Thấy gì từ thương vụ thâu tóm Twitter của Elon Musk?

Thấy gì từ thương vụ thâu tóm Twitter của Elon Musk?

Một nền tảng truyền thông xã hội với hàng trăm triệu người dùng thường xuyên, chuyển đổi từ công ty đại chúng sang sở hữu của một cá nhân duy nhất, hứa hẹn tạo ra những câu chuyện kịch tính trong thời gian tới.

Con dao 2 lưỡi

Elon Musk, nhân vật chính của câu chuyện, trước đó gọi bản thân mình là một người theo chủ nghĩa “tự do tuyệt đối”, đồng thời chỉ trích sự kiểm duyệt của Twitter. Tỷ phú này muốn thuật toán của Twitter tập trung vào những bài đăng công khai và phản đối việc trao cho các doanh nghiệp quảng cáo quá nhiều quyền lợi.

Về lý thuyết, chủ nghĩa tự do hoá của Musk có thể giúp người dùng Twitter tránh được sự kiểm duyệt nội dung mang tính chủ đích từ phía công ty quản lý (và cả các đối tác quảng cáo). Theo các chuyên gia chính trị, trong kỷ nguyên Twitter Musk tài khoản của các cá nhân đang bị cấm có thể được khôi phục, bao gồm cả cựu Tổng thống Trump.

Thế nhưng, ý tưởng này cũng có thể tạo thêm thách thức trong bảo vệ quyền riêng tư người dùng. Bên cạnh đó, các nhà hoạt động xã hội cũng bày tỏ lo ngại về sự gia tăng của ngôn ngữ thù địch khi công ty nới lỏng hoạt động giám sát nội dung.

Musk và những người ủng hộ có thể nhìn nhận thương vụ này như một chiến thắng dành cho “tự do hoá Internet”. Nhưng ở khía cạnh khác, nó đang trao thêm quyền lực “online” cho CEO Tesla, người vốn có ảnh hưởng không nhỏ thời gian gần đây với hơn 80 triệu người theo dõi (follower) trên nền tảng “Chim xanh”.

Mặc dù quy mô chỉ bằng 1/10 so với các mạng xã hội khác như Facebook, nhưng Twitter được cho là đã góp phần làm lan rộng phong trào “mùa xuân Ả-rập” và bị cáo buộc là một trong những phương tiện dẫn đến cuộc bạo loạn Điện Capitol ngày 6/1/2021. 

Nhà Trắng từ chối bình luận về thương vụ thâu tóm trên, nhưng khẳng định Tổng thống Joe Biden từ lâu vốn quan ngại về quyền lực của các nền tảng mạng xã hội.

“Quan ngại của chúng tôi không phải điều mới. Tổng thống từ lâu đã nhắc tới lo ngại của ông ấy đối với các nền tảng mạng xã hội, gồm Twitter cũng như các công ty khác, liên quan vấn đề lan truyền tin giả”, Jen Psaki, phát ngôn viên Nhà Trắng nói. 

Nội bộ rối ren, bên ngoài hưởng lợi

Việc Elon Musk trở thành chủ sở hữu “Chim xanh” không ngay lập tức tạo ra thay đổi đối với công việc của hơn 7.000 nhân viên tại đây. Dù vậy, bầu không khí bất an đang bao trùm công ty là điều có thể cảm nhận được. Chính bản thân CEO Parag Agrawal cũng thừa nhận “không biết đường hướng phát triển của công ty thế nào cho đến khi thoả thuận chính thức hoàn tất”.

Twitter cho biết họ không có kế hoạch sa thải nhân viên trong tương lai gần. Dù vậy, tai tiếng về phong cách quản lý của Musk, cũng như việc công ty không còn thực hiện chế độ thưởng cổ phiếu cho nhân viên, sẽ khiến Twitter mất lợi thế cạnh tranh trong tuyển dụng cũng như giữ chân nhân tài, đặc biệt là các vị trí lãnh đạo cấp cao.

Hiện tại thoả thuận thâu tóm này vẫn cần đợi hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan. Nhưng trong trường hợp mọi việc diễn ra theo kế hoạch, rất có thể Twitter sẽ đối mặt với làn sóng nghỉ việc và từ chức. Và những đối thủ trực tiếp sẽ là người hưởng lợi từ cuộc “di cư” lao động này.

Không chỉ vậy, nguồn thu của “Chim xanh” có thể bị ảnh hưởng khi CEO Tesla và SpaceX công khai ưu tiên khía cạnh tự do Internet thay vì hoạt động kinh doanh. Không chỉ vậy, Musk cũng bày tỏ ý muốn xây dựng mô hình đăng ký dịch vụ trả phí định kỳ chứa ít quảng cáo hơn.

“Khoảng 85% doanh thu của Twitter đến từ quảng cáo thương hiệu. Với việc Elon Musk đặt ưu tiên hàng đầu là tự do ngôn luận, các nhà quảng cáo có thể chuyển ngân sách sang các kênh khác”, các chuyên gia phân tích JMP giải thích rằng không nhãn hàng nào muốn thương hiệu của mình xuất hiện cạnh những bài viết bạo lực hay thông tin sai lệch.

Như vậy, các nền tảng như YouTube, Snap, Meta (Facebook) và TikTok sẽ là điểm đến của dòng tiền quảng cáo này.

Vinh Ngô

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận