Những ngày này, nạn kẹt xe trên các tuyến đường vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) ngày càng trầm trọng. Liệu trong 4 giải pháp (metro, hầm chui, cáp treo, đường trên cao), giải pháp nào khả thi và mang lại hiệu quả tốt nhất?
Kẹt xe trên đường Trần Quốc Hoàn, hướng từ sân bay Tân Sơn Nhất ra
Metro
Mới đây, UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư xem xét trình Thủ tướng về đầu tư dự án tuyến metro số 4b, nối từ công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình).
Theo đó, tuyến metro dài 2km, bắt đầu từ sân bay Tân Sơn Nhất đi theo đường Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn và kết nối với tuyến metro số 5 giai đoạn 1 tại ga metro Lăng Cha Cả (sẽ được xây dựng tại công viên Hoàng Văn Thụ).
Tuyến metro này sẽ trung chuyển hành khách ra vào sân bay. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.523 tỉ đồng. Dự kiến đến quý 1/2019 khởi công và hoàn thành vào năm 2024.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP, tuyến metro này hoàn toàn đi ngầm trong lòng đất từ công viên Hoàng Văn Thụ đến cửa nhà ga quốc tế và từ đây kết nối bằng tuyến đường hầm đi bộ đến cửa nhà ga nội địa.
Tuyến metro này sẽ kết nối với tuyến metro số 5 ngã tư Bảy Hiền (Q.Tân Bình) - cầu Sài Gòn (Q.Bình Thạnh) và tuyến metro số 5 được kết nối với tuyến metro số 2 Bến Thành (Q.1) - Tham Lương (Q.12) và tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (Q.9).
Như vậy, hành khách đi từ sân bay Tân Sơn Nhất có thể đi nhiều hướng về trung tâm TP hoặc các tuyến đường cửa ngõ TP.
Dự án tuyến metro 4b đã được Chính phủ Hàn Quốc viện trợ vốn không hoàn lại để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đã được Công ty tư vấn SAMBO Hàn Quốc hoàn thành vào tháng 11/2016.
Đến nay, dự án này đang đề nghị phía Hàn Quốc nghiên cứu khả thi từ vốn hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc.
Đường hầm
Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh đã đề xuất đến UBND TP dự án xây dựng đường hầm kết nối đường vào sân bay Tân Sơn Nhất với tổng kinh phí đầu tư 370 tỉ đồng.
Cụ thể, xây đường hầm dài 785m (hầm kín 485m và hầm hở 300m), rộng 2 làn xe, cho xe lưu thông từ đường Phan Đình Giót băng qua giao lộ Hoàng Văn Thụ về Nguyễn Văn Trỗi vào trung tâm TP.
Đơn vị này cũng đề xuất mở rộng đường Trần Quốc Hoàn bằng cách dỡ bỏ dải phân cách trồng cây xanh để mở rộng làn xe lưu thông trên đường này.
Cáp treo
Công ty cổ phần Bilco đã đề xuất với Sở GTVT TP dự án làm cáp treo từ công viên Hoàng Văn Thụ hoặc công viên Gia Định vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo ông Vũ Huy Thắng, giám đốc Công ty cổ phần Bilco, dự án với kinh phí khoảng 500 tỉ đồng, chỉ bằng 1/10 làm metro. Đặc biệt, thời gian thi công nhanh trong vòng 10 tháng là có thể đưa vào hoạt động.
Theo ông Thắng, công suất của cáp treo có thể đạt 3.000 người/lượt/giờ. Nếu áp dụng công nghệ mới có thể chở được 4.000 - 4.500 người/lượt/giờ.
Trường hợp hành lý quá lớn thì sẽ không vận chuyển bằng cáp treo mà để tại vị trí check-in ở công viên liên quan, sẽ có xe vận chuyển hàng không đến chở vào sân bay.
Đường trên cao
Liên danh nhà đầu tư, gồm Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH dịch vụ thương mại, sản xuất, xây dựng Đông Mêkong và Công ty cổ phần hạ tầng Đông Á vừa đề xuất với Sở GTVT TP về dự án làm đường trên cao kết nối sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) với đường Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận).
Dự án sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư PPP (Nhà nước và tư nhân hợp tác) với tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng.
Theo đó, hệ thống đường trên cao (còn gọi cầu cạn) dài 5.010m và rộng từ 7,5 - 12,5m tùy theo đoạn.
Trong đó, cầu chính dài 2.665m, từ đường Trường Sơn và các nhánh cầu đường Phan Thúc Duyện, xuyên qua công viên Hoàng Văn Thụ và tiếp đất tại đường Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi, Thăng Long...
Cần chọn dự án khả thi
Theo các chuyên gia, việc đầu tư xây dựng các tuyến metro, đường trên cao hoặc đường hầm cho xe lưu thông đòi hỏi nhiều thời gian đầu tư, xây dựng. Do đó, trước mắt cần tính đến các giải pháp khả thi đầu tư vốn ít, thời gian thực hiện nhanh.
Góp ý cụ thể hơn, GS.TS Nguyễn Lê Ninh - thành viên hội đồng tư vấn về khoa học kỹ thuật công nghệ, MTTQ TP.HCM, cho rằng dự án xây dựng cáp treo dài 2km từ công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay Tân Sơn Nhất là không hợp lý. "Mỗi cabin cáp treo chỉ chở nhiều nhất 6-8 hành khách.Như vậy, hiệu quả vận chuyển của cáp treo thấp hơn nhiều so với xe buýt", ông Ninh nhận định. Vì vậy theo ông Ninh, nên xây dựng tuyến xe buýt tại công viên Hoàng Văn Thụ và công viên Gia Định để trung chuyển khách vào sân bay.
Ông Ninh cho rằng việc đầu tư tuyến xe buýt có chi phí thấp nhất nhưng đem lại hiệu quả giảm kẹt xe nhanh nhất. Khi xây tuyến xe buýt tại hai công viên này sẽ hạn chế taxi đi từ công viên vào sân bay.
Ông Lâm Thiếu Quân, chuyên gia giao thông, cho rằng hiện nay có hai hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất, gồm: hướng từ đường Hoàng Văn Thụ vào đường Trường Sơn và hướng từ đường Phạm Văn Đồng vào đường Trường Sơn. Ông Quân đề nghị nên áp dụng cấm ôtô đi vào sân bay từ hai hướng này theo ngày chẵn, lẻ để giảm kẹt xe.
Ví dụ, ngày chẵn thì cho xe số chẵn đi từ Hoàng Văn Thụ vào Trường Sơn (cấm xe số lẻ), ngày lẻ thì cho xe số lẻ đi từ Hoàng Văn Thụ vào Trường Sơn (cấm xe số chẵn).
Với hướng Phạm Văn Đồng vào đường Trường Sơn cũng áp dụng cấm xe như vậy. "Đây là biện pháp dễ thực hiện, không tốn chi phí và thời gian thực hiện nhanh nhất", ông Quân nói.
Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở GTVT TP, cho biết TP rất trân trọng các ý tưởng, đề xuất, giải pháp của các nhà đầu tư, doanh nghiệp để giải quyết nạn kẹt xe tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, ngoài dự án metro nói trên, ba dự án còn lại chỉ mới dừng ở bước ý tưởng, cần phải nghiên cứu toàn diện hơn về phương án kỹ thuật, tài chính và ảnh hưởng đến quy hoạch, tổ chức khai thác vận hành thế nào...
Sở GTVT TP sẽ phối hợp, cung cấp tài liệu theo đề nghị của nhà đầu tư để có cơ sở nghiên cứu kỹ hơn trong các bước sau.
Theo Tuổi Trẻ
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnreview.vn
Tham gia bình luận