Những tỷ phú công nghệ mơ sống lâu

Những tỷ phú công nghệ mơ sống lâu

Theo Business Insider, ngày càng nhiều doanh nhân công nghệ giàu có muốn sử dụng tài sản của họ cho các mục đích chống lão hóa. Bên cạnh việc dùng thực phẩm bổ sung, tuân thủ việc tập thể dục nghiêm ngặt, họ còn đầu tư hàng triệu USD vào các nghiên cứu kéo dài tuổi thọ.

Peter Thiel

Người đồng sáng lập các công ty như PayPal, Palantir Technologies cho rằng cuộc sống không vĩnh cửu nhưng có thể kéo dài và đã đổ hàng triệu USD vào lĩnh vực nghiên cứu tuổi thọ những năm qua.

Peter Thiel. Ảnh: Reuters

Ông là một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Unity Biotechnology, công ty phát triển các loại thuốc nhắm vào các tế bào lão hóa, năm 2012. Từ 2006, ông cũng cam kết 3,5 triệu USD cho quỹ Methuselah , tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào nghiên cứu chống lão hóa bằng kỹ thuật mô và y học tái tạo.

Đến 2017, Thiel tiếp tục chi 7 triệu USD cho Alcor Life Extension Foundation, tập trung vào kỹ thuật đông lạnh xác người để ngăn chặn quá trình lão hóa. Ông còn có một số khoản đầu tư vào những công ty công nghệ sinh học qua quỹ do mình sáng lập như Thiel Foundation và Founder Fund.

Sergey Brin

Sergey Brin. Ảnh: AP

Mối quan tâm của Sergey Brin đối với nghiên cứu về tuổi thọ được đánh giá là mang tính cá nhân hơn. Năm 2008, ông tiết lộ mình bị đột biến gen và dễ mắc bệnh Parkinson hơn. Theo Forbes, những năm qua, nhà đồng sáng lập Google đã rót hơn một tỷ USD cho nghiên cứu về căn bệnh này

Brin cũng đầu tư một số dự án kéo dài tuổi thọ. Ngoài việc đổ tiền vào Calico Labs năm 2015, ông cũng tuyên bố nhóm Khoa học và Đời sống của Google sẽ trở thành một đơn vị độc lập trực thuộc Alphabet và đổi tên thành Verily Life Science. Từ đó, công ty phát triển thiết bị chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn Verily Study Watch - thiết bị có mục đích giúp mọi người có một cuộc sống lành mạnh hơn.

Mark Zuckerberg

Mark Zuckerberg. Ảnh: Reuters

Năm 2015, Mark Zuckerberg từng được hỏi về cái chết và ông thừa nhận đang chú ý đến lĩnh vực này: "Tôi quan tâm đến những câu hỏi về con người. Điều gì giúp chúng ta sống mãi mãi? Làm thế nào chữa khỏi mọi bệnh tật? Bộ não hoạt động thế nào? Quá trình học tập hoạt động thế nào và làm sao có thể tăng khả năng học hỏi của con người lên hàng triệu lần?".

Ông chủ Facebook sau đó đầu tư vào Breakthrough Prize, giải thưởng ba triệu USD cho các nhà khoa học cơ bản về nghiên cứu con người. Năm 2016, ông và vợ Priscilla Chan cam kết đầu tư hàng triệu USD cho việc chữa bệnh truyền nhiễm và nâng cao tuổi thọ. "Khi kết thúc thế kỷ này, việc mọi người sống qua 100 tuổi là điều bình thường", Zuckerberg nói khi đó.

Jack Dorsey

Jack Dorsey. Ảnh: Reuters

Cựu CEO Twitter Jack Dorsey là người ăn chay thuần, đồng thời có mối quan tâm lớn về sức khỏe. Ông thừa nhận mình chỉ ăn một bữa mỗi ngày, nhịn ăn vào cuối tuần, tắm nước đá, thức dậy lúc 5 giờ sáng và thiền trong hai giờ.

Dorsey cũng được cho là đang đầu tư vào một số dự án về kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, ông chưa từng thừa nhận điều này.

Jeff Bezos

Jeff Bezos. Ảnh: Reuters

Jeff Bezos đầu tư vào Altos Labs, công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học với mục tiêu "khôi phục sức khỏe và khả năng phục hồi của tế bào thông qua trẻ hóa tế bào để đẩy lùi bệnh tật, chấn thương và khuyết tật có thể xảy ra trong suốt cuộc đời".

Altos Labs thành lập năm 2022, có trụ sở cả ở Anh và Mỹ. Theo Technology Review, công ty có kế hoạch thành lập các học viện ở nhiều khu vực như Bay Area, San Diego, Cambridge, Anh và Nhật Bản. Họ cũng đang tuyển dụng một lượng lớn các nhà khoa học với mức lương hậu hĩnh cùng lời hứa giúp họ theo đuổi nghiên cứu về cách tế bào già đi và cách đảo ngược quá trình đó.

Sean Parker

Sean Parker là người đồng sáng lập dịch vụ chia sẻ file Napster và sau đó là chủ tịch đầu tiên của Facebook. Ông đã dành hàng triệu USD tài trợ cho nghiên cứu về khoa học đời sống.

Sean Parker. Ảnh: Time

Năm 2015, Parker thành lập Parker Foundation với khoản đầu tư ban đầu 600 triệu USD. Mục tiêu của quỹ là tài trợ cho chương trình về khoa học đời sống, sức khỏe cộng đồng toàn cầu và sự tham gia của công dân.

Một năm sau, Parker thành lập Viện trị liệu miễn dịch ung thư Parker , nhằm đẩy nhanh sự phát triển của các liệu pháp miễn dịch đột phá nhằm biến ung thư thành bệnh có thể chữa được. PICI sau đó hợp tác với nhiều viện nghiên cứu hàng đầu tại Mỹ, như Trung tâm Memorial Sloan Kettering, Stanford Medicine, Viện Gladstone ở San Francisco và Viện Ung thư Dana-Farber ở Boston vào năm 2022.

Larry Ellison

Larry Ellison. Ảnh: Reuters

Năm 2003, người sáng lập Oracle Larry Ellison nói "cái chết chưa bao giờ có ý nghĩa với tôi". Ông cống hiến hàng triệu USD trong nhiều năm để chống lại cái mà ông gọi là "hiện tượng bí ẩn".

Từ 1997, ông thành lập quỹ Y tế Ellison, hỗ trợ nghiên cứu y sinh cơ bản liên quan đến tuổi thọ cũng như các bệnh và khuyết tật liên quan đến tuổi tác. Cho đến khi quỹ ngừng tài trợ năm 2013, khoảng 80% trong số 430 triệu USD tài trợ đã hướng đến mục đích này. Đến 2020, chương trình bị giải thể.

Larry Page

Larry Page. Ảnh: Reuters

Năm 2013, người đồng sáng lập Google Larry Page thành lập California Life, hay còn gọi là Calico Labs, với mục tiêu nghiên cứu quá trình lão hóa và tìm hiểu thuốc chống lại các bệnh liên quan đến tuổi tác. Calico Labs được Alphabet bảo trợ.

Năm 2014, Calico Labs bắt đầu hợp tác với công ty dược phẩm sinh học AbbVie để phát triển liệu pháp chống lại các bệnh liên quan đến tuổi tác và nhận hàng tỷ USD đầu tư. Tuy vậy đến nay, kết quả nghiên cứu thu được khá hạn chế, không đạt tiến bộ như kỳ vọng.

Bảo Lâm

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận