Trung Quốc: Tan vỡ giấc mơ chăm sóc sức khỏe online

Trung Quốc: Tan vỡ giấc mơ chăm sóc sức khỏe online

Năm 2014, tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập tập đoàn bán lẻ trực tuyến Alibaba, tuyên bố tham vọng làm cho các bệnh viện của Trung Quốc tốt hơn, giá thuốc rẻ hơn và mọi người dân sẽ mạnh khỏe hơn.

Theo Bloomberg, không chỉ Jack Ma, nhiều đại gia công nghệ khác của Trung Quốc cũng rất tham vọng về dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Chỉ riêng trong năm 2014, đầu tư vào mảng chăm sóc sức khỏe đã tăng gấp 7 lần, lên 1,4 tỷ USD. Công cụ tìm kiếm Baidu của tỷ phú Robin Li đã xây dựng ứng dụng di động dành cho các bác sỹ, để đưa ra các tư vấn online, còn Tencent thì đầu tư vào nhiều startup. Jack Ma khẩn trương thúc đẩy kế hoạch qua Alibaba Health Information Technology Ltd., một nỗ lực nhằm đưa các dịch vụ của bệnh viên lên online và xây dựng một trung tâm dược trực tuyến.

Trung Quốc: Tan vỡ giấc mơ chăm sóc sức khỏe online

Jack Ma

3 năm trôi qua, hầu hết các công ty công nghệ Trung Quốc, từ những "tay chơi" lớn đến các startup nhỏ, đều đang vật lộn kiếm tiền từ những khoản đầu tư đó. Dự án kinh doanh dược phẩm online và theo dõi thuốc trực tuyến của Ali Health đã bị tê liệt do những thay đổi bất ngờ trong chính sách, cổ phiếu công ty sụt giảm hơn 70% so với đỉnh điểm năm 2015.

Đầu tư vào lĩnh vực y tế kỹ thuật số của Trung Quốc đã giảm 10% trong quý cuối cùng của năm 2016. Ít nhất 26 startup trong lĩnh vực này đã đóng cửa.

"Trong năm 2016, rất nhiều người bắt đầu nhận ra rằng nhiều dự án đang thua lỗ và không có hy vọng phục hồi", Wang Yipei, một cựu Giám đốc đầu tư tại chi nhánh vốn đầu tư của Fusun Group nói. Hiện ông đang làm việc tại một bệnh viện công ở Bắc Kinh.

Các tỷ phú như Jack Ma có lý do để nhìn ra tiềm năng của ngành chăm sóc sức khỏe tại Trung Quốc: hàng triệu người vẫn mắc các căn bệnh như tiểu đường và ung thư khi họ có tuổi, và họ sẵn sàng chi nhiều tiền vào các phương pháp điều trị đắt tiền. Kết nối bệnh nhân, hiệu thuốc và bác sỹ qua mạng internet dường như là mô hình sinh lãi.

Ali Health đã nhìn thấy trước  một tương lai trong đó các bệnh nhân Trung Quốc có thể gặp gỡ những bác sỹ nổi tiếng trên nền tảng tư vấn trực tuyến của hãng, kê đơn cho hiệu thuốc trực tuyến, và thuốc được chuyển phát qua một mạng lưới hoàn hảo, có thể theo dõi từng bước đi đến tận nhà bệnh nhân.

Tuy nhiên, năm ngoái các nhà chức trách đã đóng cửa nhiều dự án thí điểm cho phép các website thương mại điện tử, bao gồm cả Tmall của Alibaba, bán thuốc tự do. Không những thế, chính phủ còn cho ngừng một hệ thống thuốc có kết nối với Ali Health để phát triển, hoạt động, làm tê liệt nguồn doanh thu chính của công ty. Các nhà chức trách cũng không hề có dấu hiệu sẽ cấp phép bán thuốc kê đơn online, một động thái mà nhà đầu tư luôn mong chờ.

Đã vung tiền đầu tư, nhưng phải chật vật tìm kiếm mô hình kinh doanh bền vững, Ali Health thua lỗ nặng nề từ mức khoảng 13 triệu USD trong 12 tháng (kết thúc vào tháng 3/2015), lên 30 triệu USD trong năm tài chính tiếp theo.

Trung Quốc: Tan vỡ giấc mơ chăm sóc sức khỏe online

Một ca tư vấn trực tuyến trên nền tảng Ali Health

Một lý do lớn khiến các hãng công nghệ gặp khó khăn là thiếu một nhà bảo hiểm sẵn sàng hợp tác với các hãng Internet trong một hệ thống đang bị các bệnh viện nhà nước và công ty bảo hiểm chính phủ thống trị. Theo Roger Liu, nhà sáng lập Unicorn Studio (Thượng Hải, Trung Quốc), hãng đã tư vấn cho các công ty chăm sóc sức khỏe di động, hệ thống của Trung Quốc là một mô hình hoàn toàn bảo thủ và không khuyến khích những dịch vụ sáng tạo.

Chủ tịch Baidu, Robin Li, nói rằng sự khan hiếm số liệu khiến công ty ông gặp khó khăn trong phát triển các thuật toán trí tuệ nhân tạo. "Toàn bộ cơ sở dữ liệu chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc vẫn chưa được đưa lên online", ông Liu của Unicorn Studio nói. "Với những nơi đã có dữ liệu, họ lại không chia sẻ cho bạn. Không có dữ liệu, làm sao bạn có thể nói về chăm sóc sức khỏe trực tuyến".

Trong một tuyên bố tuần trước, Baidu nói họ sẽ đóng cửa một số đơn vị y tế và sáp nhập phần còn lại vào Al các mảng tìm kiếm, chính thức thu hẹp tham vọng về chăm sóc sức khỏe cũng như dự án trí tuệ nhân tạo trong mảng y tế.

DXY, một diễn đàn dành cho các bác sỹ trao đổi kinh nghiệm và tư vấn online, năm 2014 đã nhận được khoản đầu tư 70 triệu USD của Tencent. DXY đã mở ra 3 cửa hàng, dùng công nghệ internet để nâng cao các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ. Các cửa hàng có chi phí khoảng 10 triệu tệ (1,4 triệu USD) mỗi cái, và DXY hiểu rằng việc xây dựng danh tiếng cần phải có thời gian, công ty phải mất ít nhất 3 năm mới có thể có lợi nhuận.

Không quản ngại những thách thức mà các công ty công nghệ đang phải đối mặt, nhiều ngành khác cũng nhăm nhe đầu tư vào y tế trực tuyến. Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc là một trong số đó, và gần đây chủ tịch Wang Jianlin của tập đoàn Dalian Wanda Group Co đã nói đang xem xét thiết lập một chuỗi các bệnh viện.

Trung Quốc: Tan vỡ giấc mơ chăm sóc sức khỏe online

Robin Li

Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc cũng thiết lập một số bước nhằm hỗ trợ thị trường chăm sóc sức khỏe online, giúp giảm gánh nặng lên hệ thống y tế công cộng. Các bác sỹ được phép hành nghề ở nhiều nơi và tăng cường bảo hiểm y tế tư nhân bằng các chính sách ưu đãi thuế.

Bloomberg cho biết, dù có thách thức, song nhiều doanh nghiệp vẫn chưa muốn từ bỏ sân chơi. Trong mấy tháng gần đây, Ali Health đã mua lại chuỗi cửa hàng bán thuốc. Công ty mẹ Alibaba nói rằng nguồn doanh thu y tế sẽ đến từ việc bán thuốc online, và hơn 3.000 doanh nghiệp, từ hãng dược phẩm đến cung cấp chất dinh dưỡng, đã đăng ký vào nền tảng của Ali Health kể từ tháng 6/2016.

"Nhiều công ty đã trả giá đắt và thất bại, nhưng không có nghĩa là không có cơ hội nào", Eric Yu, một Giám đốc của Matrix Partners tại Bắc Kinh, nói. "Hoạt động phù hợp với chính sách và giúp gia tăng giá trị cho các nhà cung cấp dịch vụ, các công ty sẽ tìm thấy nhiều cơ hội".

Hoàng Lan

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận