Thừa Thiên Huế công bố hơn 1.300 dịch vụ công trực tuyến toàn trình

Thừa Thiên Huế công bố hơn 1.300 dịch vụ công trực tuyến toàn trình

Theo Nghị định 42 của Chính phủ sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8, cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo 2 mức độ: Dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần.

Trong đó, dịch vụ công trực tuyến toàn trình là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. Dịch vụ công trực tuyến một phần là dịch vụ công trực tuyến không đảm bảo các điều kiện trên.

Chính phủ cũng yêu cầu cơ quan nhà nước ứng dụng CNTT, công nghệ số tối đa trong quá trình cung cấp dịch vụ và xử lý dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ phải hiện diện tại cơ quan nhà nước hoặc cơ quan nhà nước phải đi thẩm tra, xác minh tại hiện trường theo luật.

Thừa Thiên Huế công bố hơn 1.300 dịch vụ công trực tuyến toàn trình
Trong hơn 1.425 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thừa Thiên Huế, có 1.356 dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Để góp phần nâng cao chỉ số chuyển đổi số của tỉnh, trong đó có chỉ số về phát triển chính quyền số, Sở TT&TT Thừa Thiên Huế đã cùng các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện rà soát, tổng hợp danh sách dịch vụ công trực tuyến. Trên cơ sở đó, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục các dịch vụ công trực tuyến toàn trình cung cấp lên Cổng dịch vụ công tỉnh năm 2022.

Theo danh mục mới vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành, trên cổng thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh tại địa chỉ dichvucong.thuathienhue.gov.vn, người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng 1.159 dịch vụ cấp sở, ban, ngành; 150 dịch vụ cấp huyện; 50 dịch vụ cấp xã ở nhiều lĩnh vực khác nhau như hộ tịch, giáo dục, y tế, công thương...

Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện, xã tổ chức triển khai cung cấp dịch vụ công theo các mức độ được công bố; thường xuyên rà soát, cập nhật danh mục dịch vụ công các mức độ khi có sự thay đổi.

Sở TT&TT Thừa Thiên Huế có trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện cấu hình quy trình xử lý dịch vụ công khi có yêu cầu 2 chỉnh sửa, bổ sung.

Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm theo dõi, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện rà soát, cập nhật kịp thời các thủ tục hành chính trên Cổng thủ tục hành chính của tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh/huyện cấu hình dịch vụ công trực tuyến, xác nhận hồ sơ kiểm thử, tích hợp dịch vụ công trực tuyến từ Cổng dịch vụ công tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thừa Thiên Huế công bố hơn 1.300 dịch vụ công trực tuyến toàn trình
Ứng dụng Hue-S là 1 trong những kênh mà người dân, doanh nghiệp tại Huế có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Thông tin về hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao tại Thừa Thiên Huế, đại diện Sở TT&TT cho biết, tính đến giữa tháng 6/2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ là 49% và tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến đạt trên 53,5%.

Trên quy mô toàn quốc, theo số liệu của Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ tính đến tháng 6/2022 đã đạt 45,78%, tăng khoảng 1,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái; tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến tính đạt 36,91%, tăng 10% so với cùng kỳ.

Sở dĩ có sự gia tăng trên, theo lý giải của Cục Tin học hóa, là do thời gian qua, các địa phương đã đôn đốc và giao chỉ tiêu triển khai dịch vụ công trực tuyến đến từng sở ngành, quận, huyện. Do đó, các đơn vị đã tích cực vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Trong hướng dẫn các bộ, tỉnh nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Bộ TT&TT cũng chỉ rõ, để cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, cơ quan nhà nước phải xuất phát từ nhu cầu, lợi ích, trải nghiệm của người dân. Người dân chỉ sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi được tiếp cận dễ dàng, có kỹ năng, thiết bị và động lực sử dụng.

Vân Anh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận