Giới khoa học nghĩ gì về màn giải cứu 13 người rơi tự do của Tony Stark trong Iron Man 3?

Giới khoa học nghĩ gì về màn giải cứu 13 người rơi tự do của Tony Stark trong Iron Man 3?

Một trong những phân đoạn kịch tính nhất của bộ phim Iron Man 3 chính là cảnh quay Tony Stark cứu sống 13 người rơi xuống từ chiếc máy bay Air Force One. Liệu điều đó có quá phi thực tế? Phóng viên Steve Daly của Popular Mechanics đã trò chuyện cùng một chuyên gia về rơi tự do để đi tìm câu trả lời.

Tên khủng bố kích nổ quả bom làm thủng một lỗ bên sườn chiếc Air Force One, ngay gần đuôi máy bay. Áp suất chênh lệch khiến 13 người bị hút ra ngoài. Người sắt xuất hiện, bắt đầu màn cứu người thót tim. Vị anh hùng của chúng ta lao vút trong không trung, lần lượt gom những hành khách đang rơi lại với nhau trước khi ‘nhẹ nhàng' thả họ xuống bờ biển Miami. Tất cả diễn ra trong vòng chưa đầy 2 phút.

Giới khoa học nghĩ gì về màn giải cứu 13 người rơi tự do của Tony Stark trong Iron Man 3?

Được xem những pha hành động gay cấn trong các bộ phim siêu anh hùng không phải là điều quá lạ lẫm. Nhưng trong bom tấn Iron Man 3, màn giải cứu thót tim này lại có vẻ đáng tin một cách kỳ lạ, khiến chúng ta không khỏi băn khoăn. Điều gì là thật, điều gì chỉ có trong các bộ phim viễn tưởng? Ngay cả khi bạn mặc định trong đầu rằng Stark có thể bay vun vút rồi đột ngột dừng lại tại một vị trí mong muốn với độ chính xác tuyệt đối, thì liệu anh ấy có khả năng thực hiện màn giải cứu ngoạn mục đến như vậy?

Theo một chuyên gia về rơi tự do, việc này không hẳn là hoàn toàn không thể xảy ra, tuy nhiên tỉ lệ là vô cùng nhỏ và đi ngược lại những quy tắc vật lý ở một vài điểm quan trọng.

Sự thay đổi của khí quyển theo độ cao

Jim Hamilton, nhà vật lý về rơi tự do, cho biết anh đã vô cùng xúc động trước nỗ lực của Stark. "Nó rất ấn tượng", anh chia sẻ. "Tôi đã cực kỳ phấn khích. Tôi không hề bận tâm đến việc điều đó có phi lí hay không. Tất cả những gì có trong đầu tôi là câu hỏi liệu Người sắt có thể cứu sống tất cả mọi người".

Hãy tạm không để ý đến cách tiếp đất. Câu hỏi đầu tiên cần tìm đáp án cho cảnh quay này là liệu trong thực tế các hành khách có thể sống sót sau cú rơi kiểu này không? Điều đó phụ thuộc vào độ cao mà họ rơi xuống.

Nếu để ý sẽ thấy có vẻ chiếc Air Force One đang bay ở độ cao thông thường, tức là khoảng từ 9 đến 10km so với mực nước biển. Ở độ cao đó, một người rơi khỏi máy bay sẽ tiếp đất trong vòng khoảng 3 phút – xấp xỉ khoảng thời gian 2 phút được diễn tả trong phim.

Những hành khách này sẽ phải đối mặt với hai vấn đề lớn ngay khi rơi khỏi máy bay: không khí cực lạnh (khoảng -45 độ C) và không có oxy. Họ có lẽ sẽ bất tỉnh chỉ sau vài giây, khi còn chưa kịp rơi xuống mốc độ cao 6km nơi không khí bắt đầu có thể thở được.

Như vậy, có thể thấy đoạn trao đổi giữa Stark với hành khách đầu tiên được cứu, một thành viên tổ bay có tên Heather, là một chi tiết viễn tưởng. Tuy nhiên, sẽ rất hợp lý nếu máy bay đang ở độ cao gần với mốc 6km, những hành khách rơi khỏi máy bay sau vụ nổ sẽ không quá thiếu oxy hoặc đóng băng do quá lạnh. Hơn nữa, ở độ cao này, Người sắt vẫn có đủ khoảng thời gian 2 phút trước khi các nạn nhân bị rơi xuống nước.

Sức giật

Bạn có để ý đôi giày cao gót mà Heather đang đi chứ? Có lẽ chúng sẽ không còn ở đó trừ khi cô ấy dùng một loại keo "thượng hạng" để gắn giày vào chân mình. Chiếc váy cô ấy đang mặc cũng vậy, và cả những bộ vest trên người các hành khác nữa. Tuy nhiên, thực tế thì mọi người vẫn thường mặc những bộ trang phục bình thường khi nhảy dù đấy thôi, mà quần áo của họ không hề bị thổi bay. Cho nên, rất có thể các hành khách của chiếc Air Force One đang mặc trên mình những bộ trang phục đặc biệt.

Tốc độ rơi không đồng đều

Giới khoa học nghĩ gì về màn giải cứu 13 người rơi tự do của Tony Stark trong Iron Man 3?

Trong Iron Man 3, có một chi tiết được tái hiện chính xác một cách đáng ngạc nhiên đó là cách mọi người rơi tự do. Một phần bởi vì một số cảnh quay được thực hiện bởi các diễn viên đóng thế với đầy đủ trang thiết bị. Sau đó các nhà làm phim sử dụng máy tính để xóa đi balo, dây buộc và dù.

Trong phim, bạn sẽ thấy một số người rơi nhanh hơn những người còn lại, phụ thuộc vào vị trí độ cao của họ. Đây là một chi tiết hoàn toàn đúng với thực tế. Tốc độ rơi tự do trong không khí của một người phụ thuộc vào kích thước cơ thể và vị trí của người đó, kết hợp với mật độ không khí xung quanh. Càng mở rộng cơ thể, bạn sẽ càng rơi chậm hơn.

Ở giây đầu tiên sau khi bị hút ra khỏi máy bay, các hành khách sẽ rơi ở vận tốc trung bình khoảng 9m mỗi giây. Trong vòng 12 giây, họ sẽ đạt vận tốc cuối (vận tốc cao nhất một đối tượng có thể đạt được khi rơi qua chất lưu, chẳng hạn không khí), khi đó sức cản khiến họ không thể tăng tốc thêm nữa. Với một người có cân nặng trung bình và chiều cao khoảng 1,8m, nếu rơi xuống ở tư thế giống một chú sóc bay, vận tốc cuối sẽ vào khoảng 193km/h (nếu rơi theo tư thế chúc đầu xuống dưới, con số này là khoảng 322km/h). Vận tốc rơi sau đó có thể sẽ giảm đi một chút khi càng gần mặt đất không khí càng đặc hơn.

Bộ phim đã tái hiện được chính xác những quy luật này, một số người rơi nhanh hơn những người còn lại. Do đó, mọi việc phụ thuộc vào Tony Stark, anh lao đi lao lại vun vút rồi đột ngột dừng lại trong không trung, lần lượt túm được từng hành khách trong cuộc chạy đua với thời gian.

Căng mắt

Khi các hành khách cố gắng túm lấy nhau, có vẻ như mắt của họ vẫn nhìn thấy như bình thường. Hamilton giải thích: "Nó cũng giống với việc bạn đi xe máy ở vận tốc hơn 190km/h mà không đội mũ bảo hiểm vậy". Có lẽ Người sắt đã vừa cứu người vừa đưa cho họ thiết bị bảo vệ mắt để họ không phải căng mắt ra mới có thể nhìn thấy người khác.

Tiếng rít

Bất kỳ một cựu binh nhảy dù nào cũng có thể chỉ ra rằng chúng ta gần như không thể nói chuyện với nhau khi rơi tự do. Tiếng rít của không khí đang chuyển động vun vút xung quanh sẽ át hết tất cả các âm thanh khác. Tuy nhiên, với bộ áo giáp đặc biệt của mình, Tony Stark hoàn toàn có thể có sẵn những bộ loa đặc biệt giúp anh truyền đạt hướng dẫn đến mọi người trong hành trình giải cứu kéo dài 2 phút đó.

Kỳ tích mang tên "chích điện từng phần"

Stark nói mình sẽ giúp Heather túm chặt một người khác bằng cách truyền điện vào cánh tay của cô để "cô không thể mở bàn tay ra". Đúng là khi có một dòng điện nhỏ truyền qua cánh tay sẽ khiến các cơ bàn tay siết chặt lại. Tuy nhiên, những lần co cơ như vậy có thể rất dữ dội và khó đoán, chưa kể nếu đưa vào dòng điện quá mạnh có nguy cơ khiến ngưng tim, gây bỏng hoặc phá hủy các cơ quan của cơ thể. Thêm vào đó, phụ nữ thường có ‘ngưỡng co cơ' thấp hơn so với đàn ông, thường là khoảng 9 milliampere trong khi của đàn ông là 15. Do đó, Người sắt sẽ phải xác định, tối ưu và kiểm soát dòng điện đi qua từng hành khách với độ chính xác cao. Chắc hẳn sẽ rất thú vị nếu được xem tài liệu đăng ký bằng sáng chế cho kỳ tích này.  

Cú tiếp nước được trì hoãn

Khi Tony cuối cùng cũng túm được hành khách thứ 13, trợ lý ảo Jarvis thông báo cả nhóm đang cách mặt đất khoảng 60m. Điều này có nghĩa rằng nếu không giảm tốc, họ sẽ rơi xuống biển trong chưa đầy 1 giây nữa. Đây là lúc sức mạnh bẻ cong sự thật của các nhà làm phim được dùng đến. Tổng thời gian trong phim cho đoạn này kéo dài đến 15 giây, trước khi Người sắt kịp giảm tốc và ‘nhẹ nhàng' thả các hành khách xuống biển một cách an toàn.

Giới khoa học nghĩ gì về màn giải cứu 13 người rơi tự do của Tony Stark trong Iron Man 3?

Liệu một nhóm người đang túm lấy nhau như vậy có trụ được khi bị trọng lực xé toạc do Stark bất ngờ tăng hỏa lực đẩy cả nhóm lên trên, ngay trước khi chân họ kịp chạm nước? Bộ xương của con người gần như không chịu được tác động lớn như vậy, những hành khách tội nghiệp sẽ rơi xuống nước với vận tốc tối đa. Và bởi vì nước có sức căng bề mặt lớn, cú rơi đó sẽ chẳng khác gì rơi xuống một cái sân làm bằng xi măng vậy.

Thu Trà

Theo Popular Mechanics

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận