Giám sát biên giới bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Giám sát biên giới bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Các công nghệ xoay quanh AI ứng dụng tại biên giới bao gồm nhiều dạng từ các thuật toán được thiết kế để đánh giá biểu hiện cảm xúc, sắc thái của khách du lịch hầu như không thể nhận ra bằng mắt thường, phân tích sinh trắc học dấu vân tay, nhận dạng khuôn mặt cho tới các phần mềm quét hình ảnh phân biệt con người và động vật hoang dã tại các khu vực biên giới xa xôi.

Nhiều hệ thống bắt nguồn từ các công cụ giám sát đã có từ lâu, nay đã được tự động hoá bởi máy tính và thay con người đưa ra các quyết định sơ bộ về các mối đe dọa có thể xảy ra, cũng như khuyến nghị cách thức ứng phó cho cơ quan chức năng. 

Bức tường kỹ thuật số 

Theo dữ liệu của nhóm vận động Just Futures Law & Mijente, trong năm tài khoá 2021, Bộ an ninh nội địa Mỹ đã đầu tư hơn 780 triệu USD cho công nghệ giám sát biên giới, với tầm nhìn tạo ra “bức tường kỹ thuật số”: Mạng lưới máy bay không người lái, cảm biến tích hợp AI tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới.

Giám sát biên giới bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Nhiều hệ thống bắt nguồn từ các công cụ giám sát đã có từ lâu, nay đã được tự động hoá bởi máy tính.

Hệ thống giám sát tự động dọc biên giới, chương trình của cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) đã được triển khai, dự kiến đạt số lượng 200 tháp vào cuối năm tài khoá 2022. Hệ thống này sử dụng kết hợp radar, camera và thuật toán AI giám sát tại các khu vực biên giới hẻo lánh, có khả năng nhận diện chuyển động của con người.

Các tháp cao hơn 10 mét, sử dụng năng lượng mặt trời, được kết nối với nhau để theo dõi các vật thể đang chuyển động, có thể được dễ dàng tháo rời và di chuyển tới các địa điểm mới khi cần thiết. Dữ liệu từ các tháp này cũng như từ các nguồn khác như camera, drone, hệ thống laser phát hiện và đo sáng (LIDAR), cảm biến hồng ngoại được đưa vào xử lý tức thời trong Lattice, hệ thống AI đã được đào tạo để phân tích chuyển động của vật thể, phân biệt giữa cây cỏ, ô tô, con người và bỏ qua động vật cũng như yếu tố giả khác. Ngay khi phát hiện dấu hiệu khả nghi, hệ thống sẽ gửi cảnh báo tới nhân viên tuần tra tại hiện trường.

Các thuật toán máy học mới, tận dụng những tiến bộ trong lĩnh vực, có thể xử lý tín hiệu và hình ảnh với tốc độ nhanh chóng, cũng như phát hiện các điểm bất thường với độ chính xác cao hơn nhiều so với con người.

Tại biên giới Mỹ và Canada, hệ thống giám sát video từ xa, bao phủ 22 địa điểm với những camera độ phân giải cao tích hợp AI. Hệ thống này có thể phát hiện và giám sát các tàu nhổ neo từ bờ biển Canada cách xa hàng km và phát ra cảnh báo khi tàu bè đi vào các khu vực nhất định hoặc có chuyển động “bất thường”. Khi một con tàu đáng ngờ bị nhận diện, hệ thống sẽ tự động ghi lại mô tả con tàu, số lượng người trên tàu, cũng như kiểm tra số đăng ký.

“Tôi nghĩ rằng bất kỳ tổ chức nào trên hành tinh này cũng đều muốn tận dụng sức mạnh của AI để nâng cao hiệu quả công việc. Nghệ thuật biến một máy tính có góc nhìn giống như con người là vô cùng giá trị”, Ari Schuler, giám đốc bộ phận đổi mới của CBP cho biết.

Rút ngắn quy trình nhập cảnh và tị nạn

Trong khi đó, di cư là vấn đề nhức nhối chưa có hồi kết đối với các nước châu Âu nhiều năm trở lại đây. Vấn đề này càng trở nên trầm trọng khi cuộc xung đột Nga – Ukraine đang tạo ra làn sóng di dân với tốc độ nhanh nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Theo báo cáo của Cao uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn, kể từ khi cuộc khủng hoảng quân sự xảy ra, hơn 2 triệu người đã rời khỏi Ukraine, ước tính tổng cộng có khoảng 4 triệu người, tương đương 9% dân số nước này tìm nơi lánh nạn tại các quốc gia trên toàn châu Âu.

Các luồng di cư ngày càng tăng đã tạo ra những thách thức lớn đối với cơ quan phụ trách nhập cư và tị nạn, khi cùng lúc phải xử lý khối lượng lớn công việc hành chính, quản lý cơ sở dữ liệu trong khi vẫn đảm bảo tính tương tác, cũng như phát hiện gian lận và các nguy cơ an ninh khác. Để giải quyết các thách thức này, nhiều nước châu Âu sử dụng AI và các quy trình tự động, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác xét duyệt hồ sơ nhập cư và tị nạn.

BAMF, văn phòng người di cư và tị nạn Đức sử dụng công cụ AI hỗ trợ nhận dạng ngôn ngữ và phương ngữ - DIAS trong thủ tục xin tị nạn. Theo đó, nhân viên nhập cư sẽ thực hiện một cuộc gọi điện thoại và đề nghị người xin nhập cư mô tả một bức tranh cụ thể một cách liền mạch và nhiều chi tiết nhất có thể và đoạn ghi âm sau đó được xử lý bởi phần mềm phân tích giọng nói, cho biết xác suất mẫu giọng nói đó thuộc số ngôn ngữ hay phương ngữ nhất định. Kết quả sẽ được xuất ra dưới dạng tập tin dạng tài liệu .pdf và lưu trong hồ sơ điện tử để các nhân viên tham khảo.

“iBorderCrtl”, hay còn gọi iCROSS, dự án thử nghiệm do EU tài trợ với mục đích tăng tốc độ và rút ngắn các quy trình kiểm soát biên giới cho các công dân không thuộc EU nhập cảnh vào khu vực Schengen. Theo đó, dự án này sử dụng các bài kiểm tra phát hiện nói dối bằng AI. Người nhập cảnh sẽ trả lời các câu hỏi trước một webcam và mô-đun AI phân tích, đánh giá các cử chỉ nhỏ xem họ có đang nói dối hay không. Những người được xác định là trung thực được cấp mã QR và đi qua biên giới, trong khi những ai bị “gắn cờ’ phải cung cấp thêm các dữ liệu theo yêu cầu trước khi chuyển sang cho nhân viên con người đánh giá. Hiện dự án này đang được thí điểm tại Hy Lạp, Hungary và Latvia.

Việc mở rộng sử dụng AI trong hoạt động giám sát và quản lý biên giới sẽ không chỉ là câu chuyện của cơ quan chức năng và người nhập cảnh. Ranh giới giữa công cụ giám sát biên giới và trở thành biện pháp trị an là rất mong manh, do đó cách thức các hệ thống AI được phát triển tại khu vực này sẽ là vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới.

Vinh Ngô

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận