“Mình đang coi truyền hình ăn cắp của nước khác hả ba?"

“Mình đang coi truyền hình ăn cắp của nước khác hả ba?"

“Mình đang coi truyền hình ăn cắp của nước khác hả ba?

Hình ảnh U23 Việt Nam chỉ có trên các kênh livestream vi phạm bản quyền.

Liên quan đến bản quyền truyền hình Đại hội Thể thao châu Á 2018 (ASIAD 2018), theo công bố của Ban tổ chức, hiện tại, đã có 75 quốc gia và vùng lãnh thổ sở hữu bản quyền phát sóng các môn thi đấu tại ASIAD 2018. Tại châu Á, chỉ duy nhất Việt Nam không mua bản quyền phát sóng vì nhiều lý do, nhưng nguyên nhân chủ yếu nhất là giá quá cao.

Việc VTV không mua được bản quyền truyền hình ASIAD 2018 đã vô tình đẩy hàng triệu người dân phải tìm link lậu để xem trận đấu của Olympic Việt Nam và Olympic Pakistan vào chiều ngày 14/8, khi thầy trò HLV Park Hang Seo có trận mở màn tại ASIAD 2018. Dự báo trong trận đấu giữa Olympic Việt Nam và Olympic Nepal vào 19h ngày hôm nay (16/8) tình trạng vi phạm bản quyền sẽ tiếp tục tái diễn. Bởi vì người hâm mộ Việt Nam sẽ không thể cưỡng lại được sự cuồng nhiệt với đội tuyển nước nhà.

Việc không được xem một cách đàng hoàng qua màn hình tivi, phải xem trộm tín hiệu trận đấu qua các kênh livestream lậu, đã khiến nhiều người dân Việt Nam vừa xem vừa buồn bã. ICTnews đăng lại tâm sự trải lòng của nhà báo Hải Châu khi cha con anh đã phải ngồi xem bóng đá qua một kênh vi phạm bản quyền, vừa xem vừa cay đắng.

Trên trang Facebook cá nhân, nhà báo Hải Châu viết:

Vì sao cha con tôi phải trở thành kẻ tiêu thụ đồ gian?

"Chiều qua 14/8, cũng như rất nhiều fan ham mộ bóng đá khác, cha con tôi háo hức với trận đầu ra quân của đội Olympic Việt Nam tại ASIAD 2018. Từ mấy ngày trước, thằng con tôi đã đi ra đi vô than thở khi nghe nói VTV không mua bản quyền ASIAS 2018 thì sẽ không được coi thủ môn Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Xuân Trường... thi đấu. Thương con quá mà không biết phải làm sao. 

May là chiều qua đứa em ở quán café “2 VIEW” mò được trên mạng kênh xoilac.tv có phát “chui” trận Olympic Việt Nam – Pakistan nên gọi tôi chở con tới coi. Nhưng khi có quá nhiều người cùng truy cập vào xem thì tín hiệu hay bị ngắt quãng, nhiều khi "đứng bánh" khá lâu. Thế là tôi cũng như nhiều người khác ngồi ở đó phải dùng điện thoại di động mò mẫm những kênh phát “chui” khác và đều là thu tín hiệu từ các kênh của nước ngoài. 

Lần hồi, thằng con tôi (hết hè này vào lớp 5 nhưng vẫn còn rất bé dại) nhận ra chuyện, hỏi: “Mình đang coi truyền hình ăn cắp của nước khác hả ba?”. Tôi đắng họng, không biết phải trả lời con như thế nào. Tôi luôn cố gắng dạy con không nên gian dối, không nên ăn cắp. Nhưng chiều qua, cả hai cha con tôi đều trở thành kẻ cắp, kẻ tiêu thụ đồ ăn cắp!

Tôi đi làm kiếm cơm, có đóng thuế hẳn hoi. Trước đây nhà tôi xem truyền hình cáp Sông Thu rồi VTV Cab, sau này chuyển qua FPT, đều là truyền hình trả tiền chứ chẳng được miễn phí đồng nào. Vậy tại sao chỉ vì muốn xem đội U23 Việt Nam tranh tài ở sân chơi Olympic châu lục mà cha con tôi phải trở thành kẻ tiêu thụ sóng truyền hình ăn cắp? Vì sao tôi phải trở thành kẻ ăn cắp trong mắt con trai tôi?

“Mình đang coi truyền hình ăn cắp của nước khác hả ba?

Nỗi lòng cay đắng của những người cha trong mắt con trai mình.

Khác với các cuộc thi đấu thể thao chuyên nghiệp nặng chuyện thắng - thua, các kỳ Olympic thế giới hay châu lục đều đề cao tinh thần thượng võ, bồi đắp và truyền tải những giá trị truyền thống tốt đẹp, khơi dậy niềm tự hào và tăng cường hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc. Vì vậy, các kỳ Thế vận hội hay Á vận hội luôn là những ngày hội của cả thế giới hay châu lục.

Tuy nhiên không phải ai cũng có dịp hay có điều kiện góp mặt, hòa mình vào ngày hội Olympic đó. Bởi thế, sóng truyền hình luôn là cầu nối để mỗi người trên thế giới hay châu lục dù ở đâu cũng đều có thể thấy mình được hưởng chung nguồn năng lượng từ ngọn lửa Olympic bùng cháy.

Vậy tại sao cũng làm lụng đầu tắt mặt tối để có đồng tiền thuế đóng góp nuôi Đài Truyền hình quốc gia, nhưng người dân Việt Nam như tôi lại không được hưởng cái phúc lợi xã hội là xem truyền hình trực tiếp các cuộc tranh tài của các đội tuyển quốc gia mình, không được hòa chung cảm xúc với ngày hội Olympic ASIAD 2018 như bao nhiêu người dân khác ở châu Á? 

Còn nếu muốn được “hưởng” cái phúc lợi xã hội bình thường 4 năm một lần đó thì cha con tôi lại phải trở thành những kẻ tiêu thụ đồ gian, đồ ăn cắp. Tôi phải trở thành kẻ cắp ngay trong mắt con tôi. Tại sao lại như thế? Tôi muốn Chính phủ phải trả lời cho tôi câu hỏi này để tôi còn trả lời lại cho con tôi, rằng đồng tiền thuế mà cha nó đóng đã được Chính phủ chi tiêu như thế nào?

“Mình đang coi truyền hình ăn cắp của nước khác hả ba?

Một quán cafe rất đông người xem qua kênh livestream lậu. Ảnh FB Hải Châu.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận