Tham vọng bán dẫn của Trung Quốc lại gặp trở ngại

Tham vọng bán dẫn của Trung Quốc lại gặp trở ngại

Trong thư gửi quốc hội nước này vào ngày 8/3, Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher đề cập đến việc kiểm soát xuất khẩu công nghệ in thạch bản nhúng vốn đang được dùng trong sản xuất chip tiên tiến.

"Hà Lan cho rằng dựa trên cơ sở an ninh quốc gia và quốc tế, điều cần thiết nhất là công nghệ này phải được kiểm soát càng sớm càng tốt", bà Schreinemacher nêu. Dự kiến, quy định hoàn chỉnh về xuất khẩu DUV được giới thiệu vào giữa năm nay.

Nội dung thư không nêu tên Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng của Hà Lan, cũng như ASML - công ty Hà Lan đang nắm gần như độc quyền công nghệ và các cỗ máy DUV. Tuy nhiên, cả hai được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu quy định mới được thực thi.

So với dòng máy quang khắc dùng tia siêu cực tím EUV, DUV không tiên tiến bằng, nhưng vẫn là công nghệ chủ đạo trong sản xuất chip mà ASML chiếm phần lớn thị phần. Sau động thái của chính phủ Hà Lan, ASML cho biết sẽ xin giấy phép để có thể bán sản phẩm và công nghệ DUV khi quy định được thực thi. Hãng này nói kết quả kinh doanh của họ trong 2023 sẽ không bị ảnh hưởng.

Nhân viên ASML đang vận hành một cỗ máy EUV. Ảnh: ASML

ASML chưa bán mẫu EUV nào cho Trung Quốc, nhưng vẫn được phép xuất khẩu DUV sang đây. Công ty cho biết doanh số bán hàng năm 2023 tại "thị trường tỷ dân" sẽ đạt mức 2,3 tỷ USD, không chênh lệch quá nhiều so với 2022, nhưng không đạt mục tiêu tăng 25% như dự kiến.

Mỹ nhiều lần gây sức ép để Hà Lan áp đặt các hạn chế với Trung Quốc từ 2018, dưới thời cựu tổng thống Donald Trump. Đến 2020, theo Reuters, Hà Lan đã rút giấy phép xuất khẩu máy EUV của ASML sang Trung Quốc. Điều này diễn ra sau khi Mỹ bày tỏ lo ngại nếu ASML chuyển máy móc đến Trung Quốc, các nhà sản xuất chip ở nước này có thể tạo ra những sản phẩm với sức mạnh lớn hơn, ứng dụng AI và sử dụng cho mục đích quân sự.

Hồi giữa tháng 1, bà Schreinemacher từng nói không chấp nhận đề nghị của Mỹ trong việc kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng cuối tháng đó, ASML xác nhận "các bước đã được thực hiện" giữa chính phủ Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản để hạn chế chuyển thiết bị bán dẫn cho Trung Quốc".

Trong khi đó, Peter Wennink, CEO ASML, cho biết công ty cũng đang đề phòng hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ quyết liệt hơn ở mức "chưa từng có so với trước đây".

"Tình thế bây giờ khá giống cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Dầu luôn tồn tại cho đến khi khan hiếm và trở thành một mặt hàng chiến lược. Điều tương tự cũng đang xảy ra với chip", Wennink nói với FT.

Ông cũng nhắc lại sự việc tháng trước khi một nhân viên ASML ở Trung Quốc đánh cắp công nghệ của công ty và gửi về cho một doanh nghiệp bán dẫn địa phương. CEO ASML cho biết công ty đang tăng chi tiêu cho an ninh mạng và bảo vệ công nghệ, sáng chế. Hàng năm, công ty trích doanh thu "hai con số phần trăm" để ngăn chặn hàng nghìn sự cố bảo mật.

Bảo Lâm (theo Bloomberg, FT)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận