Hình ảnh mô phỏng cho thấy thế giới đang ‘ngạt thở’

Hình ảnh mô phỏng cho thấy thế giới đang ‘ngạt thở’

4 nguồn phát thải chính bao gồm nhiên liệu hóa thạch (màu cam), đốt sinh khối (màu đỏ), hệ sinh thái đất (màu xanh lá cây) và đại dương (xanh lam). Ảnh: NASA's Scientific Visualization Studio.

NASA mới đây đã công bố hình ảnh trực quan về biến đổi khí hậu. Ảnh mô phỏng máy tính mới về lượng phát thải trong năm 2021 cho thấy carbon dioxide tiếp tục lấp đầy bầu khí quyển và bao quanh hành tinh.

Carbon dioxide là một trong những khí nhà kính làm tăng nhiệt độ toàn cầu, vì chúng tạo ra lớp giữ nhiệt cho hành tinh, khiến cho nhiệt khó phân tán vào vũ trụ hơn.

"Carbon dioxide là khí nhà kính phổ biến nhất dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Sự tích tụ khí nhà kính này trong bầu khí quyển sẽ còn nhanh hơn nếu không có các bể hấp thụ carbon trên đất liền và đại dương, những nơi hấp thụ khoảng một nửa lượng khí thải do con người thải ra mỗi năm", theo NASA.

Các kỹ thuật lập mô hình máy tính tiên tiến đã thể hiện ảnh hưởng của các nguồn phát thải và bể hấp thụ carbon.

NASA cho biết công tác mô phỏng cho thấy các nguồn phát thải CO2 và bể hấp thụ lần lượt ở châu Á và châu Úc. Đặc điểm đáng chú ý nhất là lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch từ Trung Quốc, góp phần làm tăng gánh nặng khí CO2 trong khí quyển. Ngược lại, lượng khí thải mà sinh quyển đất liền hấp thụ có thể nhìn thấy rõ ràng ở Australia.

Con người, cũng như nhiều loài động vật và thực vật, cần carbon dioxide để tồn tại. Do đó, nhiều hình ảnh về khí nhà kính thường bị những người không tin vào biến đổi khí hậu gạt sang một bên, với lập luận rằng đây là một trong những loại khí cần thiết cho sự sống.

Tuy nhiên, thực tế là sự sống trên Trái Đất sẽ gặp nguy hiểm nếu có lượng lớn carbon dioxide được thải vào bầu khí quyển, vì nó khiến nhiệt độ toàn cầu ấm hơn, kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Nhiệt độ toàn cầu ấm hơn làm băng tan nhanh hơn, làm dâng mực nước biển và nhấn chìm nhiều phần của hành tinh. Nóng lên toàn cầu giống như hiệu ứng domino, và hình ảnh mới của NASA cho thấy sự tích tụ và bao phủ của carbon dioxide trên khắp hành tinh, cảnh báo rằng con người cần có các biện pháp cắt giảm phát thải hiệu quả.

Nhiều nhà khoa học cho rằng thế giới đang chưa giảm phát thải ở mức đủ mạnh để có thể đạt được mục tiêu hạn chế nóng lên toàn cầu trong phạm vi 1,5 độ C theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Nếu giảm một nửa lượng khí thải trong 10 năm tới, và sau đó giảm về 0 vào năm 2050, thế giới mới có 50% cơ hội duy trì nhiệt độ nóng lên trong ngưỡng 1,5 độ C, Joeri Rogelj, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Imperial London, nói với Science.

Các cam kết khí hậu hiện nay chưa đáp ứng các mục tiêu giảm thải này. Trong khi đó nhiều cam kết còn thiếu kế hoạch hành động, theo một báo cáo mới của tổ chức theo dõi giảm phát thải Net Zero Tracker.

Những nhà khoa học tiên phong

"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận