Rào cản nào ngăn nhà mạng “lên mây”?

Rào cản nào ngăn nhà mạng “lên mây”?

Vai trò lớn nhất của các hãng viễn thông là giữ liên lạc giữa mọi người: giúp doanh nghiệp liên lạc với khách hàng, giúp đồng nghiệp kết nối khi làm việc từ xa, giúp người thân không bị thất lạc nhau. Trong khủng hoảng Covid-19, vai trò này càng trở nên rõ ràng và cần thiết. Chúng ta đã chứng kiến nhà mạng thành công trong tạo điều kiện cho học tập – làm việc từ xa, hỗ trợ nâng cao hệ thống y tế, trợ giúp chính phủ ở cả cấp độ địa phương lẫn quốc gia, cung cấp dự phòng vững vàng cho khách hàng doanh nghiệp. Tất cả đều nhằm giúp những quy trình quan trọng được tiếp diễn.

Dù nhà mạng thường phụ thuộc vào phần cứng để mang đến kết nối mạng, vài năm qua đã có nhiều thay đổi. Với sự trỗi dậy của công nghệ 5G cloud-native, lưu lượng dữ liệu, lượng sử dụng dịch vụ băng rộng và nhu cầu khách hàng tăng đột biến do đại dịch, các hãng viễn thông gặp thách thức khi muốn hiện đại hóa mạng lưới. Vì lẽ đó, họ chuyển sang các kiến trúc ảo hóa và đám mây.

Điều chỉnh nhu cầu đối với ứng dụng đám mây

Theo Rcwireless, nguyên nhân chính khiến các nhà mạng bắt đầu ứng dụng điện toán đám mây là… tiết kiệm tiền, cắt giảm chi phí trong các bộ phận khác nhau của tổ chức. Các hệ thống tại chỗ (on-premise) và chi phí giấy phép liên quan tốn rất nhiều tiền và công sức bảo trì. Ngược lại, triển khai dịch vụ gia tăng và mở rộng theo nhu cầu (không cần bảo trì máy chủ tốn kém) trên nền tảng đám mây lại rẻ hơn. 

Rào cản nào ngăn nhà mạng “lên mây”?

Các yếu tố khác bao gồm sự linh hoạt, khả năng mở rộng, tốc độ nhanh nhạy của các hệ thống đám mây so với hệ thống tại chỗ. Như chúng ta thường thấy trong thực tế, hệ thống viễn thông đối mặt với những lúc cao điểm cả về vận hành lẫn lưu trữ dữ liệu. Chẳng hạn, nó xảy ra vào các dịp lễ Tết hay sự kiện lớn. Trong phần lớn thời gian, hoạt động thấp hơn nhiều. Vì vậy, các hệ thống tại chỗ phải được cấu hình để chống chọi với những lúc cao điểm, cần tới nhiều máy chủ trị giá hàng tỷ USD nhưng lại không dùng đến vào ngày thường. Khi triển khai trên đám mây, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, tự động điều chỉnh quy mô một cách linh hoạt sẽ giữ chi phí thấp vào ngày thường nhưng vẫn đảm bảo đủ năng lực cho ngày cao điểm.

Xu hướng ứng dụng đám mây của các nhà mạng

Công bằng mà nói các nhà mạng không xa lạ với điện toán đám mây. Bước chuyển dịch lớn đầu tiên “lên mây” là vào năm 2012. Một số hãng viễn thông lớn như AT&T, Orange, Telecom Italia, Deutsche Telecom và Telefonia đã giới thiệu mô hình ảo hóa chức năng mạng (NFV) và dịch chuyển từ mạng vật lý thuận túy sang chức năng mạng ảo (VNF) để tự động hóa một số phần trong hạ tầng.

Chức năng mạng cloud-native (CNF) về cơ bản mang lại cách thức cung cấp chức năng mạng và cấu hình VNF mới linh hoạt hơn. Dường như, chúng cũng tạo ra giải pháp tốt hơn khi chuyển sang 5G. Theo Analysys Mason, các nhà cung cấp dịch vụ di động (CSP) sẽ chi 114 tỷ USD cho đám mây (bao gồm chức năng đám mây, phần mềm đám mây, phần cứng, dịch vụ liên quan) từ năm 2019 đến năm 2025. Vài năm tới sẽ ghi nhận sự chuyển dịch lớn của nhà mạng “lên mây”, đồng nghĩa, họ sẽ tập trung tốt hơn vào dịch vụ thiết yếu thay vì công nghệ thông tin, cập nhật máy chủ hay bảo trì.

Lợi ích của đám mây với nhà mạng gói gọn trong ba điểm: giảm chi phí vận hành; nâng hiệu quả trung tâm dữ liệu; độc lập về công nghệ thông tin. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp viễn thông chần chừ. Đầu tiên, đó là thiếu kỹ năng và chuyên gia nội bộ. Các phòng ban trong công ty hiểu biết hạn chế về ứng dụng đám mây và chiến lược “lên mây”, vì vậy họ phải tìm tới nhà cung cấp bên ngoài để lấp đầy chỗ trống. Lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ đám mây cũng là vấn đề đau đầu không kém. Ngày nay, có nhiều lựa chọn khác nhau, phổ biến nhất là Microsoft Azure, Amazon Web Services, GCP, Oracle, IBM. Các chuyên gia sẽ giúp nhà mạng thực hiện các dự án lớn liên quan đến tích hợp đám mây. 

Một vấn đề khác là bảo mật và quyền riêng tư. Lưu trữ dữ liệu mở và không được mã hóa đúng cách, đặc biệt tại những nước không có trung tâm dữ liệu địa phương là khá rủi ro xét về tính tuân thủ pháp lý. Các hệ thống vẫn bị xem là dễ bị tấn công. Đám mây và công nghệ liên quan phát triển nhanh chóng, khoảng cách giữa dịch vụ đám mây và hệ thống cũ tạo ra lỗ hổng mà tội phạm mạng có thể khai thác.

Cuối cùng, rào cản lớn ngăn nhà mạng ứng dụng đám mây là thiếu lòng tin. Nhà mạng vẫn chưa chắc chắn đám mây có hiệu quả nhiều hơn hệ thống tại chỗ về tiết kiệm chi phí hay không. Có sự hoài nghi lớn rằng chi phí của hệ thống đám mây sẽ nhỏ hơn tổng chi phí sở hữu một hệ thống tại chỗ.

Cách nào để vượt chướng ngại vật?

Điều đầu tiên nhà mạng phải làm là phát triển đội ngũ chuyên gia nội bộ với sự giúp sức của các hãng công nghệ thông tin hàng đầu. Họ có thể tìm đến bên thứ ba để triển khai hệ thống và giải pháp nhanh chóng, nâng cao năng lực và chuyên môn. 

Bằng cách này, doanh nghiệp viễn thông sẽ học hỏi kinh nghiệm từ các công ty công nghệ thông tin, hiểu về giải pháp đám mây, tích lũy kiến thức chuyên môn và duy trì tất cả vai trò quan trọng – kiến trúc sư, quản lý dự án, kiến trúc bảo mật – trong công ty.

Đối với chướng ngại thương mại và chi phí, họ có thể vượt qua bằng các dự án PoC (proof of concept – chứng minh tính khả thi và thực tiễn của ý tưởng hoặc phương pháp nào đó). Nhà mạng sẽ sử dụng dữ liệu mẫu hoặc tổng hợp để xem mất bao nhiêu chi phí để triển khai hệ thống trên đám mây, sau đó so sánh với chi phí triển khai tại chỗ tại trung tâm dữ liệu riêng để tìm ra giải pháp nào tiết kiệm hơn. Các dự án PoC khá hữu ích vì cung cấp bài học về khấu trừ chi phí đám mây sau quá trình tích hợp.

Một giải pháp nữa là tạo ra mối quan hệ gần gũi giữa nhà mạng và doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Như vậy, nhà cung cấp dịch vụ đám mây sẽ xem nhà mạng là đối tác chiến lươc, đưa ra các mức chiết khấu hấp dẫn và cố vấn để triển khai dự án đám mây.

Về vấn đề dữ liệu cá nhân, các vấn đề pháp lý là chướng ngại lớn khi ứng dụng đám mây tại các nước chưa có trung tâm dữ liệu địa phương. Trong tình thế này, nhà mạng đã bắt đầu tích hợp các giải pháp ẩn danh dữ liệu để bảo vệ thông tin nhạy cảm và thông tin cá nhân của thuê bao. Về cơ bản, nhà mạng tải dữ liệu theo định dạng mã hóa, giảm nguy cơ bị lộ dữ liệu mà vẫn tuân thủ quy định.

Điện toán đám mây có tác động quan trọng đến doanh thu và ngân sách của các nhà mạng thế giới. Nó đã chứng minh tính hiệu quả, tiết kiệm, linh hoạt để lưu trữ và làm việc với dữ liệu. Nhờ sự hỗ trợ của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây, nhà mạng có thể tăng cường mức độ phổ biến của các dịch vụ, mở rộng sản phẩm và cải thiện hiệu suất kinh doanh nói chung.

Du Lam

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận