eSports là một môn thể thao thực thụ, và đã đến lúc nó tiến tới Olympic

eSports là một môn thể thao thực thụ, và đã đến lúc nó tiến tới Olympic

Tuy không được nhiều người công nhận, nhưng thể thao điện tử chuyên nghiệp (competitive video gaming) thu hút rất nhiều khán giả trẻ và xứng đáng được đứng ngang hàng với các sự kiện khác tại Thế vận hội.

eSports là một môn thể thao thực thụ, và đã đến lúc nó tiến tới Olympic

Làm thế nào để chúng ta có thể so sánh những môn thể thao Olympic khác nhau, khi giải đấu vừa có thi điền kinh 400m, vừa có thi bắn súng trường? (ảnh: Isaac Lawrence/Một hãng tin quốc tế)

Theo Guardian, hình ảnh của một vận động viên Olympic thường gắn liền với sức mạnh về thể chất vượt trội, một thân hình vạm vỡ được hoàn thiện sau nhiều năm trời chăm sóc và chuẩn bị một cách kĩ lưỡng. Chúng ta kỳ vọng những con người này sẽ có thể thực hiện những điều phi thường, những điều mà người thường chỉ dám nghĩ đến trong giấc mơ. Đó là lí do vì sao có rất nhiều người tỏ thái độ khinh miệt với khái niệm thể thao điện tử chuyên nghiệp, hay còn biết đến với cái tên eSports, và việc nó nên đứng ngang hàng với các môn thể thao Olympic khác. Nhưng đây là một lối suy nghĩ cần phải được sửa lại.

eSports đang được nói đến như là một sự kiện có tiềm năng kiếm huy chương tại Thế vận hội Paris 2024, nhưng có rất nhiều rào cản để điều này trở thành hiện thực, khi Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach đã nói rằng eSports trái với "các quy tắc và giá trị của thể thao Olympic".

Nhưng lĩnh vực non trẻ này vẫn đang thu hút sự chú ý và tài trợ mà không cần đến sự công nhận của IOC. Năm ngoái, CNN ghi nhận rằng lượng khán giả eSports trên toàn cầu đã tăng lên 292 triệu người, và có nhiều dự đoán con số sẽ tăng lên gần gấp đôi vào năm 2019. Doanh thu toàn thế giới của eSports hiện được ước tính vào khoảng 463 triệu USD và vẫn đang không ngừng tăng lên. Tại nhiều quốc gia, các khán giả lấp đầy sân vận động hay nhiều địa điểm tổ chức hòa nhạc để theo dõi các đội cạnh tranh với nhau trong hàng loạt những giải đấu thể thao điện tử. Không chỉ vậy, mọi người từ khắp nơi trên thế giới vẫn có thể theo dõi các giải đấu tại ngôi nhà tiện nghi của mình thông qua live stream (thuật ngữ chỉ việc truyền tải nội dung trực tiếp qua internet): Yahoo có hẳn một kênh Youtube riêng cho môn thể thao này. Năm 2014, Amazon đã trả 970 triệu USD để mua lại Twitch, một nền tảng cho phép người dùng có thể tự live stream hay theo dõi những người khác chơi trò chơi điện tử.

Một số người giữ vững quan điểm rằng Thế vận hội nên tập trung vào các khái niệm truyền thống về thể chất. Nhưng nhìn thoáng qua về lịch sử của Olympic, IOC đã từng trao huy chương cho quy hoạch thị trấn, vẽ, thơ ca và hơn thế nữa. Ngay cả huấn luyện ngựa cũng là một môn thể thao. Olympic có một lịch sử lâu đời và kỳ lạ, và những tiêu chuẩn của nó hiếm khi được cố định một cách rành mạch.

Làm thế nào để chúng ta có thể so sánh các môn thể thao Olympic khác nhau, với những đòi hỏi về thể chất khác nhau, khi chúng ta vừa có bộ môn chạy 400m, vừa có thi bắn súng trường ở trong cùng một giải đấu? Thứ được người này yêu cầu chưa chắc người kia đã muốn, nên không có một biện pháp khách quan nào để làm điều đó cả. Chưa kể, một số nghiên cứu còn cho rằng các vận động viên eSports cũng là vận động viên theo thuật ngữ truyền thống.

Tất nhiên, thể thao vẫn là thể thao dù IOC có công nhận nó hay không. Cricket chưa bao giờ được đưa vào Olympic, và bóng quần (squash) cũng vậy. Chúng vẫn thu hút được đám đông, và những người chơi giỏi nhất, đặc biệt là trong trò cricket, đều là những cái tên quen thuộc ở nước ngoài.

eSports là một môn thể thao thực thụ, và đã đến lúc nó tiến tới Olympic

Xạ thủ người Belarus Sergei Martynov tại vòng loại cho bộ môn bắn đĩa cự li 50m tại Thế vận hội 2012 (ảnh: Rebecca Blackwell)

Tuy nhiên, sự công nhận ấy vẫn là một điều quan trọng. Irwin Kishner, một chuyên gia về luật thể thao tại Herrick chia sẻ: "Nhiều môn thể thao muốn có được sự công nhận của Olympic vì đó là cách để chúng được trình diễn trước toàn thế giới, và thu hút được sự quan tâm của người hâm mộ".

Trong khi eSports vẫn đang phát triển, nó không nhất thiết phải được chấp nhận một cách rộng rãi. Cricket có một lịch sử lâu dài mà không cần sự công nhận của Olympic. eSports vẫn còn trẻ, người chơi nó trẻ và khán giả của nó cũng trẻ. Sự hắt hủi đối với eSports gắn liền với việc những người lớn tuổi xem nhẹ tầm quan trọng của giới trẻ, và những trò chơi này chỉ là thú vui "dở hơi" và nhất thời.

eSports là cơ hội để những người trẻ tuổi có thể theo đuổi niềm đam mê, thi đấu chuyên nghiệp và hơn thế nữa, thậm chí là kiếm sống bằng nó – nói cho cùng thì đó cũng là những lí do mà chúng ta ủng hộ những môn thể thao nói chung.

Cuối cùng, mục tiêu của Olympic 2020, theo Quartz ghi nhận là "tập trung chủ yếu vào việc thu hút khán giả trẻ và tối đa hóa sự phổ biến của Thế vận hội". Vì vậy, sự chối bỏ của ông Thomas Bach dường như đi ngược lại với những gì mà IOC đang hướng tới. Hơn nữa, eSports sẽ được công nhận là một môn thể thao chính thức tại Asian Games 2022 được đăng cai ở Trung Quốc.

Trong khi eSports phát triển ở tầm cỡ thế giới, những lập luận chống lại việc đưa nó trở thành một môn thể thao chính thức, xứng đáng với huy chương Olympic dường như thật thừa thãi.

Văn Hoàn

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận