làm đồ mộc": Vì sao ai cũng thích xem kênh Youtube về đồng quê, món ăn dân dã? - Ảnh 2.

Thành công từ những thứ dân dã

"Những nhà sáng tạo ở vùng nông thôn Trung Quốc thành công trên YouTube vì không có nội dung tương tự ở nước ngoài", Zhang lý giải.

Công ty thường đăng lại các video về hài kịch, ẩm thực và phong cách sống vì chúng mang tính giải trí, dễ hiểu, dễ cảm nhận, bất chấp rào cản ngôn ngữ.

Không công bố số tiền cụ thể, nhưng các kênh YouTube mà công ty này quản lý đều kiếm được vài nghìn USD mỗi tháng (tương ứng với cả trăm triệu đồng).  

Sự bùng nổ video ngắn ở Trung Quốc đã tạo ra lượng lớn các nhà sáng tạo ở nông thôn.

Theo Zhen Troy Chen, giảng viên cao cấp tại Đại học London, người nghiên cứu nền kinh tế sáng tạo Trung Quốc, các video của họ thu hút cư dân thành thị ở đại lục và nước ngoài, những người đang tìm nơi ẩn náu trước sự căng thẳng của cuộc sống thành phố.

Chủ đề quay về với thiên nhiên và bảo tồn di sản nông nghiệp trong các video đã gây tiếng vang với khán giả từ các nền văn hóa khác nhau.

"Ăn bánh bao, làm đồ mộc": Vì sao ai cũng thích xem kênh Youtube về đồng quê, món ăn dân dã? - Ảnh 3.

Lý Tử Thất, nhà sáng tạo có kênh YouTube tiếng Trung có nhiều người đăng ký nhất, cũng trở nên nổi tiếng khi chia sẻ về cảnh sắc cuộc sống nông thôn bình dị.

Cô được truyền thông ca ngợi như hình mẫu "kể những câu chuyện hay về Trung Quốc" và được trao một loạt danh hiệu chính thức như "hình mẫu trẻ hóa nông thôn" và "đại sứ trà Trung Quốc".  

Chị Xia gần đây cũng nhận được giải thưởng May Day của chính phủ, tôn vinh người lao động xuất sắc.

Lớn lên trong gia đình nghèo khó, cô phải bỏ học tiểu học vì bố mẹ không có tiền đóng học phí.

Theo Xiaowu Brothers, mặc dù chưa bao giờ rời khỏi đất nước nhưng cô vẫn có rất nhiều người mến mộ từ khắp nơi trên thế giới - nhiều trong số đó đến từ Nga và Mỹ. Chị Xia đôi khi vẫn đọc bình luận của người hâm mộ thông qua bản dịch tự động.

Một nhóm người hâm mộ YouTube từ Canada, Singapore và Mỹ đã từng liên hệ với cô thông qua mạng xã hội Trung Quốc và lên kế hoạch đến thăm Thiểm Tây.

Mặc dù không thể thực hiện chuyến đi do hạn chế đi lại vì Covid-19 nhưng Chị Xia rất vui khi biết rằng người nước ngoài muốn đến thăm nhà.

"Tôi là người làng. Nếu có thể đưa bạn bè từ nước ngoài đến miền bắc Thiểm Tây thì thật tuyệt", cô nói.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận