Thương mại điện tử Việt Nam có dấu hiệu chững lại

Thương mại điện tử Việt Nam có dấu hiệu chững lại

Thương mại điện tử tại Việt Nam có những bước phát triển cực kỳ mạnh mẽ trong khoảng 2 năm gần đây, nhất là giai đoạn Covid-19. Song các chuyên gia đánh giá ngành này vẫn còn một số yếu tố cần cải thiện như thời gian giao hàng, nguồn gốc hàng hoá, và sự phối hợp giữa các bên trong hệ sinh thái thương mại điện tử .

Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics” do Bộ Công thương tổ chức hôm 28/4, ông Phan Xuân Dũng – Giám đốc kinh doanh Công ty giao nhận Ninja Van Việt Nam - cho rằng thương mại điện tử tại Việt Nam có thể chia thành hai mốc thời gian phát triển: Từ 2012 đến 2017, và từ 2017 đến 2021.

Từ năm 2012 đến 2017, tăng trưởng tổng giá trị hàng hoá (GMV) TMĐT đạt mức 16%, nhưng bứt lên mạnh mẽ - 56% - trong khoảng thời gian 2017 đến 2021.

Năm 2012, GMV TMĐT chỉ 700 triệu USD (chiếm 0,8% tỷ trọng hàng hoá bán lẻ), đến 2017, GMV tăng lên 1,5 tỷ USD (chiếm 1,2%). TMĐT Việt Nam bứt tốc vào năm 2021, với quy mô lên 14 tỷ USD, chiếm 7% tổng giá trị ngành bán lẻ hàng hoá.

Thương mại điện tử Việt Nam có dấu hiệu chững lại
ông Phan Xuân Dũng – Giám đốc kinh doanh Công ty giao nhận Ninja Van Việt Nam - trình bày tại hội thảo.

Có 3 nhân tố chính đóng góp trong quá trình phát triển ngành thương mại điện tử tại Việt Nam, gồm: Người bán (các sàn TMĐT, người bán trên website và mạng xã hội…), người mua, và những đơn vị vận chuyển.

Theo đánh giá của ông Dũng, trong giai đoạn từ 2012-2017, các sàn TMĐT đóng vai trò quan trọng nhất vì đặt nền móng cho giao thương online. Ngoài những sàn TMĐT trong nước còn có khoảng 2-3 sàn nước ngoài cùng phát triển. Tuy vậy, ở giai đoạn này hàng hoá trên các nền tảng chưa đa dạng, chương trình khuyến mại chưa đủ thu hút người dùng.

Ở giai đoạn này, khách mua hàng chủ yếu ở khu vực thành thị, hầu như không có khách hàng ở các tỉnh thành nhỏ. Cùng với đó, chỉ có khoảng 2 doanh nghiệp vận chuyển đủ sức giao đến 100% tỉnh thành tại Việt Nam. Việc giao hàng có thể kéo dài đến 5 ngày đối với những khu vực ở vùng sâu, vùng xa.

Bước sang giai đoạn 2017-2021, TMĐT Việt có nhiều bước tăng trưởng đột phá. Khách mua hàng trực tuyến giai đoạn này không chỉ ở thành phố lớn mà sống tại khắp các tỉnh thành, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt đã tăng lên, chiếm 10% tổng giao dịch.

Số lượng người tham gia bán hàng cũng đa dạng hơn trước, không chỉ có các nền tảng thương mại điện tử lớn mà còn có những cá nhân, doanh nghiệp bán hàng trên mạng xã hội và các website. Để đáp ứng sự đa dạng này, hàng loạt công cụ bán hàng đa kênh đã ra đời. Đây là điểm khác biệt lớn của ngành mua sắm trực tuyến tại Việt Nam so với khu vực.

Trong khoảng thời gian trên, số lượng đơn vị vận chuyển cũng tăng lên, trong đó có nhiều doanh nghiệp ngoại. Trước đây chỉ có 2 công ty logistics có khả năng phủ 63/63 tỉnh thành thì ở giai đoạn này, con số đã lên 10 đơn vị. Tốc độ giao hàng tối đa rút ngắn lại từ 5 ngày xuống còn 3 ngày.

Toàn bộ hệ sinh thái nói trên đã tạo động lực lớn cho TMĐT Việt Nam phát triển đột phá trong năm 2021. Tuy vậy, lãnh đạo Ninja Van Việt Nam cho rằng TMĐT đang có dấu hiệu chững lại ở một số tiêu chí.

Chẳng hạn, người mua hàng đã đa dạng hơn trước nhưng khu vực nông thôn vẫn chỉ chiếm 30% đơn hàng, trong khi dân số khu vực này chiếm đến 70% cả nước. Song song đó, chi tiêu mua sắm trực tuyến của người dân thành thị đang chững lại. Ông Dũng đề xuất những bên liên quan có động thái để kích cầu các nhóm khách hàng này.

Về phía người bán, do Việt Nam và nhiều quốc gia khác phụ thuộc nguồn hàng từ Trung Quốc nên nếu có sự cố dịch bệnh, đóng cửa biên giới, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung. Chẳng hạn trong tháng 3 vừa rồi, việc tắc biên ảnh hưởng đến 25% doanh số logistics. Bên cạnh đó, một số hàng hoá sản xuất tốt tại Việt Nam như quần áo, mỹ phẩm lại không có sự liên kết với các sàn TMĐT để tạo thêm kênh bán.

Trong khi đó, dù đã có sự cải thiện về thời gian vận chuyển, song người dân ở khu vực nông hiện vẫn phải chờ khoảng 3 ngày để được nhận hàng. Trong khi đó tại Trung Quốc – đất nước có diện tích gấp 30 lần Việt Nam – lại có thời gian giao hàng toàn trình cao nhất chỉ khoảng 48 giờ đồng hồ.

Theo ông Dũng, thời gian giao hàng kéo dài hơn dự kiến là do cơ sở hạ tầng giao thông không đồng bộ, các kho bãi tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Bên cạnh đó, việc vận chuyển Bắc Nam đa số dùng đường bộ chứ không phải đường hàng không.

Để giữ được mức tăng trưởng TMĐT như trước đây, đại diện Ninja Van kiến nghị cần có giải pháp đồng bộ kết hợp nhiều bên khác nhau trong hệ sinh thái.

Về phía người mua, ông Dũng khuyến nghị tăng sức mua ở nông thôn. Việc này cần có sự tham gia của sàn TMĐT và nhà bán hàng. Ở góc độ đơn vị vận chuyển, Ninja Van có thể thực hiện các gói hỗ trợ khuyến mại khi giao hàng đi các khu vực xa thành thị.

Đối với người bán, cần tính đến khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng. Ví dụ việc đóng biên xảy ra cần có kênh nhập hàng khác để thay thế. Ngoài ra, cần tạo ra chuỗi cung ứng trực tiếp kết nối giữa nhà sản xuất tại Việt Nam với khách hàng trong khu vực. Ông Dũng cho hay công ty ông cũng đang kết nối hàng hoá “Made in Vietnam” với các nền tảng TMĐT Đông Nam Á.

Để đảm bảo hệ sinh thái vận hành, các đơn vị vận chuyển cần mở rộng kho bãi, tăng cường các chuyến bay và nhà cung cấp dịch vụ giao hàng hàng không để rút ngắn thời gian chuyển hàng. Như Ninja Van đang đặt mục tiêu rút ngắn thời gian giao hàng tối đa từ 72 giờ xuống còn 48 giờ trên khắp cả nước.

Hải Đăng

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận