Musk sáp nhập Twitter vào công ty X

Musk sáp nhập Twitter vào công ty X

Theo Bloomberg, thông tin được đề cập trong hồ sơ trình lên toà án California ngày 4/4, liên quan đến vụ kiện của nhà hoạt động Laura Loomer chống lại công ty và Jack Dorsey, nhà đồng sáng lập và cựu CEO Twitter.

Theo tài liệu, Twitter "không còn tồn tại" sau khi sáp nhập với X Corp, thành lập từ 9/3. Đồng thời Elon Musk đã mở "bộ ba công ty cổ phần ở Delaware, với một biến thể có tên X Holdings khi lần đầu đề nghị mua Twitter năm ngoái".

Đáp lại, Musk đăng thông điệp "X" lên trang cá nhân, nhưng không nói gì thêm. Một số chuyên gia đánh giá hành động này là dấu hiệu cho thấy ông đã có động thái mới cho Twitter sau hơn nửa năm tiếp quản.

Twitter và Musk không đưa ra bình luận.

Tài khoản Twitter của Elon Musk hiển thị trên smartphone, đằng sau là hình ảnh của ông. Ảnh: Một hãng tin quốc tế

Trước đó, ngày 10/4, Musk cho người sơn lên ký tự "w" trên biển hiệu Twitter tại trụ sở ở San Francisco, đổi biển hiệu công ty thành "Titter". Theo Business Insider, hành động sơn biển hiệu cho thấy tỷ phú gốc Nam Phi sẵn sàng thực hiện điều "điên rồ" tiếp theo trong việc quản lý mạng xã hội.

Musk nhiều lần công khai ý muốn tạo một siêu ứng dụng giống như WeChat của Trung Quốc và việc thâu tóm Twitter là một phần của kế hoạch. "Mua Twitter là cách để thúc đẩy việc tạo ra X, ứng dụng chứa mọi thứ", Musk nói vào tháng 10 năm ngoái.

Khi đó, ông không đề cập chi tiết ứng dụng X hoạt động thế nào. Tuy nhiên, tỷ phú Mỹ khẳng định việc mua Twitter giúp "tăng tốc quá trình phát triển X từ 3 đến 5 năm". Dù vậy, ông cũng thừa nhận "tính toán có thể nhầm".

Đầu năm ngoái, trong buổi nói chuyện với nhân viên Twitter, ông so sánh tầm nhìn của mình với WeChat. "Về cơ bản, tôi thấy WeChat thực sự rất hữu ích, nhất là trong cuộc sống hàng ngày. Tôi nghĩ, nếu chúng ta đạt được điều đó hoặc thậm chí gần đạt được với Twitter, đó sẽ là một thành công lớn", ông nói.

Siêu ứng dụng được ví như con dao đa năng của quân đội Thụy Sĩ khi tích hợp hàng loạt tính năng, tiện ích khác nhau, từ thanh toán điện tử, nhắn tin, tìm kiếm, giao nhận, đặt xe, đi chợ hộ cho đến kết bạn, tra cứu thông tin hành chính... Theo Scott Galloway, giáo sư ngành marketing tại Đại học New York, siêu ứng dụng thịnh hành tại châu Á vì kết nối di động là nền tảng kết nối Internet chính của nhiều người dân tại đây. Dù vậy, ở phương tây, ứng dụng dạng này gần như không xuất hiện. Với việc "đóng gói" tất cả tính năng trong một ứng dụng, người dùng sẽ đối mặt với phiền phức nếu chẳng may chúng gặp sự cố. Tháng 10 năm ngoái, việc KakaoTalk "sập" đã phơi bày hạn chế của siêu ứng dụng.

Bảo Lâm

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận