Robot - trợ thủ hay kẻ cướp việc?

Robot - trợ thủ hay kẻ cướp việc?

Robot Nỗi lo gây xáo trộn thế giới

Giai đoạn từ 2014 - 2019, thị trường robot cho tiêu dùng và văn phòng dự kiến đạt mức tăng trưởng 17%, và theo các chuyên gia thì tốc độ này nhanh gấp 7 lần thị trường robot công nghiệp. Vài năm trở lại đây, không khó để nhận thấy rằng ngày càng xuất hiện nhiều robot trong các lĩnh vực dịch vụ.

"Hơn 9.000 robot NAO của SoftBank đã được bán ra trên toàn thế giới để sử dụng cho các mục đích như giáo dục, nghiên cứu, dịch vụ khách sạn, ngân hàng, hướng dẫn khách hàng tại sân bay“, ông Takashi Morimoto - Tổng Giám đốc SoftBank Telecom Việt Nam cho biết.

Không chỉ có Nhật Bản mà nhiều quốc gia trên thế giới từ lâu đã tích cực khai thác robot trong các lĩnh vực của đời sống. Ví dụ, nhiều cửa hàng, công ty ở Mỹ sử dụng robot thu ngân và lễ tân, trong khi đó đảo quốc Singapore đang sử dụng robot thiên nga để giám sát chất lượng nước, còn ở Trung Đông thì người ta đã sử dụng robot trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Riêng tại nhiều quốc gia châu Âu và Nhật Bản, còn có các loại robot trợ giúp người bệnh và người già được triển khai.

Theo một khảo sát gần đây của tập đoàn SoftBank, 5 lĩnh vực con người mong muốn có sự tham gia làm việc của robot là Hướng dẫn khách hàng , Tiếp thị tại cửa hàng bán lẻ (26%), Dịch vụ sự kiện (21,2%), Giáo dục (19,2%), và Xuất nhập khẩu (19,2%).

Có thể nói robotic sẽ là xu thế công nghệ của tương lai. Theo dự báo, trong vòng 20 năm tới, robot sẽ ngày càng có ảnh hưởng tới đời sống của toàn xã hội và sẽ có thêm rất nhiều lĩnh vực có sự tham gia của robot. Tuy nhiên, việc phát triển “trí thông minh” của robot đến mức nào, khả năng tương tác của robot ra sao vẫn là những bài toán đặt ra cho các nhà phát triển.

Cách đây vài năm, các nhà khoa học bàn đến chuyện tương lai sau kỷ nguyên Internet là gì, và khi đó thì nhiều người đã khẳng định đó chính là robot.

Thời gian gần đây, thuật ngữ Internet of things (Internet của Vạn vật) cũng được nhắc đến nhiều ở Việt Nam. Có thể thấy, Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế chung này. Tại Việt Nam, robot đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, chủ yếu trong các nhà máy công nghiệp và ở các hộ gia đình để tự động việc lau dọn.

Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (IAE) cũng đã ứng dụng thành công robot trong giảng dạy tiếng Anh cho trẻ em. Theo đó, robot sẽ có nhiệm vụ tương tác, tạo cảm hứng và hướng dẫn các em nhỏ học tiếng Anh, phát âm chuẩn như người bản ngữ.

Như vậy, đứng trước câu hỏi, liệu robot có thể “cướp” việc làm của con người hay không, thì câu trả lời là “robot được coi như một sản phẩm hữu ích giúp truyền cảm hứng cho học viên hoặc khách hàng, thực hiện chính xác các công việc có tính lặp lại, từ đó giải phóng sức lao động của con người chứ không thể thay thế hoàn toàn các công việc của con người”.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận