Facebook đóng phạt lộ dữ liệu 87 triệu người nhưng không nhận sai

Facebook đóng phạt lộ dữ liệu 87 triệu người nhưng không nhận sai

Dù đồng ý đóng phạt hơn nửa triệu bảng Anh nhưng Facebook không thừa nhận bất kỳ hành vi sai trái nào trong vụ scandal Cambridge Analytica như một phần thỏa thuận.

Engadget đưa tin ngày 30/10, Facebook đã đồng ý đóng khoản phạt 644.000 USD cho Văn phòng Ủy viên Thông tin Anh vì vai trò trong vụ scandal Cambridge Analytica. Dù đóng phạt nhưng Facebook không thừa nhận bất kỳ hành vi sai trái nào như một phần của thỏa thuận.
Khoản tiền phạt trên lần đầu được báo cáo vào ngày 10/7/2018 nhưng sau đó Facebook đã kháng cáo. Theo Facebook, ICO không có đủ bằng chứng để kết luận rằng dữ liệu cá nhân của công dân Anh bị Cambridge Analytica dùng cho mục đích xấu.
Đơn kháng cáo của Facebook bị phía ICO bác bỏ vài tháng sau đó. Hiện tại, cả 2 bên đã đạt được thỏa thuận dàn xếp mọi việc. Theo đó, Facebook sẽ đóng tiền phạt và hủy bỏ việc kháng cáo nhưng kiên quyết không thừa nhận các trách nhiệm pháp lý.
Facebook dong phat lo du lieu 87 trieu nguoi nhung khong nhan sai
Thông tin cá nhân của người dùng tại nhiều quốc gia bị Cambridge Analytica thu thập. Ảnh: Facebook. 
Về mặt tài chính, có thể nói Facebook đã có một thắng lợi lớn. Mức phạt 500.000 bảng là khung hình phạt tối đa theo luật khi vụ scandal Cambridge Analytica xảy ra.
Theo BBC, số tiền phạt Facebook phải chịu có thể sẽ lớn hơn gấp nhiều lần nếu vụ scandal bị đem ra ánh sáng vào tháng 5/2018, khi bộ luật Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDRP) được ban hành tại châu Âu. Cụ thể, số tiền phạt có thể lên đến 18 triệu bảng Anh.
Cả 2 mức phạt trên đều chẳng thấm vào đâu nếu so với khoản tiền kỷ lục 5 tỷ USD mà Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC) đã buộc Facebook phải trả cho các vi phạm dữ liệu trong scandal Cambridge Analytica. Thậm chí sau khi án phạt được công bố, cổ phiếu Facebook đã tăng mạnh.
"Facebook rất vui mừng vì đạt được thỏa thuận với ICO. Chúng tôi chỉ ước rằng đã làm nhiều thứ hơn để điều tra các khiếu nại về Cambridge Analytica vào năm 2015. Sau scandal này, Facebook đã thực hiện nhiều thay đổi lớn và hạn chế đáng kể quyền truy cập thông tin đối với những nhà phát triển", Harry Kinmonth - phó luật sư của Facebook nói.
Phía Facebook khẳng định bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của người dùng vẫn là ưu tiên hàng đầu công ty. Ngoài ra, Facebook cũng cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với ICO để điều tra về việc các dữ liệu phân tích được sử dụng cho mục đích chính trị.

Phương Thảo

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận