Lá thư Bill Gates trả lời Warren Buffet về từ thiện và động lực của giải chạy Uprace Việt Nam

Lá thư Bill Gates trả lời Warren Buffet về từ thiện và động lực của giải chạy Uprace Việt Nam

Kể từ năm 2006, tỷ phú Warren Buffet đóng góp tổng cộng 19 tỷ USD cho quỹ từ thiện của vợ chồng Bill Gates và Melinda Gates. 10 năm sau, vào năm 2017, Warren Buffet mong muốn nhìn thấy “trái ngọt" từ sự đóng góp của mình nên đã đề nghị vợ chồng Bill Gates điểm lại thành tựu trong hoạt động từ thiện của họ.

Trong thư trả lời người bạn tỷ phú, hai vợ chồng Bill Gates liệt kê ra những con số cụ thể từ sự kết hợp của Bill & Melinda Gates Foundation và các tổ chức trên thế giới: 122 triệu trẻ em được cứu sống, 86% trẻ em toàn cầu được tiêm vắc-xin cơ bản, mỗi liều vắc-xin ước tính tiết kiệm 44 USD về sau, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh ở Rwada giảm 30%, 300 triệu phụ nữ ở những nước đang phát triển dùng các biện pháp tân tiến,...

Những con số trong lá thư đã truyền cảm hứng cho ông Nguyễn Hoành Tiến, Phó tổng giám đốc VNG, về việc huy động nguồn lực và vốn của mình về một mối, nhằm tạo sức ảnh hưởng lớn hơn. Bản thân là người hay tham gia các hoạt động từ thiện, sáng lập các nhóm tình nguyện, đồng thời tham gia nhiều hoạt động thể thao, ông Tiến cho rằng việc làm của mình vẫn còn nhỏ lẻ, cần có một sự kiện lớn hơn để tạo sức ảnh hưởng với cộng đồng.

Lá thư Bill Gates trả lời Warren Buffet về từ thiện và động lực của giải chạy Uprace Việt Nam

Ông Nguyễn Hoành Tiến, Phó tổng giám đốc VNG, chuẩn bị bước vào cuộc thi Ironman 70.3 ở Đà Nắng năm 2018. - Ảnh: H.Đ

Ông Tiến và các cộng sự đã thiết kế nên giải chạy bộ từ thiện Uprace để vừa đóng góp cho một quỹ bảo vệ trẻ sơ sinh, vừa khuyến khích mọi người luyện tập thể thao. Bất kỳ ai ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào cũng có thể tham gia sự kiện Uprace.

Cho đến thời điểm viết bài này, 9/9, sự kiện chạy bộ từ thiện Uprace đã diễn ra được gần nửa tháng. Theo website của sự kiện, đã có 29.443 người tham dự với tổng cộng 220 hội nhóm, chạy được tổng cộng 605.027km (nếu người chạy vào chủ nhật thì số km sẽ được nhân đôi). Quãng đường chạy được sẽ tăng lên đáng kể vào ngày hôm nay vì mọi người sẽ dồn sức chạy vào chủ nhật để được tăng gấp đôi quãng đường.

Rất nhiều tập đoàn, công ty khởi nghiệp, trường đại học, nhóm chạy bộ,... tham gia Uprace vì tính nhân văn của sự kiện. Các công ty Techcombank, VNG, Payoo, FPT, CMC, Unilever, VNpay, Manulife,... có mặt trong top hoạt động tích cực. Juno, Haravan, Sendo, Magstore, MIA, GHN,... dẫn đầu nhóm công ty khởi nghiệp. Hà Nội Amsterdam, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM hiện chiếm top 3 nhóm trường học. Team Heo Đất, K39NEU runner and friend, Vũng Tàu Beach Running Club, SRC running club,... đang có thành tích cao trong bảng xếp hạng ở nhóm chạy bộ tới thời điểm viết bài.

Uprace là sự kiện chạy bộ từ thiện dựa trên nền tảng công nghệ, kéo dài trong thời gian một tháng kể từ ngày 24/7/2018. Người chơi có thể tham gia chạy ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào, miễn dùng phần mềm (như Strava) cài trên thiết bị di động ghi lại quãng đường chạy, thì phần mềm sẽ tự đồng bộ với Uprace để đếm tổng khoảng cách chạy của người tham gia.

Mỗi km của sự kiện Uprace sẽ được VNG và các mạnh thường quân khác đóng góp 1.000 đồng cho quỹ hỗ trợ trẻ sơ sinh Newborns Việt Nam.

Newborns, nâng cao kiến thức y tế và chăm sóc trẻ sơ sinh

Bản thân ông Tiến cảm thấy câu chuyện của Newborns giá trị vì đóng góp vào Newborns sẽ giải quyết được vấn đề gốc rễ - nâng cao kiến thức và chuyên môn y tế cho cán bộ ngành y Việt Nam. Những khóa rèn luyện y tá, bác sĩ mang tiêu chuẩn Anh Quốc sẽ nâng cao trình độ cán bộ y tế, cho họ sự tự tin vào tay nghề của mình, điều này mang ý nghĩa sâu rộng về lâu dài, vá lại những lỗ hổng trong ngành y tế trẻ em.

Lá thư Bill Gates trả lời Warren Buffet về từ thiện và động lực của giải chạy Uprace Việt Nam

Ảnh: Newborns Vietnam

Trước đó, ông Tiến có cơ hội tiếp xúc và gặp gỡ cô Suzana – người điều hành Newborns Việt Nam tại các dịp thăm trại nhi Lào Cai. Thông qua trao đổi cũng như chứng kiến thực tiễn ngành Y tế Việt Nam, ông Tiến nhận ra ngành Y của Việt Nam còn nhiều lỗ hổng: không có ngành sơ sinh, bác sĩ, y tá ở vùng sâu xa còn yếu tay nghề, thiếu phương tiện chăm sóc trẻ em, tuy có hiểu biết nhưng không dám làm. Mỗi ngày có hơn 400 trẻ sơ sinh tử vong, trong đó số lượng trẻ tử vong trong những ngày đầu tiên do sinh non, ngạt thở, nhiễm khuẩn chiếm phần lớn.

Ông Tiến cho rằng không có đầu tư con người nào ý nghĩa hơn đầu tư ở giai đoạn đầu đời, với đội ngũ y tế kinh nghiệm và trang thiết bị y tế đảm bảo chất lượng, những đứa trẻ sinh ra không rơi vào trường hợp ngạt thở, nhiễm khuẩn mà có thể chào đời khỏe mạnh, sống cuộc sống bình thường như mọi người.

Do đó, Uprace kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức của mọi người ở cả việc chăm sóc sức khoẻ y tế cho trẻ em sơ sinh lẫn rèn luyện sức khoẻ bản thân.

Rèn luyện sức khoẻ đúng với tinh thần thời đại 4.0

Uprace khích lệ người trẻ Việt Nam duy trì lối sống lành mạnh, không ngại khó ngại khổ trong việc vận động. Ban tổ chức chương trình quyết định thiết kế cuộc thi kéo dài 30 ngày để hình thành thói quen chạy bộ cho những người tham gia. Ông Tiến dẫn chứng thuyết của Maxwell Matlz về việc con người cần ít nhất 21 ngày để thích nghi với những thay đổi, tạo một thói quen mới.

Lá thư Bill Gates trả lời Warren Buffet về từ thiện và động lực của giải chạy Uprace Việt Nam

Sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng chạy bộ Uprace - Ảnh: Uprace

Ban tổ chức đặt mục tiêu 10km cho một cá nhân khi chạy bộ Uprace. Ông Tiến cho biết 10 km là một cột mốc lớn về mặt tâm lý của nhiều người Việt Nam khi nhắc đến việc chạy bộ. Thoạt nhìn, mọi người sẽ cảm thấy 10km là một quãng chạy dài hơi, đòi hỏi sự bền bỉ, dai sức. Thế nhưng sau khi vượt qua ngưỡng ấy, họ sẽ nhận ra rằng chạy bộ không khó đến thế, có thể bắt đầu như một thói quen và từ đấy phát huy thành tích của mình.

Xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân tham gia IronMan 70.3 Đà Nẵng và những hoạt động thiện nguyện, ông Tiến chia sẻ rằng khi làm một việc không vì bản thân mình mà tập trung hướng về những gì mình làm được cho nhiều người khác thì đổi lại, những gì mình nhận lại được còn ý nghĩa hơn gấp bội và thỏa đáng công sức mình bỏ ra.

Hơn nữa, việc tham gia các hoạt động thể thao, từ thiện và chia sẻ khoảnh khắc trên mạng xã hội, ngoài mục đích lan tỏa sức ảnh hưởng của chương trình, tạo nên trào lưu chạy bộ để làm tiền đề cho các giải chạy tiếp theo, đây còn là cơ hội để mỗi người tham gia thể hiện hình ảnh tích cực của bản thân mình và tạo nên thói quen lành mạnh.

Uprace là một trong những giải chạy ảo đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, tất cả các khâu của chương trình từ đăng kí tham gia đến việc xếp hạng các đội đều hoàn toàn dựa vào phần mềm công nghệ.

Người tham gia không phải tụ tập tại một địa điểm mà có thể tận dụng những điều kiện sẵn có xung quanh mình ở bất kì thời gian trong ngày, như con đường thoáng đãng trong khu nhà, gần nơi làm việc hay ngay cả việc chạy trên máy trong phòng tập để tham dự cuộc thi. Ứng dụng Strava sẽ đóng vai trò cốt lõi trong việc lưu trữ thông tin, thành tích của từng cá nhân, từng đội hàng ngày một cách hoàn toàn minh bạch.

Vì sao ngày càng nhiều công ty công nghệ khuyến khích nhân viên chạy bộ? 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận