AI dẫn chương trình làm rung chuyển ngành truyền thông Ấn Độ, gây nỗi lo mất việc

AI dẫn chương trình làm rung chuyển ngành truyền thông Ấn Độ, gây nỗi lo mất việc

Khán giả đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều khi đài truyền hình Odisha TV (Ấn Độ) giới thiệu AI dẫn chương trình mang tên Lisa vào đầu tháng này, từ "phá cách" đến "máy móc" và "vô cảm". Bất kể ý kiến của khán giả như thế nào, dường như như hầu hết mọi người đều có điều gì đó để nói về Lisa - AI dẫn chương trình tin tức đầu tiên của Odisha TV.

Jagi Mangat Panda, người đứng đầu Odisha TV, đã ca ngợi màn ra mắt của Lisa là "cột mốc quan trọng trong việc phát sóng truyền hình và báo chí kỹ thuật số".

Mặc bộ sari (trang phục truyền thống của Ấn Độ) màu hạt dẻ và vàng, công việc của Lisa sống động như người thật khi cung cấp các bản tin trên nền tảng kỹ thuật số, đọc lá số tử vi, cập nhật thông tin về thời tiết và thể thao.

ai-dan-chuong-trinh-tin-tuc-lam-rung-chuyen-nganh-truyen-thong-an-do.jpg
Lisa dẫn chương trình tin tức trên Odisha TV - Ảnh chụp màn hình 

Jagi Mangat Panda giải thích rằng mục tiêu của việc sử dụng AI dẫn chương trình là để nó xử lý công việc lặp đi lặp lại và giải phóng nhân viên để "tập trung làm việc sáng tạo hơn, mang lại tin tức chất lượng tốt hơn".

Thế nhưng, sự xuất hiện của Lisa và sự gia tăng các newsbot gần đây đã khuấy động cuộc tranh luận về tương lai truyền thông ở Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới. Hiện tượng này cũng xuất hiện ở các thị trường châu Á khác, từ Trung Quốc đến Đông Nam Á, nơi người dẫn chương trình AI đang bắt đầu thay đổi diện mạo của việc phát sóng tin tức.

AI mang đến công cụ đặc biệt mạnh mẽ để tiếp cận khán giả ở Ấn Độ, nơi sử dụng rất nhiều ngôn ngữ. Ngay cả trước khi Lisa xuất hiện trên màn hình, India Today Group (có trụ sở tại thành phố Delhi) đã ra mắt người dẫn chương trình AI đầu tiên ở Ấn Độ có tên Sana. Ngoài việc trình bày tin tức bằng tiếng Anh, tiếng Hindi và tiếng Bangla, Sana đã đưa tin về thời tiết và đồng dẫn chương trình với các nhà báo khác bằng 75 ngôn ngữ.

Kalli Purie - Phó chủ tịch India Today Group mô tả Sana là "tươi sáng, lộng lẫy, không tuổi, không biết mệt mỏi".

Ở bang Karnataka (miền nam Ấn Độ), đài truyền hình Power TV đang sử dụng Soundarya - tự giới thiệu là "robot dẫn chương trình".

Những AI dẫn chương trình này được trang bị các thuật toán học máy, giúp phân tích dữ liệu từ các bài viết tin tức đến video. Theo trang web chính phủ INDIAai, AI dẫn chương trình "thu thập, theo dõi và phân loại những gì được nói và ai đã nói, sau đó chuyển đổi dữ liệu thành thông tin có thể sử dụng được".

Những nhà quản lý sản xuất cho biết chúng mang lại lợi ích cho ngành vì tiết kiệm chi phí, cho phép các kênh truyền tải tin tức bằng nhiều ngôn ngữ Ấn Độ và xử lý lượng lớn dữ liệu với tốc độ đáng kinh ngạc.

Một nhà sản xuất truyền hình (yêu cầu giấu tên) nêu ra lợi ích khác: "Dùng robot cũng có nghĩa là ít gặp rắc rối về cái tôi hơn cho các kênh, điều thường thấy ở các ngôi sao nổi tiếng”.

Mặt khác, các nhà phê bình cho rằng AI có nguy cơ làm giảm uy tín của giới truyền thông. Tất nhiên, robot thiếu kỹ năng quan sát và kinh nghiệm như các nhà báo.

"Truyền hình là phương tiện truyền thông có tính trực quan cao. Các chatbot đưa tin bằng giọng đơn điệu và không thể hiện cử chỉ bằng tay. Nếu bạn nhìn thấy một người thậm chí không trông giống con người, làm sao bạn có thể tin tưởng được? Tôi chuyển kênh ngay lập tức", Sanjay Parekh (nhà báo ở Delhi) nói.

Giống như các công nghệ AI khác, việc dùng AI dẫn chương trình tin tức cũng gây ra nỗi lo sợ về mất việc làm, dù các công ty sản xuất đã cam đoan rằng chúng sẽ không bao giờ thay thế con người.

Người phát ngôn Power TV cho biết: "Mục đích của chúng tôi không phải thay thế nhân viên dẫn chương trình hiện tại bằng chatbot. Chúng tôi không có ý định thu hẹp quy mô công việc. Chúng tôi chỉ đang bổ sung lực lượng nhân viên hiện tại và tận dụng sức mạnh của công nghệ để thử điều gì đó mới mẻ, thú vị trong một lĩnh vực có thể phải làm việc lặp đi lặp lại và đơn điệu. Ngoài ra, ở quốc gia có 22 ngôn ngữ chính thức và nhiều ngôn ngữ khác được sử dụng, các chatbot đa ngôn ngữ có thể giúp tăng cường việc tiêu thụ tin tức tốt hơn”.

Bất kể cuộc tranh luận như thế nào, việc sử dụng AI trong các phòng tin tức có vẻ sẽ tiếp tục tăng lên. Một cuộc khảo sát được Hiệp hội các nhà xuất bản tin tức thế giới công bố vào tháng 5 cho thấy 49% tổng số phòng tin tức trên toàn cầu đang sử dụng các công cụ AI như ChatGPT.

Trở lại năm 2018, Trung Quốc tuyên bố là nước đầu tiên giới thiệu AI dẫn chương trình. Kể từ đó, newsbot cũng xuất hiện ở Indonesia, Malaysia và Đài Loan. Ở Trung Đông cũng vậy, Kuwait News gần đây đã giới thiệu một người dẫn chương trình ảo có tên Fedha.

Mateen Ahmad, giáo sư thuộc Đại học Jamia Millia Islamia ở New Delhi (thủ đô Ấn Độ), cho biết bất kỳ công nghệ mới nào cũng gây ra sự sợ hãi và lo lắng lúc đầu. Ông nói các nhà sản xuất phim từng sợ rằng hoạt hình sẽ thay thế phim có sự tham gia của con người, "nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra".

Những lo ngại tương tự đã bao trùm ngành xuất bản khi internet cất cánh. "Nhiều người dự đoán rằng nó sẽ gióng lên hồi chuông báo tử của sách báo. Với bất kỳ công việc nào liên quan đến sáng tạo, con người là không thể thiếu. Họ không bao giờ có thể bị thay thế bởi các chatbot AI", Mateen Ahmad nói.

Ít nhất là hiện tại, cho đến khi AI trở nên thông minh hơn con người, chúng ta vẫn sẽ nắm giữ chìa khóa của sự đổi mới.

"Vì vậy, thay vì lấy đi công việc, newsbots sẽ có khả năng tạo ra nhiều việc làm hơn trong ngành, đồng thời nâng cấp nội dung", Mateen Ahmad dự đoán.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận