Tiêm chủng ở Tây Nguyên thời phổ cập mạng 3G/4G

Tiêm chủng ở Tây Nguyên thời phổ cập mạng 3G/4G

"Ngày trước, mỗi đợt tiêm chủng cho trẻ hàng tháng, việc lọc thông tin thủ công rất mất thời gian. Nay mạng 3G và 4G Viettel phủ khắp nơi, đi đâu cũng truy cập được dữ liệu từ điện thoại, công việc của chúng tôi nhàn hơn nhiều", điều dưỡng viên Phạm Ngọc Tới (Trạm Y tế xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, Gia Lai) chia sẻ.

Tiêm chủng ở Tây Nguyên thời phổ cập mạng 3G/4G

Đi tiêm chủng thời phổ cập mạng 3G/4G

Bé Trần Bùi Thái Giang (4 tháng tuổi, ở thôn Thanh Hà, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, Gia Lai) là con thứ 2 của vợ chồng anh Trần Bá Thái. Lúc mới chào đời, bé được tiêm một mũi vaccine viêm gan B sơ sinh. Sau khi được bố mẹ đăng ký khai sinh ở xã, bé được cấp một mã đối tượng (ID), nhập thông tin trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia (NIIS), trong đó có thông tin đã tiêm một mũi vaccine phòng viêm gan.

Trong vòng tháng đầu sau sinh, bé Thái Giang tiếp tục được tiêm một mũi tiêm phòng lao. Lần đó, cán bộ y tế phải đến tận nhà bé để nhắc gia đình lịch tiêm phòng cho bé.

Anh Trần Bá Thái chia sẻ, con trai lớn của anh đã từng bị lỡ mấy mũi tiêm vaccine vì bố mẹ quên lịch. Điều này khiến anh rất lo lắng bởi khi con chưa tiêm phòng vaccine, khả năng mắc bệnh cao hơn trẻ đã tiêm.

Giờ thì nỗi lo ấy của anh Thái đã được hoá giải. Cách đây một tháng, trong một lần họp thôn, anh Thái được cán bộ y tế trạm y tế xã Ia Hrung thông tin về việc đăng ký nhận tin nhắn nhắc lịch tiêm chủng của tổng đài Viettel. Mỗi năm chỉ mất 15.000 đồng mà lại không lo chuyện quên lịch, anh Thái thấy hợp lý nên đăng ký ngay.

Ngày 7/11 vừa qua, lần đầu tiên anh được nhận tin nhắn thông báo hai ngày nữa, bé Thái Giang đến lịch tiêm phòng Quinvaxem 5 trong 1 giúp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib và một mũi OPV (phòng bại liệt).

Tiêm chủng ở Tây Nguyên thời phổ cập mạng 3G/4G

Vợ chồng anh Thái là một trong những người đầu tiên của xã đăng ký dịch vụ nhận tin nhắn nhắc lịch qua điện thoại của Viettel.

Buổi sáng, vợ chồng anh Thái đưa con đến Trạm Y tế xã. Tại đây, cán bộ y tế Trạm sẽ truy cập vào hệ thống tiêm chủng quốc gia nhờ máy tính đã kết nối mạng Internet của Viettel, truy xuất mã ID của bé Thái Giang, hệ thống sẽ hiển thị lịch sử tiêm chủng của bé, thông tin về ngày sinh/lịch tiêm/tên bố - mẹ/số điện thoại liên hệ… mà không cần bố mẹ phải "khai báo". Trong thời gian đó, bé Giang sẽ được bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm, tư vấn và giải thích với bố mẹ về những phản ứng phụ thường gặp sau tiêm với bé.

Anh Thái là một trong những gia đình đầu tiên tại xã Ia Hrung đăng ký nhận tin nhắn nhắc lịch tiêm chủng cho con. Nhờ được anh chia sẻ lợi ích về điều này, cùng với việc được cán bộ của Viettel, trạm y tế hướng dẫn, chỉ trong buổi sáng 9/11, đã có thêm 25 phụ huynh đăng ký nhận tin nhắn như anh Thái.

Điều dưỡng viên Phạm Ngọc Tới, cán bộ trạm y tế xã Ia Hrung cho biết, mỗi năm xã có khoảng gần 120 trẻ chào đời. Nếu tính số trẻ trong năm phải tiêm chủng thì rất nhiều. Trước đây, 12 nhân viên y tế thôn bản trong xã phải nhớ lịch của tất cả các bé đến lịch tiêm chủng, lọc thông tin trên giấy tờ, sổ sách để đến tận từng nhà phát giấy mời tiêm chủng.

"Những hộ gia đình ở gần, đi vào ngày nắng ráo còn đỡ. Nếu gặp gia đình ở xa, lại vào ngày mưa, đường đất đỏ Tây Nguyên, sình lầy đến cả bắp chân, khó khăn vô kể. Có lần tôi còn bị té ngã, xước xát mà vẫn phải cố đến tận nơi, các cháu lỡ lịch tiêm thì rất thiệt thòi", chị Phạm Thị Thuỷ, nhân viên y tế thôn bản của thôn Thanh Hà đã 15 năm nay, nói.

Đằng sau hệ thống tiêm chủng

Còn theo ông Phạm Ngọc Tới, trước đây, những cán bộ phụ trách công tác tiêm chủng của xã rất vất vả bởi chỉ riêng việc hỏi thông tin từ phụ huynh, ghi báo cáo tiêm chủng, sổ sách giấy tờ theo phương thức thủ công trên sổ giấy đã chiếm rất nhiều thời gian. Ngoài ra, việc lọc thông tin tới lịch hẹn tiêm để ra giấy thông báo cũng "ngốn" không ít công sức cán bộ y tế. Chưa kể, tỷ lệ trẻ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cũng không cao.

Nhờ hệ thống NIIS – một phần mềm được Viettel phối hợp cùng Bộ Y tế thiết lập, cùng với đường truyền mạng Internet cáp quang do Viettel cung cấp và mạng 3G/4G phủ khắp mọi nơi, các cán bộ y tế có thêm thời gian khám, tư vấn và chăm sóc cho các bé đến tiêm chủng.

Tiêm chủng ở Tây Nguyên thời phổ cập mạng 3G/4G

Trạm y tế xã Ia Hrung là một trong số 222 trạm y tế xã/phường, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai được Viettel nối đường truyền Internet cáp quang miễn phí. Đi kèm với đường truyền cáp quang và ứng dụng về tiêm chủng, mạng 3G với 519 trạm BTS, 4G với 508 trạm BTS của Viettel cũng phủ kín địa bàn tỉnh Gia Lai, giúp cho cả cán bộ y tế, lẫn người dân muốn tra cứu thông tin qua mạng về các mũi tiêm của cá nhân rất dễ dàng, tiết kiệm thời gian và làm được ở bất kỳ nơi đâu. Đây là điều nằm mơ cũng không thấy thời tiêm chủng cùng với… hồ sơ giấy trước kia.

Theo Thiếu tá Võ Trần Trung – Phó Giám đốc khách hàng cá nhân, doanh nghiệp Viettel chi nhánh Gia Lai, ngoài hệ thống thông tin tiêm chủng, Viettel hỗ trợ, tham gia cùng Sở Y tế tỉnh trong quá trình xây dựng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho các đơn vị trực thuộc trên các lĩnh vực như: hệ thống quản lý y tế cơ sở, quản lý hồ sơ, sức khỏe cá nhân…

"Tháng 11/2017, chúng tôi tiến hành triển khai phần mềm y tế cơ sở tại 222 trạm, lộ trình tới hết năm 2020 sẽ đồng bộ, triển khai hết tất cả phần mềm ứng dụng. Bản chất của việc triển khai đồng bộ này sẽ hỗ trợ, tạo hệ thống cơ sở dữ liệu chung cho ngành Y tế. Đó là tiền đề để sau này triển khai tất cả các phần mềm khác", ông Trung thông tin.

Vị lãnh đạo Viettel nói thêm, hạ tầng cho ngành y tế chỉ là những bước đi ban đầu. Với mạng 4G được phủ rộng khắp, Viettel đã sẵn sàng hạ tầng Internet di động siêu băng rộng cho nhiều ứng dụng 4.0, phục vụ đời sống của người dân ở Gia Lai.

Nguyễn Minh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận