Lạng Sơn thử nghiệm tắt sóng 2G, thúc đẩy người dân dùng smartphone

Lạng Sơn thử nghiệm tắt sóng 2G, thúc đẩy người dân dùng smartphone

Sóng di động đã phủ tới 100% trung tâm xã, phường, thị trấn

Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh (smartphone) vào năm 2025 là một trong những mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ đặt ra trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, hướng tới phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.

Trong Nghị quyết chuyển đổi số Lạng Sơn, UBND tỉnh đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số. Theo đó, Lạng Sơn sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp hạ tầng số sẵn sàng đáp ứng quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh. Khuyến khích doanh nghiệp phát triển mạng di động 5G tại khu trung tâm, khu thương mại - dịch vụ, khu du lịch, cửa khẩu, phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT), hạ tầng điện toán đám mây...

Theo Sở TT&TT Lạng Sơn, tỉnh có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet. Mạng lưới viễn thông đã phủ khắp từ trung tâm tỉnh đến thôn, bản, khối phố hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Lạng Sơn thử nghiệm tắt sóng 2G, thúc đẩy người dân dùng smartphone
Năm 2021, Lạng Sơn đã phát triển thêm 16 trạm BTS, nâng tổng số trạm BTS hiện có lên 2.846.

Cùng với đó, 100% trung tâm xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 2G/3G/4G; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương được kết nối Internet băng rộng cáp quang băng rộng, kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng.

Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm nay, tỉnh đã phát triển 105 vị trí trạm BTS. Tổng số máy điện thoại di động là 856.841 thuê bao, đạt mật độ khoảng 108 thuê bao/100 dân.

Lạng Sơn đề xuất tắt sóng 2G tại thành phố, thị trấn

Một hoạt động nổi bật của ngành TT&TT Lạng Sơn trong năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 là chỉ đạo 2 doanh nghiệp viễn thông MobiFone và VNPT Lạng Sơn thí điểm tắt sóng 63 trạm 2G tại một số địa bàn ở khu vực thành phố.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở TT&TT Lạng Sơn nhấn mạnh: Thực hiện chuyển đổi số, đưa người dân lên không gian số thì phải sử dụng smartphone, phải chạy được các ứng dụng trên nền tảng số. Nếu tắt được sóng 2G, thúc đẩy đông đảo người dân sử dụng smartphone sẽ tác động lớn đến công cuộc chuyển đổi số địa phương. “Tắt sóng 2G, chúng ta mới thúc đẩy được chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số”, ông Nguyễn Khắc Lịch nói.

Cũng theo đại diện Sở TT&TT Lạng Sơn, trong quá trình thử nghiệm tắt sóng 63 trạm 2G, Sở đã yêu cầu nhà mạng MobiFone, VinaPhone theo dõi sát tình hình hoạt động của thuê bao 2G tại các địa bàn thử nghiệm: có bao nhiêu thuê bao 2G chuyển sang 3G/4G; bao nhiêu thuê bao dừng hoạt động; bao nhiêu thuê bao khiếu nại, phản ánh...

Kết quả thử nghiệm cho thấy, việc tắt sóng 2G không làm gián đoạn việc thông tin liên lạc do hầu hết người dân đều sử dụng smartphone. “Đây là một sở cứ quan trọng để chúng tôi đề xuất mở rộng khu vực tắt sóng 2G”, đại diện Sở TT&TT Lạng Sơn nhận xét.

Trong thời gian tới, Lạng Sơn sẽ đề xuất cho tắt sóng 2G toàn bộ thành phố, thị trấn nhằm đẩy nhanh việc phổ cập smartphone, tiến tới 100% người dân ở độ tuổi trưởng thành đều có smartphone. Sau khi thông báo rộng khắp đến người dân về kết quả thử nghiệm tắt 2G thời gian vừa qua, việc chuyển đổi sang dùng smartphone ở các khu vực còn lại sẽ nhanh hơn.

Lạng Sơn thử nghiệm tắt sóng 2G, thúc đẩy người dân dùng smartphone
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà đã đề xuất với Bộ TT&TT việc tắt sóng 2G trên các địa bàn thành phố, thị trấn của tỉnh trong năm 2022.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ TT&TT vào chiều ngày 20/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà chính thức đề xuất việc tắt sóng 2G trên các địa bàn thành phố, thị trấn của tỉnh trong năm 2022 nhằm đẩy nhanh việc phổ cập smartphone, góp phần chuyển đổi số tổng thể và toàn diện từ chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, cửa khẩu số… Lạng Sơn chỉ còn 4 trạm 2G độc lập, các vị trí trạm khác đều đã có sóng 3G và 4G.

Bà Đoàn Thu Hà còn đề nghị Bộ TT&TT xem xét bổ sung Lạng Sơn vào danh sách các địa phương thí điểm thử nghiệm 5G: “Kế hoạch phát triển hạ tầng số của Lạng Sơn đã xác định năm 2022 sẽ phát triển mỗi mạng di động có 5 trạm BTS 5G”.

Liên quan đến công tác phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, báo cáo của Sở TT&TT Lạng Sơn cũng cho hay, tại thời điểm tháng 10/2021, tỉnh có 128 thôn/bản trắng sóng và 140 thôn/bản có sóng nhưng chất lượng không ổn định thuộc vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, dân cư không tập trung.

Với sự ủng hộ của Bộ TT&TT, từ nay đến ngày 30/6/2022, các doanh nghiệp sẽ đầu tư khoảng 160 trạm BTS, với kinh phí khoảng 200 tỷ đồng sử dụng nguồn Quỹ Viễn thông công ích. “Việc dần dần xóa trắng sóng sẽ góp phần quan trọng vào việc chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, đảm bảo nhu cầu thông tin liên lạc cho người dân và mục tiêu đẩy nhanh chuyển đổi số trong các lĩnh vực”, đại diện Sở TT&TT Lạng Sơn nhấn mạnh.

Vân Anh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận