Gần 50% thực khách Việt đồng lòng chọn một app giao đồ ăn nếu mọi nền tảng đều không có khuyến mãi, người dùng dần chấp nhận không miễn phí vận chuyển

Gần 50% thực khách Việt đồng lòng chọn một app giao đồ ăn nếu mọi nền tảng đều không có khuyến mãi, người dùng dần chấp nhận không miễn phí vận chuyển

iPOS.vn - doanh nghiệp cung cấp giải pháp quản lý ngành F&B vừa công bố Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2023, dựa trên nghiên cứu gần 3.000 nhà hàng/quán cà phê cùng gần 4.000 thực khách trên toàn quốc, kết hợp nhiều nguồn dữ liệu của các đơn vị nghiên cứu thị trường uy tín, phỏng vấn chuyên sâu gần 100 chuyên gia F&B tại Việt Nam.

Hơn 13 triệu khách trên thị trường giao đồ ăn

Theo báo cáo này, quy mô thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam năm 2023 đã tăng gần 9.000 tỷ đồng so với năm trước đó, lên mức 52.400 tỷ đồng, với hơn 13 triệu khách. Con số này chứng minh thói quen đặt đồ ăn online của người Việt ngày càng phổ biến bởi nhiều tiện ích.

Theo iPOS, đây là "mảnh đất màu mỡ" mà các doanh nghiệp F&B có thể khai thác hiệu quả song song với hình thức bán hàng tại chỗ. Năm vừa qua cũng chứng kiến sự tăng trưởng số lượng cửa hàng trực tuyến trên các ứng dụng giao đồ ăn.

Tuy vậy, thị phần cửa hàng trực tuyến gần như giữ nguyên so với năm 2022. Khảo sát cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đang dùng ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến chỉ chiếm khoảng 53,1% (với điều kiện phát sinh ít nhất 5 đơn hàng mỗi tuần).

Lý giải cho điều này, iPOS cho biết một số lượng lớn cửa hàng cũng dừng hoạt động trên các ứng dụng giao đồ ăn. Đồng thời, lượng cửa hàng F&B mới khai trương nhưng chưa bán online vẫn còn khá cao. Do vậy, nhìn chung thị trường giao đồ ăn trực tuyến còn nhiều dư địa để tăng trưởng thị phần, khi mới chỉ có hơn 50% doanh nghiệp tham gia vào cuộc chơi khốc liệt này.

Gần 50% thực khách Việt đồng lòng chọn một app giao đồ ăn nếu mọi nền tảng đều không có khuyến mãi, người dùng dần chấp nhận không miễn phí vận chuyển- Ảnh 1.

ShopeeFood chiếm được nhiều cảm tình của người Việt nhất, BeFood tăng tốc giành thị phần

Với 42,94% doanh nghiệp sử dụng, ShopeeFood đang là kênh bán đồ ăn trực tuyến phổ biến nhất tại Việt Nam, cao hơn 2,33% so với vị trí thứ hai là GrabFood. Năm 2023 chứng kiến sự mở rộng thị trường mạnh mẽ của ứng dụng này tại các thành phố loại II, III.

Một con số thú vị khác là 47,6% thực khách lựa chọn ShopeeFood nếu tất cả các ứng dụng giao đồ ăn đều không có khuyến mãi.

Với khảo sát này của iPOS, 3.018 đáp viên chỉ được lựa chọn một ứng dụng mà họ thích sử dụng nhất. Các yếu tố được yêu thích có thể bao gồm: Chăm sóc khách hàng tận tâm, giao diện thân thiện với người dùng, vận chuyển nhanh chóng, shipper thân thiện…

Gần 50% thực khách Việt đồng lòng chọn một app giao đồ ăn nếu mọi nền tảng đều không có khuyến mãi, người dùng dần chấp nhận không miễn phí vận chuyển- Ảnh 2.

Năm 2023 còn chứng kiến khả năng mở rộng thị phần mạnh mẽ của BeFood, với hơn 10,84% doanh nghiệp đăng ký sử dụng. Đáng chú ý ở chỗ, BeFood mới chỉ hoạt động tại 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM.

Hồi năm 2019, Be Group – công ty phát triển nền tảng đa dịch vụ Be - từng phải hoãn kế hoạch ra mắt BeFood sau 6 tháng nghiên cứu và chuẩn bị, nhằm dồn lực cho "cuộc chiến gọi xe". Tới tháng 4/2022, tính năng BeFood mới được triển khai.

Theo iPOS, ứng dụng gây nhiều tiếc nuối nhất là Baemin với 7,52% doanh nghiệp đăng ký sử dụng, nhưng đã rời thị trường Việt Nam từ 0h ngày 8/12/2023 sau hành trình dài gần 5 năm. Theo khảo sát, ứng dụng này được nhiều thực khách trẻ tuổi yêu mến nhất, do có thiết kế đẹp và thông điệp truyền thông sáng tạo.

Về mặt đem lại doanh thu cho doanh nghiệp, kết quả khảo sát cho thấy GrabFood và ShopeeFood đang đồng thời là các nguồn doanh thu cao nhất cho các cửa hàng, với tỷ lệ xấp xỉ nhau (khoảng 41%). Con số này với GoFood là 1,9%, BeFood là 1,6%. Những ứng dụng còn lại khoảng 11,6%, hầu hết nằm tại các khu vực ngoài vùng hoạt động của 2 ông lớn "màu cam và xanh lá".

Thực khách dần quen với đơn hàng không khuyến mãi, không miễn phí vận chuyển

Theo iPOS, nửa cuối năm 2023 chứng kiến sự siết chặt "ngạt thở" của các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến, do các đơn vị giảm chương trình khuyến mãi và tăng phí vận chuyển. Lượng đơn và tần suất đặt hàng cũng ghi nhận giảm nhẹ, nhưng giá trị cho từng đơn hàng lại gia tăng.

Lý giải cho điều này, iPOS cho biết thực khách online đã dần quen với đơn hàng không khuyến mãi và không miễn phí vận chuyển. Đồng thời, xu hướng đặt hàng theo nhóm (cùng với đồng nghiệp, bạn bè) cũng gia tăng.

Theo báo cáo, 20,4% thực khách không đặt hàng online trong năm 2023, tăng 7,4% với năm 2022. Nguyên nhân đến từ nhiều lý do, nhưng phần đông đáp viên cho rằng họ có thể chủ động đến tận nơi mua đồ để tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Tuy vậy, tần suất đặt hàng online của người Việt vẫn ở mức cao, với 29,4% gọi giao đồ ăn từ 1-2 lần/tuần, và 20% gọi giao đồ ăn từ 3-4 lần/tuần.

Minh Anh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận