Niềm tự hào của 2 kỹ sư 9x làm dự án gìn giữ an ninh quốc gia

Niềm tự hào của 2 kỹ sư 9x làm dự án gìn giữ an ninh quốc gia

"Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân"

Chu Quang Khánh, Phạm Dương Nam đều gia nhập Viettel không lâu sau khi rời ghế nhà trường. Cách nhau 5 tuổi, nhưng quyết định đầu quân vào Viettel của hai chàng trai có cùng một điểm chung: Muốn được tích luỹ kinh nghiệm, được làm ‘thật’ và Viettel là doanh nghiệp có thương hiệu lớn trên thị trường.

“Thành thực mà nói, vừa bước chân ra khỏi giảng đường, mục tiêu của mình chỉ là học hỏi, muốn tìm hiểu và muốn được làm. Sau 10 năm gắn bó với Viettel, mục tiêu bây giờ của mình là làm được những sản phẩm có chất lượng tương đương quốc tế, cung cấp cho thị trường trong nước và nước ngoài”, chàng kỹ sư Bách Khoa Hà Nội sinh năm 1990, nay là Trưởng phòng Phát triển hệ thống phần cứng số hiệu năng cao, TCT Công nghệ cao Viettel Chu Quang Khánh chia sẻ.

Niềm tự hào của 2 kỹ sư 9x làm dự án gìn giữ an ninh quốc gia

27 tuổi, gia nhập Viettel mới 3 năm, Phạm Dương Nam - Kỹ sư phần mềm, Trung tâm Radar, VHT chưa bao giờ từng mơ hay có suy nghĩ sẽ vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ - “Tôi thấy may mắn. May mắn vì ở trong một tập thể mạnh. May mắn vì có cơ hội giải quyết những bài toán quan trọng để rồi vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý ở tuổi 27. Nếu không phải là người VHT, không phải là người Viettel thì thực sự rất khó có cơ hội này.”, Nam chia sẻ.

Niềm tự hào của 2 kỹ sư 9x làm dự án gìn giữ an ninh quốc gia

Nam và Khánh là hai trong số 49 nhà khoa học, cán bộ trẻ của Viettel được trao chứng nhận đồng tác giả cho 2 dự án đạt giải thưởng Hồ Chí Minh hôm 19/5, Radar cảnh giới biển tầm trung và Nền tảng vô tuyến điện quân sự. Sở hữu 10 bằng sáng chế, trong đó có 2 bằng sáng chế Mỹ và 8 bằng trong nước, hai công trình đoạt giải của Viettel góp phần khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong lĩnh công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Với việc tự chủ công nghệ, Viettel không chỉ góp phần nâng cao tiềm lực quân sự quốc phòng mà còn giúp tiết kiệm ngân sách lớn so với việc nhập khẩu.

Cơ hội tuyệt vời cho những người muốn làm những điều chưa ai từng làm

Trước đó, cả Khánh và Nam, đều không được đào tạo về lĩnh vực quân sự trên giảng đường đại học. Họ tiếp cận kiến thức thông qua nghiên cứu tài liệu, chia sẻ của đồng đội và những buổi đào tạo nội bộ chuyên sâu. Tri thức tích luỹ từ những team mở được hình thành giữa các dự án mật.

“Về chuyên môn, tôi vẫn làm phần mềm, còn về radar - mảng kiến thức mở rộng thì tìm hiểu thêm các tài liệu, trao đổi thêm với đồng nghiệp. Tôi thường đọc thêm các tài liệu để hiểu hơn về hệ thống radar, quá trình làm việc, tiếp xúc với khách hàng cũng là một cơ hội để mình hiểu thêm về sản phẩm.”, Nam chia sẻ.

Bên cạnh những kiến thức mới, Nam cũng được đi rất nhiều, tham gia các trận địa thật và chung tay nghiên cứu những công nghệ mới nhất. “Thời gian đầu vào Viettel, tôi nghĩ kỹ sư phần mềm như mình chắc suốt ngày chỉ ngồi văn phòng và gõ phím. Thế nhưng, thực tế lại không. Ở Viettel, tôi được đi khắp nơi, đến các đơn vị quân sự, tham gia trận địa, chiến đấu với anh em. Mỗi chuyến đi lại là một trải nghiệm đáng nhớ.”, trải nghiệm xa gia đình cùng nhau, ăn ở cùng nhau hay làm ngày làm đêm cùng nhau khiến chàng kỹ sư trẻ cảm thấy mình như có thêm một gia đình.

Với Khánh, từ thời điểm gia nhập chỉ có một phòng thiết kế phần cứng với quân số khoảng 5-6 người, bây giờ Trung tâm Thông tin và Tác chiến điện tử, nơi Khánh đang làm việc đã lên 100 người, riêng phần cứng đã tách ra thành hai phòng phần cứng số, phần cứng cao tần riêng biệt. “Ở đây, mình được dành toàn lực để tập trung thiết kế nhiều sản phẩm mà trước đó chưa ai làm nếu xét về mặt kỹ thuật. Có giai đoạn gần như cách ngày, mình cùng đồng nghiệp ở lại cơ quan cả đêm, liên tục trong một tháng để thiết kế một bộ mạch. Bình thường, phần cứng thiết kế phải vài phiên bản, nhưng ngay bản đầu tiên của mình đã ‘chạy’ luôn, chỉ cần tinh chỉnh thêm chút để hoàn thiện”, Khánh chia sẻ.

Trong hành trình tiếp tục tìm kiếm những người chung đam mê, Khánh và Nam chọn cách quay trở lại trường cũ để tìm ra các ứng viên tiềm năng. Chia sẻ về “bí quyết” để các bạn trẻ có cơ hội góp mặt trong các dự án mật, Chu Quang Khánh nhấn mạnh: “Để gia nhập Viettel, điều quan trọng nhất cần chuẩn bị là một tinh thần học hỏi và luôn luôn làm việc hết mình. Đã làm là làm hết mình, coi công việc như là một phần của mình thì các bạn sẽ gặt hái được những thành tựu và được ghi nhận”.

Vinh quang, niềm tự hào trong sự ngỡ ngàng của những người thân yêu nhất

Đảm trách những dự án liên quan tới an ninh quốc gia, cả Chu Quang Khánh và Phạm Dương Nam đều phải giữ kín tuyệt đối về công việc. Ngay cả bố mẹ, vợ con cũng đều chỉ biết con, chồng mình làm việc cho Viettel. Thậm chí, bí mật được giữ tới phút chót để rồi sự ngạc nhiên, xúc động và tự hào bao trùm.

“Hôm đi nhận giải, bố mình chăm chú xem hết video rồi hỏi: ‘Thế bọn con làm những thứ này à’. Mình trả lời: ‘Vâng’. Thực sự, mình không biết dùng từ ngữ nào để mô tả bố mình lúc đó. Lúc về, bố không hỏi gì thêm nhưng mình biết ông hiểu rõ tính chất bảo mật trong công việc của con và rất tự hào”, Chu Quang Khánh, người tham gia nghiên cứu đề án Nền tảng vô tuyến điện quân sự - được trao giải thưởng Hồ Chí Minh hôm 19/5, chia sẻ.

Đi nhận giải cùng với vợ, Phạm Dương Nam cũng chia sẻ sự kinh ngạc của “hậu phương” khi biết chồng mình là một trong số 49 nhà khoa học, cán bộ trẻ của Viettel được vinh danh hôm đó. Nam tham gia nghiên cứu đề tài Radar cảnh giới biển tầm trung.

“Trước đây, vợ mình không hình dung được mình làm gì, thuộc lĩnh vực nào. Cô ấy chỉ biết sơ qua là chồng làm về các thiết bị liên quan tới quân sự thôi. Hôm được trao giải thưởng, vợ mình vô cùng ngỡ ngàng”, Nam chia sẻ và nói thêm do công việc phải vắng nhà nhiều nên vợ cũng có “ý kiến” nhưng đợt này đã “đỡ hơn”.

Làm những dự án mật của quốc gia, những nhà khoa học, cán bộ trẻ của Viettel có niềm tự hào của riêng mình mà chẳng cần “khoe” với gia đình, bạn bè. Thành công của những dự án khó, với độ bảo mật cao là minh chứng giá trị nhất cho sự quyết tâm, đoàn kết giữa những người đồng đội. “Được cống hiến cho tổ quốc là vinh dự lớn, lớn hơn cả bản thân mình”, Phạm Dương Nam chia sẻ.

Phát biểu tại buổi lễ Vinh danh hai công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Giải thưởng Hồ Chí Minh là sự ghi nhận đánh giá cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân đối với những nỗ lực cống hiến thầm lặng của các nhà khoa học đã tận tâm, tận lực kiên trì nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, thư viện, thậm chí nơi đầu sóng ngọn gió để có được thành tựu nổi bật. Những kết quả này đóng góp quan trọng vào công cuộc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ mà biết bao thế hệ hệ cha anh phải đánh đổi xương máu mới giành được”. 

Radar cảnh giới bờ biển tầm trung VRS-CSX do Viettel chế tạo có tính năng và chất lượng tương đương với những đài radar hiện đại nhất mà Hải quân Việt Nam đang sử dụng (đánh giá tương đương Score 3000 của Pháp) và đáp ứng mọi tiêu chuẩn của NATO để tiến tới sản xuất hàng loạt. Đây là loại radar được thiết kế cho nhiệm vụ giám sát bờ biển, phát hiện sớm từ xa các tàu, thuyền lạ xâm nhập vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế, có khả năng xóa bỏ "giới hạn đường chân trời".
Nền tảng vô tuyến điện quân sự được xây dựng trên nền tảng công nghệ vô tuyến định nghĩa bằng phần mềm mới nhất. Các dòng máy đều có tính tương thích cao, tin cậy, có khả năng hoạt động trên đa băng tần; được nghiên cứu thiết kế phù hợp theo yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội ta; đáp ứng yêu cầu bảo mật và an toàn, an ninh thông tin; có khả năng chống nhiễu và chống tác chiến điện tử. Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel làm chủ hoàn toàn từ thiết kế, quy trình công nghệ sản xuất loạt nên chủ động sản xuất với số lượng lớn, tạo lợi thế cạnh tranh cả về giá thành và chất lượng.

Phạm Trang

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận