Nguy cơ lọt nội dung cấm khi Netflix hoạt động không phép

Nguy cơ lọt nội dung cấm khi Netflix hoạt động không phép

Đầu tháng 10/2022, Netflix bị phản ứng khi chiếu phim Little Women với nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu lập tức gỡ phim, nhưng phải ba ngày sau nền tảng mới thực hiện.

Trước đó, người dùng Việt cũng phát hiện hàng loạt phim khác được chiếu trên nền tảng này có chứa hình ảnh sai trái về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam như Pine Gap, Put your head on my shoulder, Madam Secretary.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết phim vi phạm cả Luật báo chí và Luật điện ảnh. Tuy nhiên, phía công ty Netflix lại không bị phạt hành chính do không có tư cách pháp nhân ở Việt Nam.

Ứng dụng Netflix trên điện thoại di động. Ảnh: Khương Nha

Theo Nghị định 71, có hiệu lực từ ngày 1/1, doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường truyền hình trả tiền với loại hình dịch vụ OTT cần được cấp phép như doanh nghiệp trong nước. Muốn có giấy phép này, doanh nghiệp phải làm thủ tục để hình thành pháp nhân đại diện tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sau hai tháng, Netflix chưa đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý nhưng vẫn hoạt động bình thường. Ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam VNPAYTV, cho biết việc nền tảng đã vào thị trường kinh doanh nhiều năm nhưng không chịu sự quản lý sẽ tạo ra những rủi ro.

"Những nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, lối sống, chủ quyền quốc gia không được đăng trên kênh truyền hình trong nước nhưng vẫn được Netflix phát sóng", ông nói.

Còn theo ông Huỳnh Long Thủy, Tổng giám đốc VieON, 5 năm qua, nhiều nền tảng OTT xuyên biên giới không ít lần chiếu các nội dung xuyên tạc lịch sử, xâm phạm chủ quyền nhưng chỉ gỡ khi cơ quan quản lý có ý kiến. Trong khi đó, nền tảng trong nước nếu sơ suất trong khâu kiểm duyệt, để lọt nội dung cấm sẽ bị phạt.

Một rủi ro khác là dịch vụ stream (phát trực tiếp nội dung trên Internet) đang thịnh hành trên Netflix, cho phép nhà sản xuất nội dung phát sóng từ nước ngoài mà không đăng ký với cơ quan quản lý ở từng quốc gia. Điều này dẫn đến nguy cơ phát tán nội dung bất hợp pháp, thậm chí gây nguy hại cho an ninh quốc gia.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Hà Yên, Phó cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, nói: "Cơ quan chức năng xem việc chặn stream từ Netflix tương tự việc cấm website phim lậu, vi phạm bản quyền. Bộ sẽ theo dõi, giám sát và khuyến khích dịch vụ OTT xuyên biên giới tham gia Hiệp hội nhằm giải quyết vấn nạn dịch vụ lậu, vi phạm pháp luật".

Hiện có hai doanh nghiệp Mỹ và ba doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp dịch vụ truyền hình qua Internet xuyên biên giới ở Việt Nam. VNPAYTV cho biết chưa có nền tảng nào tham gia vào Hiệp hội nên không thể áp dụng chế tài như doanh nghiệp trong nước.

Theo ông Yên, từ trước khi Nghị định 71 có hiệu lực, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với năm đơn vị này để vận động, khuyến cáo. "Trong trường hợp nhà cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới không có pháp nhân đại diện tại Việt Nam, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị viễn thông để chặn truy cập", ông Yên khẳng định. Việc siết chặt hoạt động quản lý nhằm đảm bảo công bằng trên thị trường dịch vụ truyền hình trả phí. Tuy nhiên, Bộ chưa đưa ra thời hạn và lộ trình cụ thể cho việc cấm sóng.

Netflix không đưa ra bình luận. Tuần trước, Reuters cho biết nền tảng sẽ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, dự kiến khai trương vào cuối 2023.

Netflix là dịch vụ phát hành phim trực tuyến phổ biến thế giới. Đến hết 2022, nền tảng có 231 triệu thuê bao trả phí. Tại Việt Nam, người dùng đang trả từ 70 nghìn đến 260 nghìn đồng để sử dụng dịch vụ. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có 22 nền tảng OTT với 5,5 triệu thuê bao, doanh thu ước tính 1.550 tỷ đồng.

Khương Nha

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận